08/08: Giá vàng đánh bại chứng khoán

Vàng trong nước liên tục “trở chứng” đã đẩy thị trường chứng khoán vào thế khó ngay khi hy vọng phục hồi vừa được nhen nhóm. Lực bán gia tăng vào cuối phiên đẩy hai sàn rơi vào tình trạng giảm khá mạnh.

VN-Index mất 4.47 điểm trong phiên này, tương đương 1.12% chốt tại 396.41 điểm. HNX-Index cũng sụt giảm 1.22 điểm, tức khoảng 1.78% xuống còn 67.32 điểm.

Thị trường giảm mạnh chủ yếu ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cho. Cụ thể, nhóm cổ phiếu Mid Cap giảm đến 2.29%, Small Cap thụt lùi 1.26% và Micro Cap đánh mất 1.32%. Trong khi đó, nhóm Large Cap đại diện cho những cổ phiếu vốn hóa lớn chỉ mất 0.68%. Điều này cho thấy, hầu hết lượng bán ra trong phiên đến từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ và những tay lướt sóng, nhằm hướng dòng tiền sang đầu cơ vàng.

Nhà đầu tư nước ngoài đã tận dụng cơ hội này để mua vào hàng loạt cổ phiếu với giá rẻ. Tổng lượng mua vào của họ tại HOSE lên đến 4.6 triệu đơn vị, cao nhất từ nhiều tháng nay.

Đáng chú ý khi STB được mua vào với khối lượng hơn 2 triệu đơn vị, tiếp đến là VSH với gần 880 ngàn đơn vị và các mã khác như DPM, SSI, REE, FPT, CTG

Tại sàn Hà Nội, khối ngoại bán mạnh hơn mua vào với giá trị bán ra 12.3 tỷ đồng trong khi mua vào chỉ có 2.84 tỷ đồng. Các mã bán ra nhiều gồm KLS, VCG, BVS, PVG, PVS

Về mặt thanh khoản, lực cầu trong phiên này đều suy yếu so với hai phiên cuối tuần trong khi lực bán khá mạnh làm cho giao khối lượng lẫn giá trị chuyển nhượng đều sụt giảm.

Theo đó, HOSE có 24.71 triệu đơn vị, trị giá 462.74 tỷ đồng, bao gồm cả 4.79 triệu cổ phiếu giao dịch thỏa thuận, tương đương 125 tỷ đồng.

Vẫn là STB chiếm tỷ trọng lớn trong các giao dịch này với các mức giá 15,200 – 15,300 đồng/cp và 1.17 triệu cổ phiếu chuyển nhượng; tiếp theo là KTB có thêm 1 triệu cổ phiếu thỏa thuận và vẫn ở mức giá trần. Ngoài ra, FPT có 600 ngàn cổ phiếu và ACL với 473,150 cổ phiếu cùng ở mức giá sàn.

Tại sàn Hà Nội, giao dịch sụt giảm mạnh so với phiên trước còn 23.43 triệu đơn vị chuyển nhượng, trị giá 228.73 tỷ đồng, với mức giảm lần lượt 39.33% và 33.32%. Giao dịch thỏa thuận chiếm 3.33 triệu cổ phiếu, tương đương 29 tỷ đồng.

10h30: VN-Index liên tục giằng co sau khi lấy lại mốc 398 điểm, trong khi đó HNX-Index tiếp tục đi xuống sau khi mất mốc 68 điểm. Thanh khoản tăng trưởng nhẹ ờ cả hai sàn do lệnh bán giá thấp xuất hiện khá nhiều trên cả hai bảng điện tử.

VN-Index kết thúc đợt khớp lệnh liên tục với mức giảm 2.57 điểm, tương ứng 0.64% chốt tại 398.31 điểm. Toàn sàn có đến 151 mã giảm, với 68 mã giảm kịch sàn, còn lại là 49 mã tăng và 54 mã đứng giá.

Giao dịch lúc này đạt hơn 18 triệu đơn vị, trị giá 324 tỷ đồng. Trong đó, STB khớp lệnh hơn 3 triệu cổ phiếu và vẫn giữ được mức giá tham chiếu và BVH giữ được mức tăng 1,000 đồng/cp.

Tại sàn Hà Nội, HNX-Index cũng đang giảm 1.17 điểm, tức khoảng 1.71% xuống 67.37 điểm. Giao dịch đạt thấp hơn so với HOSE, với 16.21 triệu cổ phiếu chuyển nhượng, trị giá 159 tỷ đồng. Số lượng cổ phiếu giảm giá cũng lên đến 170 mã, còn lại chỉ có 49 mã tăng giá và 172 mã đứng giá.

