Chứng khoán ngày 23/9: Chặn mua giá thấp

Việc bên bán hạ nhiệt sau một thời gian dài chốt hàng ồ ạt trước đó khiến phiên giảm điểm hôm nay mang nhiều tính kỹ thuật của diễn biến dao động hơn là các thay đổi tâm lý đặc biệt - Ảnh: Đất việt.

VN-Index quay trở lại mức hỗ trợ 450 điểm hôm nay trong một phiên giao dịch thanh khoản khá tốt. Những nỗ lực đánh lên cuối ngày góp phần đưa chỉ số giữ được mức giá bình quân 20 ngày.

Sức cầu dè dặt trong phần lớn thời gian giao dịch là điều dễ nhận thấy. Khoảng 25 phút giao dịch tích cực đầu đợt hai không giúp chỉ số có được “màu xanh”. Nỗ lực mua chủ động khá yếu thể hiện ở giá trị giao dịch thấp. Chỉ chừng hơn 100 tỷ đồng được bơm vào mua trong thời gian này khiến bên bán mất kiên nhẫn. Thường nỗ lực tăng giá không được ủng hộ bởi khối lượng thể hiện sức cầu yếu.
Sóng giảm chiếm phần lớn thời gian giao dịch của đợt khớp lệnh liên tục, dù không thực sự mạnh. Điểm rơi của tâm lý chỉ thực sự bùng phát khi VN-Index giảm quá mức 451 điểm. Đồ thị thời gian thực cho thấy một độ dốc gần như thẳng đứng. Xấp xỉ 513 tỷ đồng, tương đương trên 18,2 triệu đơn vị chấp nhận giảm giá rất mạnh. Chỉ số rơi gần về mức 447 điểm trong hoạt động bán ra ồ ạt và được sự khuyến khích của bên mua chỉ chấp nhận giá thấp.
Nhóm cổ phiếu lớn đóng góp chủ yếu trong nỗ lực hãm đà giảm của chỉ số nhưng không thực sự thành công. Lực mua trên toàn thị trường yếu khiến bên bán phải hạ giá. Áp lực bán là mạnh, tuy nhiên nếu so với quy mô các phiên giao dịch đầu tuần thì khối lượng 30 triệu đơn vị (857 tỷ đồng) trong sóng giảm này vẫn không có gì đột biến. Điểm tương đồng là lực mua chủ yếu chặn giá thấp. Khi chỉ số rơi xuống điểm thấp nhất, các lệnh bán khớp vào dư mua không đủ để đè giá xuống thấp hơn.
Thời điểm thanh khoản có sự khác biệt chỉ diễn ra vào đợt đóng cửa. Thực ra khoảng 10 phút cuối đợt hai, lực mua chủ động đã mạnh dần lên khi người muốn bán bằng được hẳn đã thoát hết. Thanh khoản tăng rất chậm vì không nhiều người mua chấp nhận nâng giá. Chỉ số phục hồi chưa tới 1 điểm (0,98 điểm) cho đến khi kết thúc đợt khớp lệnh liên tục.
VN-Index phục hồi thêm 2,63 điểm chỉ trong 15 phút đóng cửa là một điều khá bất ngờ. Khối lượng giao dịch tăng 26% so với hôm qua nhưng vẫn thấp hơn nhiều những phiên đầu tuần. Thực tế lực mua không phải là mạnh trong thời gian này nhưng bên bán cung hàng còn yếu hơn. Việc bên bán hạ nhiệt sau một thời gian dài chốt hàng ồ ạt trước đó khiến phiên giảm điểm hôm nay mang nhiều tính kỹ thuật của diễn biến dao động hơn là các thay đổi tâm lý đặc biệt.
Về tổng thể, mức thanh khoản qua khớp lệnh tăng 50% so với hôm qua nhưng bên mua đã nắm quyền chủ động trong những phút cuối. Dao động cuối ngày của chỉ số không lớn (-3,13 điểm) và chưa thể hiện nhiều về xu hướng. VN-Index nằm ngay ngưỡng hỗ trợ 450 điểm và lực mua cải thiện khi giá giảm.
Cung đợt đóng cửa yếu đã giúp chỉ số phục hồi mạnh, hơn là nhờ lực mua gia tăng. Dù vậy trong bối cảnh thị trường đã trải qua một sóng giảm sâu trước đó, không hẳn nhà đầu tư chấp nhận tiết cung vào đợt ba. Hoạt động bán ra phiên này không có gì đặc biệt và rất có thể người muốn bán đã bán được. Một tỷ trọng lên tới 59% thanh khoản toàn thị trường diễn ra trong sóng giảm giữa đợt hai cho thấy lượng cung lỏng được giải phóng đáng kể.
Thị trường vẫn trong trạng thái chờ đợi và không có thông tin hỗ trợ đặc biệt. Các quan điểm đánh giá thị trường khác nhau tạo ra diễn biến dao động cung cầu là chủ đạo hôm nay. Việc chỉ số nảy lên mạnh trong đợt đóng cửa không phải do nỗ lực nâng đỡ giá vì cầu thực tế không mạnh. Nói chung khi thị trường tiếp cận vùng hỗ trợ, mức dao động thường lớn. Tình trạng này, như đã nói, có thể vẫn còn kéo dài nếu không có tác động từ thông tin.
Ngoài ra, những tác động cụ thể tới diễn biến chỉ số ở đợt khớp lệnh đóng cửa được ghi nhận từ bước tăng giá đáng chú ý tại VCB, DPM, BVH… Bên cạnh đó, động lực từ khối đầu tư nước ngoài cũng là đáng kể khi hoạt động dồn mua tập trung ở đợt cuối này tại khá nhiều mã. Đây cũng là phiên họ duy trì mua ròng trên HOSE với 61,74 tỷ đồng. 5 blue-chip được khối này tập trung mua vào hôm nay là PPC (428.160 đơn vị), HPG (339.480 đơn vị), FPT (231.720 đơn vị), KDC (125.110 đơn vị) và DPM (102.680 đơn vị).

Theo VnEconomy

eZ Publish™ copyright © 1999-2024 eZ systems as