itaexpress / Tin ITA / Việt Nam trong mắt tôi / Hướng về quê hương / Nhớ cà phê Sài Gòn

Nhớ cà phê Sài Gòn

Cà phê tí tách ngưng tụ thời gian...

Nỗi nhớ hình như rất gần nhưng mơ hồ chừng như xa lắm, tưởng có thể bắt lấy được nhưng lại dịu vợi mong manh. Nhớ người ấy chăng hay điều gì vậy nhỉ? Hình như… à phải, nhớ cà phê Sài Gòn!

Sáng nay trời Hà Nội đổ mưa, tự dưng tôi nhớ Sài Gòn đến lạ lùng, không phải cái nhớ nao nao khi nghĩ về thành phố hai mùa mưa nắng, càng không phải lòng bâng khuâng khi nghe nhịp mưa rơi tựa tiếng gõ lóc cóc hàng vặt về đêm. Nỗi nhớ hình như rất gần nhưng mơ hồ chừng như xa lắm, tưởng có thể bắt lấy được nhưng lại dịu vợi mong manh. Nhớ người ấy chăng hay điều gì vậy nhỉ? Hình như… à phải, nhớ cà phê Sài Gòn!

Không có gì ngạc nhiên khi tới Sài Gòn trên khắp các nẻo đường, từ khu đô thị sầm uất hay con hẻm dài ngoằn ngoèo đâu đâu cũng thấy quán càphê lớn nhỏ, đa dạng về chủng loại, ngút ngàn về màu sắc và giá cả thì có thể phục vụ từ tầng lớp bình dân nhất cho đến giới thượng lưu quý tộc. Người Sài Gòn có thói quen uống càphê đến lạ kỳ bất kể sáng, trưa, chiều hay tối thậm chí giữa giờ làm việc… Trong thời buổi công nghiệp tưởng chừng như 24 giờ cho một ngày còn quá ít, trên thị trường đầy rẫy các loại cà phê tan, cà phê uống liền với những hình thức quảng cáo độc đáo nhưng cũng không thể nào sánh tầm được với chiếc phin cà phê bạc trắng tí tách từng giọt chậm rãi như muôn níu kéo và ngưng tụ thời gian lại. Người uống cà phê Sài Gòn rất đa dạng, là giới lao động bình dân, là giới trí thức nghèo, sinh viên, công chức, quý tộc… đủ thành phần. Vì vậy mỗi quán đều có một lượng khách nhất định và để níu kéo thượng đế của mình họ cũng có phong cách phục vụ và pha chế riêng biệt. Đối với tầng lớp lao động bình dân thì quán cóc vỉa hè là nơi nhâm nhi cà phê lý tưởng và cũng tại nơi đây họ có thể lượm lặt vô số chuyện thượng vàng hạ cám, trên trời dưới đất, nhưng đừng tưởng cứ lao động bình dân thì tiện chỗ nào ngồi chỗ đó mà họ cũng có quán ruột và gu riêng của mình. Cạnh trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn Tp.HCM cà phê Văn Khoa từ lâu vốn là địa chỉ quen thuộc của giới trí thức sinh viên không chỉ ở thương hiệu nổi tiếng được lưu lại từ trước năm 1975, mà còn là nơi hoài niệm của những người một thời gắn đã và đang gắn bó với ngôi trường này. Tôi thỉnh thoảng vẫn thường ngồi đây miên man ngược dòng ký ức tìm về kỷ niệm xưa với bao cảm xúc dâng trào khó tả.

Cùng với sự phát triển ngày càng nhanh của xã hội, nhất là ở thành phố năng động như Sài Gòn những năm gần đây xuất hiện cơn sốt quán “cà phê hộp”, người ta nhìn nhận đó là một loại hình kinh doanh hái ra tiền nên mạnh dạn đầu tư tiền tỉ cho quán của mình. Mỗi nơi một vẻ cốt tạo ấn tượng và sự độc đáo riêng hướng đến những đối tượng khách hàng nhất định, cuộc cạnh tranh giữa các quán vì thế cũng không kém phần khốc liệt. Khu vực Hồ Con Rùa trở thành thiên đường của loại hình kinh doanh này, nhìn cảnh “ngựa xe như nước, áo quần như nêm” với nam thanh nữ tú hàng ngày gặp gỡ tại khu vực này cũng đủ minh chứng đây là khu phố cà phê quý tộc.

Đơn thuần cũng chỉ là một loại thức uống giải khát nhưng người uống cà phê mỗi người một vị và cách thưởng thức khác nhau. Có người chỉ nghiện vị đắng ngọt chỉ có ở quán ruột và “đặt cọc” cho mình một chỗ ngồi cố định, có người uống cà phê để được thư giãn trong khung cảnh hữu tình với lối kiến trúc lạ đẹp mắt và thổn thức với giọng ca mà mình yêu mến, không nhiều nhưng ở Sài Gòn có một số quán cà phê như vậy: Tuấn Ngọc, Riêng một góc trời, Nhịp sống Sài Gòn, Thềm Xưa, Sỏi Đá… với người thích gu nhạc trữ tình nhạc Pháp mang âm hưởng nhạc thập niên 70, 90 thì không đâu khác hơn Yesterday, Lamos hay lãng mạn Molinary hoặc phong cách Ý với cà phê Ciao…

Sài Gòn hối hả, Sài Gòn nhộn nhịp, Sài Gòn nắng mưa cũng không thể phá vỡ khoảng lặng hàng ngày dành cho cà phê dân Sài thành. Không biết tôi đã phải là người Sài Gòn hay chưa nhưng chắc hẳn một điều hương vị cà phê nơi này đã bám chặt trong tôi, đưa tôi lại gần và thân thiết hơn nữa với những người bạn của mình tuy khác miền nhưng gặp nhau trên mảnh đất đô hội này, để mỗi khi đi xa tôi vẫn có riêng một góc trời để mà nhớ, mà thương. Mưa Hà Nội sáng nay dai dẳng như trêu lòng người viễn xứ, lòng bồi hồi khi bản nhạc xưa cất lên tha thiết “sáng nay cà phê một mình, từng giọt cà phê mặn đắng..”.

Ngọc Bích