itaexpress / Tin ITA / Việt Nam trong mắt tôi / Hướng về quê hương / Quê nhà và rau dền

Quê nhà và rau dền

Không thể tưởng tượng được rằng người đàn ông đang đứng trước mặt lại là bạn văn của tôi một thời. Anh ăn mặc xuềnh xoàng, giày quai hậu, tóc cắt ngắn như cách đây hơn 40 năm anh từ tỉnh Q vào thăm tôi. Tôi nhận ra ngay từ cái dáng vẻ chân chất ấy, dẫu nay anh là khách xứ xa.

Tay bắt mặt mừng. Hỏi han nhau trăm thứ chuyện quê người quê ta. Có cả nụ cười chen lẫn chút bâng quơ, ngùi ngùi. Vợ pha trà, ân cần mời mọc. Anh bạn cười: “Người trong nhà cả thôi, khách khí mà chi”. Ý muốn nói hiếm khi gặp nhau nhưng giữa chúng tôi là người đồng điệu. Vợ lại đon đả xách giỏ chuẩn bị ra chợ.

Anh nhìn thấy ngăn lại: “Bước qua cổng tôi thấy cả rồi”. Thấy gì? Tôi cảm thấy nhồn nhột: ngôi nhà tuềnh toàng? Vườn tược chẳng thấy bóng gà vịt? Hay mọi vật dụng đều mang dáng vẻ nhà quê, giậu xiêu cây ngã, cánh cổng gỗ xộc xệch sau trận bão lũ vừa rồi? Anh thong thả nâng tách trà, thong thả nhấp ngụm nhỏ, thong thả đặt xuống, từ tốn như ông đồ già.

Nắng lấp lửng treo ở xế hiên. Vẻ bồn chồn cuộn lên khuôn mặt vợ gốc Nam bộ quen tính chiều chồng, quý khách bèn thêm lần nữa xin phép ra chợ.

Anh bạn nói “chị chẳng phải đi đâu cả” rồi đứng lên hỏi mượn chiếc rổ tre. Chúng tôi nhìn nhau chẳng hiểu anh định làm trò gì. Chiếc rổ tre ám đen màu thời gian chìa ra run run như chính vợ tôi là cô học trò nhỏ ngày nào đứng trước mặt ông thầy trên bục cao. Anh ta cầm lấy vừa nói “cảm ơn” rồi lơn tơn xách rổ ra vườn, chồm hổm trên vạt đất mọc toàn rau dền cơm. Anh cẩn thận nhổ từng cọng rau, sẽ sàng đặt vào lòng rổ như thể anh đang nâng trong tay loại thảo mộc quý hiếm vậy. Tôi hiểu ra. Vợ tôi cũng hiểu.

Cả ba ngồi xung quanh vạt rau. Mảng màu xanh diệp lục cao dần lên, vun thành ngọn dưới nắng chói. Và để giải tỏa những áp lực, sự ngạc nhiên của vợ chồng tôi, anh thấp giọng: “Các cậu đừng tưởng bao nhiêu năm ở xứ người, tôi bị đồng hóa vào thứ văn hóa ăn uống của họ: thịt băm viên, xúc xích, bò hun khói, rượu vang... có vẻ sang trọng đấy nhưng nó lạnh tận tâm can như cái lạnh kéo dài ở đó. Tôi lớn lên từ gốc rạ với muối quẹt mắm kho, với mồng tơi, bồ ngót, cua đồng bảo sao tôi thích nghi được? Mấy chục năm xa, giờ quay lại quê nhà, lần đầu tiên tôi thấy vạt rau này, vạt rau của những người mẹ còng lưng trên bờ ruộng, của những người cha “ví tá” cày đồng dưới cái nắng chói chang mùa hè và mưa rát mặt mùa lũ.

Các cậu không thể tưởng tượng có những đêm tôi thức trắng chỉ để mơ ước một điều thật giản dị: ngày mai có chén muối é ớt hiểm và dĩa rau dền luộc. Những cơn mơ ấy đóng cục lại như tuyết bám cứng trên nóc nhà. Và giấc mơ ấy thành sự thật khi tôi đang ngồi lọt thỏm giữa vườn nhà các cậu đây. Có vẻ buồn cười phải không? Nhưng dẫu sao cũng phải cảm ơn thẻo đất bé xíu mà giàu tình và hai cậu”.

Anh bạn không để vợ tôi mó tay vào bất cứ việc gì: tự tay ra giếng kéo cần vọt múc nước rửa rau, luộc, vắt khô nước, hái ớt giã với muối hột rồi trộn lại.

Cơm, trong chiếc nồi đồng nấu bằng củi, được giở ra trên tàu chuối. Màu trắng nổi bật lên tàu lá mà anh gọi là những hạt ngọc giữa đất trời xanh thẳm, còn dĩa rau dền và chén muối é anh kêu là chất cam lồ cô đặc.

Vợ chồng tôi hể hả với niềm vui vừa tìm thấy của bạn. Anh gắp từng đũa rau đưa vào miệng như thể những tín đồ sùng đạo nuốt miếng bánh thánh, uống nước sông Hằng.

Nhìn anh, tôi chưa bao giờ ngờ được rằng những cọng rau dền kia diệu kỳ đến vậy, hạnh phúc đến vậy đối với những người xa xứ như anh. Và, cho cả tôi nữa.

ĐOÀN VIỆT HÙNG/ Tuổi Trẻ Online