Các CTCK đang tiềm ẩn nhiều rủi ro

10 CTCK lớn hiện nắm tới hơn 50% thị phần môi giới

Theo Nhóm công tác thị trường vốn, khối CTCK Việt Nam đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, vì vậy phải có “liều thuốc” tăng sức khỏe cho khối DN này.

Tại Diễn đàn DN Việt Nam (VBF) khai mạc vào sáng nay (2/12), Nhóm công tác thị trường vốn kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) nhanh chóng triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ TTCK sớm vượt qua khó khăn hiện tại. Trong đó đáng chú ý là “liều thuốc” tăng sức khoẻ cho các CTCK trong bối cảnh khối DN này đang tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Một thành viên Nhóm công tác thị trường vốn cho biết, qua trực tiếp làm việc với các cấp quản lý, Nhóm và Bộ Tài chính, UBCK thống nhất đánh giá, 105 CTCK hiện tại là quá nhiều cho TTCK Việt Nam. Đáng chú ý, riêng 10 CTCK lớn đã nắm tới hơn 50% thị phần môi giới, 95 công ty chia nhau gần 50% thị phần còn lại nên không đủ để duy trì hoạt động cho các công ty này.

“Nhiều CTCK hiện tại gần như không hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, thua lỗ kéo dài đến mức ăn thâm vào vốn chủ sở hữu, dẫn đến năng lực tài chính yếu kém. Điều này rất nguy hiểm cho NĐT khi mở tài khoản giao dịch tại những công ty này”, Nhóm công tác cảnh báo.

Nguyên nhân chủ yếu khiến các CTCK thua lỗ được nhận diện là do triển khai tự doanh, vay nợ và cho vay giao dịch ký quỹ (margin) quá nhiều, trong khi khả năng quản lý rủi ro kém. Để sớm khắc phục tình trạng này nhằm giảm thiểu rủi ro cho NĐT, thị trường, Nhóm công tác đề nghị Bộ Tài chính, UBCK cần đẩy mạnh tái cấu trúc, mua bán sáp nhập các CTCK. Việc này cần được tiến hành quyết liệt theo hướng gắn việc cắt giảm số lượng với việc nâng cao chất lượng và năng lực tài chính của các CTCK.

Để đạt mục tiêu trên, Nhóm công tác đưa ra gói giải pháp cụ thể, đồng thời, tin tưởng nếu Bộ Tài chính, UBCK quan tâm chỉ đạo triển khai quyết liệt các giải pháp này, “sức khỏe” tài chính của các CTCK sẽ dần được nâng lên.

Nếu vấn đề này không được thực hiện sớm và triệt để sẽ ảnh hưởng đến minh bạch tài chính của các CTCK, đồng thời, dễ phát sinh tranh chấp giữa CTCK và NĐT. Bộ Tài chính, UBCK cũng cần tăng cường kiểm tra năng lực tài chính, quản trị công ty, quản trị rủi ro của CTCK để đảm bảo an toàn hệ thống và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của NĐT.

Một kiến nghị trực diện nhằm bảo vệ NĐT trước rủi ro thất thoát tài sản khi CTCK rơi vào tình trạng phá sản, được Nhóm công tác đưa ra là cơ quan quản lý cần sớm nghiên cứu, để ban hành quy định làm rõ trách nhiệm bồi thường của CTCK, sự đảm bảo tài sản và lợi ích hợp pháp của NĐT mở tài khoản tại CTCK trong trường hợp các công ty này phá sản, mất thanh khoản.

Nhóm công tác thị trường vốn cho rằng, việc triển khai margin cần minh bạch hơn để giảm thiểu rủi ro cho thị trường. Muốn vậy, một trong những giải pháp quan trọng mà các thành viên thị trường đã nêu, đồng thời, nhận được sự ủng hộ cao của Nhóm công tác là cơ quan quản lý cần công khai dư nợ margin đối với từng mã chứng khoán (Báo ĐTCK có loạt bài đề cập), bởi sẽ giúp NĐT đánh giá tốt hơn về mức độ rủi ro của từng loại cổ phiếu cũng như của thị trường. Cùng với đó, Bộ Tài chính, UBCK nên có thêm quy định về tỷ lệ cho vay trên vốn sở hữu của CTCK, nhằm giảm thiểu rủi ro cho không chỉ CTCK, mà cả NĐT, thị trường.

Khi công bố các giải pháp hỗ trợ TTCK mới đây, Chủ tịch UBCK Vũ Bằng cho biết, UBCK đang xây dựng Đề án tái cấu trúc CTCK theo hai giai đoạn từ năm 2012 - 2013 và 2013 - 2015. Trên thực tế, quá trình tái cấu trúc CTCK đã được khởi động thông qua các biện pháp cụ thể: chia thành 3 nhóm CTCK có sức khoẻ tài chính khác nhau để có biện pháp giám sát chặt, xem xét rút nghiệp vụ môi giới các CTCK không đảm bảo an toàn tài chính… Sau ngày 1/4/2012, khi Thông tư 226/2011 có hiệu lực toàn diện, trao cho cơ quan quản lý nhiều công cụ mạnh để xử lý các CTCK không đảm bảo an toàn tài chính, thị trường kỳ vọng sẽ chứng kiến các CTCK thực sự khoẻ lên.

Theo đó, cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm tra và giám sát nhằm đảm bảo quy định về quản lý tách bạch tài khoản tiền của NĐT ra khỏi tài khoản tổng của các CTCK được tuân thủ nghiêm túc, công bằng, tránh tình trạng có công ty đã thực hiện từ lâu, nhưng còn không ít công ty vẫn tìm cách trì hoãn.

 

Nhiều giải pháp thiết thực khác nhằm hỗ trợ TTCK cũng được Nhóm công tác thị trường vốn kiến nghị Bộ Tài chính, UBCK triển khai như: sớm thực hiện giao dịch T+1, T+2; khẩn trương ban hành văn bản quy định về niêm yết tại nước ngoài, phát hành chứng chỉ lưu ký quốc tế; thành lập CTCK, quản lý quỹ 100% vốn nước ngoài theo cam kết WTO.

Ngoài ra, Nhóm công tác cũng kiến nghị cần sớm ban hành thông tư sửa đổi Thông tư 09/2010 về CBTT, thông tư về quy chế quản trị công ty đại chúng và sớm công bố thẻ đánh giá về quản trị công ty...

Hữu Hòe/TNCK

eZ Publish™ copyright © 1999-2024 eZ systems as