Chứng khoán phản ứng với tỉ giá: Bất ngờ hơn lo ngại

Động thái giảm giá tiền đồng thêm 2% ngày 17.8 đã tác động mạnh đến tâm lý NĐT trên TTCK. Gần như ngay lập tức thị trường đã phản ứng mạnh trong phiên kế tiếp. Tuy nhiên, phiên giao dịch ngày 19.8 cho thấy sự bình tĩnh đã trở lại và phản ứng bán ra là do bất ngờ.

Thay đổi giờ chót

Không ít chuyên gia, GĐ phân tích của các CTCK tỏ ra bất ngờ trước quyết định tăng tỉ giá USD/VND liên ngân hàng được công bố chiều muộn ngày 17.8. Không lâu trước đó, thị trường vẫn kỳ vọng một chính sách ổn định như những báo cáo thường kỳ của Ngân hàng Nhà nước. Theo một chuyên gia ngân hàng, ngay việc công bố vào “giờ chót” của ngày cũng đã cho thấy cơ quan quản lý muốn hạn chế thấp nhất những xáo trộn có thể xảy ra trên thị trường tiền tệ.

Tuy nhiên thực tế thị trường tiền tệ cũng đã manh nha những tín hiệu về điều chỉnh tỉ giá. Giá USD trên thị trường tự do cả tuần trước đó đã có biến động tăng. Giá giao dịch ngoại tệ của các ngân hàng luôn sát mức trần. Một số chuyên gia cũng đã phân tích về cảnh báo sức ép tỉ giá thời điểm cuối năm. Thậm chí việc điều chỉnh đã được dự đoán là chỉ còn vấn đề thời gian.

Tuy nhiên đa số NĐT trên TTCK, nhất là NĐT cá nhân, không được “nhạy” với thị trường tiền tệ tự do. TTCK đã chứng kiến nhiều bất ngờ về chính sách và một hiệu ứng xấu của sự bất ngờ là thất vọng và chán nản. Hồi đầu tháng 8, đã có những phát biểu về định hướng điều hành tiền tệ ổn định nhưng đến nay lại có sự thay đổi.

Phản ứng bán tháo CP trong ngày 18.8 trước tác động của thông tin trên là rất rõ ràng. VN-Index giảm 1,7% cuối ngày và mức dao động thực tế trong phiên còn lớn hơn, xấp xỉ 2%. NĐT chỉ có một đêm để suy nghĩ và có lẽ mối lo lắng mơ hồ thôi thúc nhu cầu bán ra hơn là sự quan ngại thực tế đã được phân tích và cân nhắc các tác động của chính sách.

Trong phiên giao dịch ngày 19.8, gần như nửa đầu phiên thị trường tiếp tục chứng kiến hoạt động bán rẻ để rút khỏi thị trường. Tuy nhiên áp lực bán rất thấp, thể hiện ở khối lượng chuyển nhượng giảm tới 26%, thấp nhất kể từ ngày 24.2.2010. Điều đó cho thấy nhu cầu bán ra đã giảm nhiều và không còn quyết liệt như phiên trước. Tâm lý NĐT đã bình tĩnh hơn. Trong một vài ngày tới thị trường tiền tệ ổn định trở lại chắc chắn sẽ tác động tích cực hơn đến TTCK.

Tác động nào?

Suy luận đầu tiên về tác động của việc điều chỉnh tỉ giá là gây áp lực lên chỉ số giá tiêu dùng (CPI) những tháng còn lại do giá hàng nhập khẩu tăng lên. Hai tháng gần đây tốc độ tăng CPI rất chậm và NĐT bắt đầu yên tâm về khả năng kiềm chế lạm phát khoảng 8% cũng như cơ hội nới lỏng tiền tệ hơn để thúc đẩy tăng trưởng. Khi tỉ giá tăng, một số hàng hóa chịu ảnh hưởng tăng giá như hàng nhập trực tiếp hoặc hàng có nguồn gốc nguyên liệu nhập khẩu. Nếu CPI tăng thì cơ hội nới lỏng tiền tệ càng mờ mịt hơn và TTCK càng bị “thất sủng”.

Tuy nhiên, mặt tích cực của việc điều chỉnh tỉ giá là làm ổn định thị trường này, khuyến khích xuẩt khẩu, hạn chế nhập siêu. Việc tăng tỉ giá ngay từ tháng 8 cũng được xem là nhanh nhạy đi trước hơn là phải phản ứng khi bị “chiếu bí” vào cuối năm. Mặt khác, tác động tăng giá không hẳn lớn như suy luận khi Chính phủ quyết liệt bình ổn giá cũng như tiến triển của việc kiềm chế lạm phát tính đến thời điểm này.

Thứ hai, tỉ giá tăng dẫn đến các kênh đầu tư khác như ngoại tệ và vàng trở nên hấp dẫn do có dao động mạnh. Trong bối cảnh TTCK đang ảm đạm thì logic dễ hiểu là dòng tiền có thể tranh thủ kiếm ăn ở hai kênh đầu tư này. Dù vậy, có thể biến động này là một cơ hội ngắn hạn hơn là một cơ hội đầu tư lâu dài. Chẳng hạn nâng tỉ giá khác với nới rộng biên độ dao động, hay giá vàng tăng cũng sẽ phản ánh cân bằng với tỉ giá mới. Thậm chí có thể tỉ giá lên sẽ khuyến khích tăng cung USD khi tâm lý găm giữ được giải tỏa.

Thứ ba là quan ngại về dòng vốn nước ngoài. Việc giảm giá tiền đồng dĩ nhiên khiến giá trị danh mục quy đổi ra USD của NĐTNN sẽ giảm theo. Tuy nhiên thực tế từ một số lần điều chỉnh giao dịch tỉ giá trước đó, phản ứng của NĐTNN gần như không có liên quan trực tiếp. Trước đây đã có lúc việc định giá cao đồng nội tệ đã khiến NĐTNN không thực hiện quy đổi USD ra VND. Tỉ giá tăng khiến giá CP rẻ hơn trong mắt NĐTNN.

Thứ tư, biến động tỉ giá tác động trực tiếp đến một số Cty niêm yết. DN sản xuất dựa trên nguyên liệu nhập khẩu sẽ bị tăng thêm chi phí và lãi vay nếu không sử dụng các công cụ phái sinh để phòng ngừa. Ngược lại, DN xuất khẩu được lợi vì giá bán sau khi quy đổi ra tiền đồng tăng lên. Có thể hoạt động cơ cấu danh mục sẽ nhộn nhịp hơn thời gian tới.

Hoàng Nguyên/ Lao Động

eZ Publish™ copyright © 1999-2024 eZ systems as