Tăng giá mạnh nhất có một số mã như CAN, SVS, SVN, HCC, PTM… và giảm mạnh gồm SRB, DHI, AMV, PXA hay DZM.

Trước 10h00: Đà giảm trên thị trường có xu hướng chậm lại sau khi VN-Index sắp sửa chọc thủng mốc 395 điểm. Trong khi đó, HNX-Index vẫn duy trì mức giảm +/-1%. Thanh khoản có sự tăng trưởng nhẹ nhờ lực cầu bắt đáy, tuy nhiên chưa đủ sức để kéo cả thị trường.

Giá vàng có dấu hiệu chựng lại và đi xuống cũng có thể là nguyên nhân giúp đà giảm của thị trường rút ngắn.

9h45: VN-Index còn giảm 3.56 điểm, tương ứng 0.89% xuống. Giao dịch đạt xấp xỉ 10 triệu đơn vị, trị giá 182 tỷ đồng, hầu hết là giao dịch khớp lệnh. Toàn sàn vẫn còn 144 mã giảm, chỉ có 42 mã tăng và 42 mã đứng giá.

BVH vẫn tăng nhẹ trong lúc nhiều mã khác vẫn trong tình trạng giảm giá; QCG cũng kiên trì với mức tăng kịch trần từ đầu phiên. Việc tăng giá bất ngờ của cổ phiếu này có thể báo hiệu kết quả kinh doanh quý 2 sắp công bố nhiều khả quan.

Tại sàn Hà Nội, HNX-index tạm thời giảm 0.62 điểm, ứng với 0.9% xuống 67.62 điểm. Khối lượng giao dịch cũng đạt khoảng 10 triệu đơn vị, trị giá 99 tỷ đồng. Các mã chủ chốt như KLS, VND, PVX, SHB, SHN đều giảm. Trong đó, SHBKLS có giao dịch mạnh nhất với lần lượt 1.87 triệu và 1.1 triệu cổ phiêu khớp lệnh.

Sau 9h00: Trong lúc giá vàng tăng “điên loạn” vượt qua ngưỡng 44 triệu đồng/lượng một cách dễ dàng, thị trường chứng khoán không ngừng đi xuống mặc dù diễn biến có phần chậm hơn. Dòng tiền có xu hướng chuyển từ chứng khoán sang vàng nhằm hưởng chênh lệch.

9h15, VN-Index giảm 2.26 điểm, tương ứng 0.56% xuống 398.62 điểm. Tuy nhiên, đến 9h20, mức giảm đã là 4 điểm, xuống còn 496.86 điểm. Thanh khoản cũng đạt 5.33 triệu đơn vị, trị giá 97.5 tỷ đồng. Số lượng cổ phiếu giảm áp đảo với 120 mã, còn lại là 47 mã tăng và 35 mã đứng giá.

Xu hướng giảm ở HNX có phần chậm hơn khi mức giảm của HNX-Index lúc 9h15 là 0.57 điểm, xuống 67.97 điểm. Thanh khoản đạt gần 6 triệu đơn vị, trị giá 58.38 tỷ đồng. Số lượng cổ phiếu giảm là 95 mã, còn lại là 48 mã tăng và 247 mã đứng giá hoặc chưa có giao dịch.

Mở cửa: Giá vàng thế giới và trong nước đang tăng chóng mặt mà chưa có điểm dừng, điều này ít nhiều tác động đến dòng tiền trên thị trường chứng khoán khi thanh khoản vừa có đôi chút cải thiện trong tuần vừa qua.

Bất chấp quyết định miễn giảm thuế thu nhập cá nhân đối với chứng khoán vừa được Quốc hội thông qua vào cuối tuần, các chỉ số trên hai sàn chứng khoán đều quay đầu giảm thay cho mức tăng của tuần trước.

VN-Index giảm 1.64 điểm, tương ứng 0.41% và lùi về 399.24 điểm. Thanh khoản chỉ đạt 620 ngàn đơn vị, trị giá 9.76 tỷ đồng. Toàn sàn có 52 mã giảm nhưng chỉ có 28 mã tăng giá, BVH là trụ cột duy nhất nâng đỡ thị trường trong khi hầu hết các mã vốn hóa lớn đều giảm.

Tương tự, HNX-Index cũng ghi nhận mức giảm nhẹ 0.01% xuống 68.53 điểm. Giao dịch đạt hơn 2.3 triệu đơn vị, tương đương 22.73 tỷ đồng. Bảng điện tử ghi nhận 36 mã tăng giá, 44 mã giảm và 310 mã đứng giá hay chưa có giao dịch.

Viết Vinh/ VietStock

eZ Publish™ copyright © 1999-2024 eZ systems as