CTCK đẩy mạnh mảng tư vấn M&A

Nhận thấy tiềm năng và cơ hội, các CTCK hiện đang đẩy mạnh hoạt động tư vấn M&A như là một nghiệp vụ chính yếu.

Trong những năm gần đây, hoạt động M&A (mua bán - sáp nhập doanh nghiệp) tại Việt Nam tiếp tục gia tăng nhanh chóng cả về số vụ cũng như quy mô và trở thành một trong những kênh đầu tư đáng chú ý của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Nhận thức rõ điều này, các CTCK ngày càng đẩy mạnh hoạt động tư vấn M&A như là một nghiệp vụ chính yếu.

CTCK Bảo Việt (BVSC) là đơn vị đã tư vấn và thực hiện thành công nhiều thương vụ M&A nổi bật của TTCK thời gian qua. Có thể kể đến thương vụ M&A giữa CTCP Kinh Đô (KDC), CTCP Chế biến thực phẩm Kinh Đô miền Bắc (NKD) và CTCP KIDO, theo đó, NKD và KIDO sáp nhập vào KDC, hình thành Tập đoàn thực phẩm Kinh Đô có quy mô lớn, vốn điều lệ trên 1.195 tỷ đồng.

Cùng với Kinh Đô, nhiều công ty niêm yết cũng đã thực hiện tái cấu trúc như CTCP Xi măng Hà Tiên 2 (HT2) sáp nhập vào CTCP Xi măng Hà Tiên 1 (HT1), CTCP Mirae Fiber (KMF) sáp nhập vào CTCP Mirae (KMR)... Năm 2011, thương vụ sáp nhập lớn nhất mà BVSC đã tư vấn thành công là CTCP Vinpearl sáp nhập vào CTCP Vincom, vốn điều lệ sau sáp nhập đạt trên 5.493 tỷ đồng.

Theo BVSC, những lợi ích căn bản khi tái cấu trúc DN phải kể đến là tạo ra một DN lớn hơn, tiềm lực về vốn mạnh hơn và nâng cao được vị thế trên thị trường, trong thương lượng, cạnh tranh, đấu thầu, thực hiện dự án đầu tư. Đồng thời, tái cấu trúc còn giúp điều hành tập trung, đáp ứng cho giai đoạn phát triển mới lớn hơn của toàn hệ thống, phát huy các lợi ích của mô hình công ty mẹ - con; tăng cường hiệu quả quản trị: phân cấp, phân quyền, thiết lập quy trình hợp lý trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy mở rộng sản xuất, đầu tư chiều sâu, đầu vào, cũng như phát triển các ngành nghề kinh doanh mới.

Ông Ngô Quang Trung, Giám đốc CTCK Ngân hàng ngoại thương (VCBS) cho biết, trong thời gian qua, VCBS đã hoàn tất nhiều thương vụ M&A, trong đó có các dự án nổi bật như tư vấn sáp nhập Ngân hàng Liên doanh Shinhan Vina vào Ngân hàng 100% vốn nước ngoài Shinhan Việt Nam, tư vấn hợp nhất ba ngân hàng SCB, Đệ Nhất và Tín Nghĩa…, gần đây nhất là tư vấn, hỗ trợ triển khai những bước cuối cùng để hoàn tất giao dịch sáp nhập giữa CTCP Luyện thép Sông Đà vào CTCP Thép Việt Ý và thương vụ “đình đám” sáp nhập Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội.

Ông Trung cho biết, bên cạnh các hoạt động tư vấn truyền thống như tư vấn phát hành, niêm yết, cổ phần hóa…, VCBS sẽ tiếp tục phát triển hoạt động tư vấn doanh nghiệp xoay quanh 2 trụ chính là Bảo lãnh phát hành và Tư vấn M&A - những nghiệp vụ cốt lõi của một ngân hàng đầu tư. Trong đó, đối với hoạt động M&A, VCBS đang nghiên cứu để phối hợp với Vietcombank xem xét cung cấp vốn, tài trợ cho các dự án M&A có tiềm năng.

Trong thời gian qua, CTCK VNDirect (VNDS) đã tư vấn thành công việc sáp nhập một số công ty trong Tập đoàn IPA nhằm cơ cấu lại tổ chức của Tập đoàn. Ngoài ra, Công ty đã tư vấn thành công cho CTCP Traphaco chào mua công khai cổ phần của CTCP Công nghệ cao Traphaco nhằm nâng tỷ lệ sở hữu lên 51% tại công ty này.

Ông Nguyễn Hoàng Giang, Tổng giám đốc VNDS cho biết, trong hoạt động M&A trên TTCK nói chung và hoạt động M&A nói riêng, vai trò của các đơn vị tư vấn rất quan trọng và không thể thay thế, điều đó được chứng minh trong thực tế khi những thương vụ M&A không có sự tham gia của bên thứ 3 với vai trò tư vấn độc lập thường diễn ra không suôn sẻ và chi phí lớn hơn cho cả hai bên.

“Để một thương vụ M&A thành công, vai trò của đơn vị tư vấn là đưa ra được cấu trúc giao dịch hợp lý, sao cho bên mua và bên bán có thể gặp gỡ và hợp tác được với nhau. Nhà tư vấn sẽ cùng tham gia vào quá trình thương thảo giữa các bên với vai trò là tổ chức trung gian, nhằm dàn xếp cho thương vụ thành công”, ông Giang nói.

Trên thực tế, để đảm bảo quá trình mua bán, sáp nhập được thực hiện đúng quy định pháp luật, các nhà tư vấn còn đóng vai trò hỗ trợ khách hàng trong quá trình phối hợp cùng cơ quan chức năng, cơ quan chủ quản để hoàn tất các thủ tục liên quan. Ngoài ra, để chuẩn bị cho các thương vụ M&A, tổ chức phát hành còn cần đến các dịch vụ tư vấn chuyên sâu về tài chính như thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp, xây dựng và hoàn thiện hệ thống sổ sách kế toán, tư vấn chiến lược kinh doanh. Điều này giúp cho các thương vụ M&A có được tỷ lệ thành công cao hơn.

Ông Nguyễn Thọ Phùng, Phó tổng giám đốc VietinbankSC cho rằng, để dịch vụ M&A phát triển một cách bền vững, cơ quan lập pháp cần sớm hoàn chỉnh đầy đủ và thống nhất khung pháp lý cho hoạt động này. Theo ông Phùng, hiện xu hướng sáp nhập đang tăng lên một cách mạnh mẽ và dần trở thành một kênh đầu tư quan trọng của các DN.

Có thể thấy, hoạt động M&A tuy nhiều tiềm năng và hấp dẫn, song vẫn là một hoạt động đầy thách thức với nhiều yếu tố rủi ro nằm ngoài khả năng tiên liệu của DN. Để thành công, giao dịch M&A đòi hỏi cả hai bên phải có sự chuẩn bị tốt mà trong đó, vai trò của tổ hợp tư vấn gồm CTCK, kiểm toán và tư vấn luật là không thể thiếu. Vai trò của các đơn vị này là giúp định hướng, kế hoạch hóa, rà soát, thẩm định hoạt động, thẩm định tài chính, thẩm định pháp lý, hỗ trợ, đàm phán, đưa ra ý kiến độc lập, phòng ngừa rủi ro… và đẩy nhanh tiến trình giao dịch, đồng thời đảm bảo cho sự thành công của giai đoạn sau sáp nhập.

Theo Hoàng Anh
ĐTCK

eZ Publish™ copyright © 1999-2024 eZ systems as