itaexpress / Tin ITA / Việt Nam trong mắt tôi / Hướng về quê hương / Người phụ nữ Việt Nam và phương pháp châm cứu “cấy chỉ”

Người phụ nữ Việt Nam và phương pháp châm cứu “cấy chỉ”

Có một người phụ nữ Việt Nam đã ghi tên tuổi của mình ở nhiều nước trên thế giới bằng chính đôi tay cần mẫn, khéo léo, bằng những nghiên cứu say mê trong lĩnh vực y học. Chị là bác sỹ Lê Thúy Oanh – người được Tạp chí uy tín “Ki Kie-so-đa - Ai là Ai” của Hungary bình chọn là người châu Á xuất sắc với những thành công trong “phương pháp cấy chỉ” .

“Phương pháp cấy chỉ Lê Thúy Oanh”

Châm cứu là cách chữa bệnh cổ truyền của Trung Quốc, Việt Nam và một số nước phương Đông. Ngày nay, kỹ thuật này đã không còn xa lạ với nhiều người phương Tây. Và cấy chỉ được xem là phương pháp châm cứu đặc biệt, kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại. Phương pháp này có tác dụng chữa trị nhiều bệnh như đau khớp, hen phế quản, viêm thần kinh tọa, liệt thần kinh số 7 ngoại biên, điếc lác, béo phì, huyết áp, dạ dày, phục hồi trí nhớ, duy trì chức năng cho các cháu bị down, giảm đau, nâng sức đề kháng...

Từ khi còn nhỏ, Lê Thúy Oanh đã yêu thích ngành y. Chị thi vào Học viện Quân y. Năm 1982, sau khi tốt nghiệp, chị về công tác tại Khoa nội tim mạch - Viện Quân y 91. Bản chất cần cù của một tri thức trẻ thôi thúc chị học hỏi và kết hợp với chuyên môn để điều trị thành công cho nhiều bệnh nhân bằng phương pháp “cấy chỉ cat-gut”. Năm 1984, chị chuyển công tác về Viện châm cứu Việt Nam. Tại đây, chị được “cây đại thụ” trong ngành châm cứu, Giáo sư Nguyễn Tài Thu hướng dẫn nên có điều kiện cải tiến cây kim cấy đạt hiệu quả cao hơn.

Đầu năm 1990, chị nhận lời mời của “Viện khớp vật lý trị liệu Hung-ga-ri” sang nước bạn làm chuyên gia giảng dạy và điều trị. Ngay từ khoảng thời gian đó, chị đã được giới chuyên môn trong và ngoài nước chú ý đến. Phương pháp cấy chỉ đã nâng cao uy tín, gắn chặt tên tuổi của chị trong sự nghiệp của một bác sỹ theo y học cổ truyền.

Hiện nay, ngoài công việc chính ở bệnh viện công của Hungary, chị còn mở bệnh viện tư mang tên “Viện cấy chỉ phục hồi chức năng Việt Nam” nằm giữa thủ đô Bu-đa-pest hoa lệ. Bằng cây kim cấy chỉ, bác sỹ Oanh đã điều trị cho hơn 500 ca ung thư, hàng trăm người bị bại liệt, bệnh đao, viêm thần kinh tọa, đau khớp…40 cặp vợ chồng vô sinh cũng đã tìm được niềm vui nhờ phương pháp này.

Uy tín và tài năng của chị đã vượt ra khỏi biên giới Hungary, nhiều nước có nền y học phát triển như Pháp, Đức đã mời chị đến giảng dạy và chữa trị cho bệnh nhân bằng phương pháp “cấy chỉ” mang tên Lê Thúy Oanh.

Hướng về quê hương

Chị vẫn duy trì việc về thăm và làm việc tại Việt Nam, truyền đạt những kĩ năng và kinh nghiệm trong vấn đề điều trị bằng phương pháp cấy chỉ cho đội ngũ y, bác sỹ của nhiều bệnh viện, trung tâm y tế. Chúng tôi gặp chị sáng 7/3, tại làng Hữu nghị Việt Nam khi chị cùng đội ngũ bác sĩ tình nguyện đang trực tiếp cấy chỉ cho các em là con em thương bệnh binh. Với khuôn mặt dịu dàng, phong thái giản dị, chị nhiệt tình hướng dẫn đội ngũ y, bác sỹ của trung tâm y tế làng Hữu nghị. Đây sẽ là những người trực tiếp điều trị và theo dõi tình trạng sức khỏe bệnh nhân trong thời gian tới – khi chị trở về Hung-ga-ri. Chị chia sẻ: “Phương pháp cấy chỉ không quá phức tạp trong điều trị nhưng lại có hiệu quả cao. Rất nhiều bệnh nhân không chỉ ở Việt Nam đã đỡ và khỏi bệnh nhờ phương pháp này. Việt Nam chúng ta có một thuận lợi hơn hẳn so với nhiều nước khác là đội ngũ bác sỹ cũng như sinh viên y khoa khi học tập tại trường đều được học về châm cứu. Cho nên, việc học tập và bồi dưỡng thêm về phương pháp cấy chỉ sẽ gặp nhiều thuận lợi. Tôi mong muốn được góp sức mình trong việc điều trị bệnh bằng phương pháp này cho người Việt Nam”.

Em Lâm Thị Vân (25 tuổi, làng Vân Canh – Hoài Đức – Hà Tây) bị liệt nửa người bên phải, đi lại và nói năng rất khó khăn. Nhưng sau 10 lần được điều trị bằng phương pháp cấy chỉ, giờ em đã có thể tự mình đi lại, nói được nhiều hơn và tiếng cũng rõ ràng hơn. Tất cả các em tham gia điều trị đều được theo dõi tình hình sức khỏe và đều có những chuyển biến trong khôi phục chức năng các bộ phận.

Cùng với đó, ba cuốn sách của chị là “Mạch chẩn” (Nhà xuất bản Y học 1999), “Cấy chỉ” (Nhà xuất bản Y học 2000) và “Châm cứu tổng hợp” (Nhà xuất bản Y học 2002) được dịch ra ba thứ tiếng: Việt, Anh, Hung-ga-ri là những công trình khoa học có ý nghĩa lý luận và thực tiễn cao, góp phần vào việc nghiên cứu và điều trị bệnh bằng phương pháp cấy chỉ.

Một tháng ở Việt Nam thật là ngắn ngủi. Chị lại quay về Hung-ga-ri với rất nhiều dự định trong công việc. 18 năm sang sinh sống ở châu Âu, nhưng tâm hồn chị vẫn luôn hướng về quê hương - là nơi chị muốn thực hiện nhiều dự đinh, muốn được chữa bệnh cho nhiều người hơn nữa bằng phương pháp cấy chỉ mà chị đã dày công nghiên cứu.

Theo Phương Giang / Đảng cộng sản