Chứng khoán sẽ là đích đến của dòng tiền đầu tư?

Việc hạ lãi suất sẽ làm cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất chế biến, khấp khởi vui mừng vì được vay vốn với giá rẻ hơn.

Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng của Vietcombank (VCB) hiện chỉ còn 6%/năm, thấp hơn so với trần lãi suất huy động 7,5% do Ngân hàng Nhà nước ấn định. Động thái giảm mạnh lãi suất vào đầu tuần qua của Vietcombank đã gây bất ngờ cho nhiều người, mặc dù đã có nhiều dự đoán lãi suất sẽ được cắt giảm tiếp do lạm phát đang yếu hơn và nền kinh tế vẫn tăng trưởng trì trệ.

Lý giải việc này, ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng Giám đốc Vietcombank, cho biết: “Vốn của Vietcombank vẫn tăng mạnh, thanh khoản ổn định trong khi tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp. Do đó, cần hạ lãi suất để góp phần giảm chi phí huy động, tạo tiền đề để Ngân hàng giảm lãi suất cho vay, khơi thông nguồn vốn đến với doanh nghiệp”.

Đặc biệt, đối với khoản tiền gửi có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, Vietcombank áp trần lãi suất là 8%, trong khi theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, đối với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, các ngân hàng được quyền tự thỏa thuận lãi suất với khách hàng.

Động thái cắt giảm lãi suất của Vietcombank có thể sẽ khởi đầu cho một đợt cắt giảm lãi suất mới tại các ngân hàng khác, đặc biệt là ở những ngân hàng đang có “tiền tồn kho” cao.

Ngay sau khi Vietcombank hạ lãi suất, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng nối gót khi cho biết kể từ ngày 8.5, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng chỉ còn 6%/năm và trên 12 tháng là 8%/năm. VietinBank cũng đã hạ lãi suất kỳ hạn 1 tháng về 7%. Agribank thì mạnh tay hơn khi giảm lãi suất kỳ hạn 1 tháng xuống chỉ còn 5%.

Việc hạ lãi suất sẽ làm cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất chế biến, khấp khởi vui mừng vì được vay vốn với giá rẻ hơn.

Trên thực tế, lãi suất cho vay trên thị trường hiện vẫn khá cao, đặc biệt là các hợp đồng tín dụng cũ. Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, hiện các khoản vay cũ giảm về dưới 15% thì nhiều nhưng xuống dưới 13% còn ít. Đây là kết quả của việc áp trần lãi suất huy động nhưng lại không áp trần lãi suất cho vay. Do đó, việc giảm lãi suất huy động chưa chắc làm các doanh nghiệp dễ thở hơn.

Nhưng có một điều chắc chắn là lãi suất giảm sẽ làm giảm sức hấp dẫn của tiền đồng và phần nào tác động đến tâm lý người gửi tiết kiệm ngân hàng.

Trong các đợt cắt giảm lãi suất trước đó, việc người dân rút tiền khỏi ngân hàng đã không xảy ra, thậm chí lượng tiền huy động còn tăng thêm, trong khi tỉ giá vẫn ổn định. Nhưng đó là thời gian mà lãi suất huy động dù giảm nhưng vẫn ở mức cao, cộng với tính chất an toàn, không biến động nên gửi tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư được người dân ưa thích. Còn hiện nay nếu lãi tiết kiệm chỉ khoảng 6-7%, có thể nhiều người sẽ phải cân nhắc lại.

Cho đến lúc này, thị trường bất động sản vẫn chưa thấy có tín hiệu sáng lên dù giá trên một số phân khúc đã giảm khá nhiều. Người dân vẫn đang ngóng việc triển khai cụ thể các chính sách của Chính phủ như thành lập công ty mua bán nợ xấu quốc gia, hỗ trợ người thuê mua nhà, để ra quyết định đầu tư.

Một kênh đầu tư phổ biến khác là vàng, nhưng đầu tư vào vàng miếng hiện tại sẽ gặp rủi ro lớn khi giá trong nước vẫn cao hơn rất nhiều so với giá thế giới. Và dường như trong mắt nhà đầu tư, vàng đã bớt lấp lánh.

Theo ông Phan Dũng Khánh, Trưởng phòng Phân tích Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng, chứng khoán có thể là đích đến của sự chuyển dịch dòng tiền trong nền kinh tế. “Vàng dù giảm nhưng so với thời kỳ đỉnh vẫn không thấp hơn là bao. Tỉ giá ổn định trong 2 năm nay, bất động sản khó khăn. Do vậy, chứng khoán sẽ được hưởng lợi. Trên thực tế, từ đầu năm đến nay, chỉ số chứng khoán đã tăng khá ấn tượng. Bên cạnh đó, so với vàng hay bất động sản, chứng khoán có thể dễ dàng mang lại lợi nhuận trong thời gian ngắn. Chính sách ổn định và việc Chính phủ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng sẽ là tín hiệu tích cực cho thị trường chứng khoán trong dài hạn”, ông nói.

Tuy vậy, theo người viết, đối với phần lớn người dân, chứng khoán vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong khi đó, việc giữ vững giá trị tài sản trong bối cảnh bất ổn hiện nay là điều mà người dân chú trọng hơn. Do đó, nhiều khả năng gửi tiết kiệm vẫn là lựa chọn ưu tiên cho dù lợi nhuận không còn hấp dẫn như trước.

Để lãi suất hấp dẫn hơn, nên chăng Ngân hàng Nhà nước bỏ hẳn các quy định về trần lãi suất, cho phép các ngân hàng tự thỏa thuận lãi suất với khách hàng.

Dường như đó là điều các ngân hàng đang hướng tới, thể hiện qua việc chủ động hạ lãi suất của Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV. Nó cho thấy các ngân hàng thương mại đã bắt đầu quản lý vốn theo quy luật cung cầu thị trường chứ không còn huy động tiết kiệm bằng mọi giá như trước. Có thể còn hơi sớm để nói lên điều này, nhưng đây là một tín hiệu tốt cho một thị trường tài chính ổn định.

Theo Sơn Thanh

Nhịp cầu Đầu tư

eZ Publish™ copyright © 1999-2024 eZ systems as