Sau một năm gia nhập WTO, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) của Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc với 20,3 tỉ USD vốn đăng ký. Đây là kết quả nổi bật của kinh tế Việt Nam trong năm đầu gia nhập WTO.
Cuộc hội thảo “Đầu tư trực tiếp nước ngoài - Bước song hành của WTO” được tổ chức ngày 16/1/2008 đã khẳng định những tác động tích cực từ vị thế thành viên WTO của Việt Nam đối với thu hút FDI.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), hoạt động đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong năm 2007 tiếp tục có bước đột phá về lượng và có sự chuyển biến mạnh mẽ về chất.
Trong năm 2007, Việt Nam có hơn 1.400 dự án đầu tư nước ngoài mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 18 tỷ USD. Đồng thời có khoảng 380 lượt dự án đầu tư đang hoạt động đăng ký tăng vốn, với tổng vốn tăng thêm đạt 2,4 tỷ USD. Tính chung, thu hút FDI đạt 20,3 tỷ USD, tăng gần 70% so với năm 2006, gần bằng tổng mức đầu tư nước ngoài của 5 năm 2001-2005 và chiếm tới gần 20% tổng vốn đầu tư nước ngoài trong 20 năm qua.
Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Phan Hữu Thắng đã khẳng định, sau một năm trở thành thành viên của WTO, Việt Nam đã đạt được những thành tựu lớn về kinh tế - xã hội, đã và đang tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, những cơ hội đầu tư mới cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Việc Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO cũng mở ra những cơ hội mới trong thu hút đầu tư nước ngoài.
Nổi bật hiệu quả thu hút FDI
Ông Hoàng Văn Huấn, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Bắc, cho rằng việc gia tăng nguồn vốn FDI vào Việt Nam có nhiều lí do, trong đó có việc Việt Nam gia nhập WTO. Ngay từ năm 2006, khi nắm được thông tin Việt Nam sẽ gia nhập WTO, nhiều nhà đầu tư đã “đón đầu” sự kiện nên đã tích cực đầu tư vào Việt Nam. Chính vì thế, ngay trong năm 2006, FDI đã tăng mạnh và đặc biệt năm 2007, sau một năm gia nhập WTO, FDI đã tăng từ 10,2 tỉ USD lên 20,3 tỉ USD.
Trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với 1.837 dự án với tổng vốn đầu tư 13,5 tỉ USD.
FDI vào Việt Nam đã đóng góp cho nền kinh tế rất lớn. Hiện có trên 8.590 dự án của 81 nước và vùng lãnh thổ đang hoạt động có tổng vốn đầu tư trên 83,1 tỉ USD, trong đó vốn thực hiện đạt 29,2 tỷ USD. Vốn FDI chiếm tỷ trọng 18% tổng vốn đầu tư xã hội, đóng góp 16,2% GDP, chiếm 19,78% kim ngạch xuất khẩu (chưa kể dầu thô) và 37% giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước.
Theo ông Huấn, tác động cụ thể của dòng vốn FDI là đã tạo ra các khu công nghiệp tập trung. Hiện nay cả nước có trên 150 khu công nghiệp - khu chế xuất, dự kiến đến năm 2015 sẽ thành lập mới thêm 115 khu công nghiệp và mở rộng 27 khu công nghiệp.
Rõ ràng FDI đã tạo ra những khu công nghiệp tập trung để các doanh nghiệp nước ngoài và Việt Nam vào sản xuất tại đó, thay vì những nhà máy công nghiệp trước đây nằm rải rác trong các thành phố. Giá trị sản xuất công nghiệp của các khu công nghiệp trên cả nước chiếm khoảng 30% tổng giá trị sản xuất công nghiệp cả nước. Vì là khu công nghiệp tập trung nên thủ tục cấp phép tại các khu công nghiệp hoàn thiện hơn theo cơ chế một cửa, đơn giản và hạ tầng cũng như dịch vụ hải quan thuận tiện.
Một thành công nữa là Việt Nam đã thu hút được các tập đoàn lớn vào kinh doanh tại Việt Nam. Điều đó đã tạo ra uy thế cho Việt Nam cũng như giá trị sản phẩm trên trường quốc tế. Hiện có trên 110 các tập đoàn đa quốc gia (TNCs) trong danh sách 500 tập đoàn đa quốc gia lớn nhất thế giới (do tạp chí uy tín Fortune 500 công bố) đã đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký là 11,09 tỉ USD, chiếm một tỉ trọng lớn, 20% tổng vốn FDI của cả nước.
Các tập đoàn này đầu tư vào các lĩnh vực giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của Việt Nam. Ví dụ như trong lĩnh vực dầu khí có BP, Statoil, ConocoPhilips, Petronas, Chevron; điện năng lượng có BP, EDF, Tokyo Electric, AES; ôtô-xe máy có Honda, Toyota, DaimlerCrysler, Yamaha...; điện tử có Sony, Matsushita, Samsung, Toshiba, Cannon...
Xu hướng hiện nay đầu tư vào các dự án lớn gia tăng. Minh chứng cho điều này, ông Huấn đưa ra các con số: năm 2006, để chuẩn bị đón đầu cho việc gia nhập WTO của Việt Nam, một loạt công ty lớn đã đặt chân đến Việt Nam trong đó có những dự án lớn được cấp phép như tập đoàn Intel đã đầu tư 605 triệu USD xây dựng nhà máy tại Việt Nam, ngày 10/11/2006 công bố mở rộng lên 1 tỷ USD; dự án nhà máy sản xuất thép của Tập đoàn Posco (Hàn Quốc) tại khu công nghiệp Phú Mỹ II có tổng vốn đầu tư đăng ký trên 1,2 tỷ USD...
Tình hình này tiếp tục diễn biến trong năm 2007 với xu hướng tích cực hơn, nhiều dự án lớn được cấp phép như: dự án sản xuất thép của Ấn Độ ở Bà Rịa-Vũng Tàu với số vốn 527 triệu USD; dự án xây dựng khu resort của Singapore ở Thừa Thiên - Huế 276 triệu USD; dự án xây dựng khách sạn-căn hộ cao cấp Keangnam tại Hà Nội của Hàn Quốc 500 triệu USD; dự án sản xuất xi măng Hệ Dưỡng tại Ninh Bình 360 triệu USD; dự án sản xuất bột giấy của B.V.Islands tại Hậu Giang 349 triệu USD; dự án của Tập đoàn Điện tử Compal-Đài Loan ở Vĩnh Phúc 500 triệu USD.
Thu hút vốn FDI của Việt Nam sở dĩ có được thành tựu nổi bật như vậy, mấu chốt là sau khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên WTO, môi trường quốc tế đã thuận lợi hơn cho Việt Nam phát triển. Bên cạnh đó, thị trường trong nước nói chung và thị trường tiêu dùng của Việt Nam nói riêng không ngừng mở rộng và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, tình hình chính trị xã hội ổn định trong suốt thời gian dài vừa qua đã đảm bảo an toàn với vốn đầu tư quốc tế; hệ thống luật pháp tiếp tục hoàn thiện. Chính phủ Việt Nam còn thông qua các hình thức như diễn đàn và đối thoại, đã thiết lập được kênh đối thoại với chủ đầu tư, tăng cường hơn niềm tin của chủ đầu tư tại Việt Nam.
Sẽ tiếp tục đà tăng trưởng
Theo ông Kyoshiro Ichikawa, chuyên gia tư vấn về đầu tư nước ngoài của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, còn hơi sớm để đánh giá tác động của việc gia nhập WTO tới thu hút đầu tư nước ngoài. Song ông cũng thừa nhận những nỗ lực lớn để cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam trong quá trình gia nhập WTO. Ông Kyoshiro Ichikawa cho rằng, thời gian tới, Việt Nam cần quan tâm tới việc thực hiện các cam kết mở cửa; duy trì và tiến hành cơ chế khuyến khích về thuế cho các dự án công nghệ cao; cải thiện hệ thống giáo dục đào tạo để phát triển nguồn nhân lực.
Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần làm rõ những vấn đề phải thực hiện, phân cấp mạnh cho địa phương nhưng cũng làm rõ quyền hạn của chính quyền địa phương để tạo tâm lý an toàn cho nhà đầu tư bên cạnh việc cải thiện năng lực quản lý.
Giới doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam cho rằng làn sóng đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì trong thời gian tới. Ông Giám đốc Kotra tại Việt Nam cho biết sẽ ngày càng nhiều công ty Hàn Quốc đang quan tâm và nghiên cứu cũng như quyết định đến Việt Nam kinh doanh.
Mới đây nhất, ngày 15/1, Quỹ Heritage (tổ chức nghiên cứu chính sách công của Mỹ) và ấn bản tài chính hàng đầu thế giới Wall Street Journal công bố nghiên cứu của mình cho thấy chỉ số tự do kinh tế của Việt Nam tăng nhẹ, 49,8%, xếp vị trí 135/157 quốc gia và lãnh thổ, tăng ba bậc so với năm 2007. Công ty nghiên cứu thị trường Grant Thornton tại Việt Nam cũng vừa công bố kết quả điều tra của tập đoàn này khảo sát toàn cầu về niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài với tăng trưởng kinh tế trong năm 2008.
Theo kết quả này, Việt Nam đứng hạng ba (sau Ấn Độ, Philippines và đồng hạng với Singapore, Hồng Kông) về niềm tin vào sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 12 tháng tới. Khảo sát của Grant Thornton cho thấy 87% nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam khẳng định họ tin tưởng trong năm 2008 nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục có những bước phát triển vững chắc, 98% người được hỏi cho biết doanh nghiệp của họ sẽ có tăng trưởng về doanh thu, 97% cho biết họ sẽ có tăng trưởng về lợi nhuận và 87% cho biết họ sẽ tuyển dụng thêm lao động trong năm 2008.
Theo VnEconomy