Kênh chứng khoán thiếu sản phẩm mới

Thiếu các sản phẩm tài chính mới nên kênh chứng khoán ngày càng ít hấp dẫn nhà đầu tư. Ảnh minh họa: M.THẢO

Việc buộc doanh nghiệp ngưng triển khai sản phẩm đầu tư theo chỉ số VN-Index về pháp lý chưa thuyết phục. Dù ra đời và hoạt động cả 10 năm nay nhưng hiện tại nhiều nhà đầu tư đánh giá kênh chứng khoán đang quá nghèo nàn vì thiếu các sản phẩm mới.

Sản phẩm mới không có đất sống

Sự vụ ngày 11-1 Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN) có công văn yêu cầu ba công ty không được triển khai tổ chức giao dịch sản phẩm đầu tư chỉ số VN-Index đã cho thấy rõ việc này. Theo đó, UBCKNN yêu cầu Công ty Cổ phần Kinh doanh đầu tư tài chính Vàng Thế Giới, Công ty Đại Long và Công ty Cổ phần Hai Mươi Bốn không được triển khai việc tổ chức hoạt động giao dịch, quảng bá và cung cấp dịch vụ đầu tư theo chỉ số VN-Index, đồng thời có ngay thông báo rút lại các quảng cáo, công bố thông tin đã đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các công ty phải có công văn giải trình gửi UBCKNN.

Ngay sau đó các công ty trên đã chấp hành đúng yêu cầu của cơ quan quản lý. Tuy nhiên, về mặt thị trường, các nhà đầu tư lại cho rằng sản phẩm mới ở kênh chứng khoán không có đất sống, còn về mặt pháp lý thì có cái gì đó chưa ổn.

Cấm: Không biết vì sao cấm!

Khi các sản phẩm tài chính mới ở kênh chứng khoán nói trên bị “tuýt còi”, giới đầu tư cho rằng cơ quan quản lý siết quá mạnh tay.

Luật sư Trần Văn Trí, Văn phòng luật sư Hùng và đồng sự, cho rằng căn cứ pháp lý để UBCKNN đưa ra ý kiến này là Điều 33 Luật Chứng khoán 2006. Cụ thể tại khoản 3 Điều 33 quy định: “Ngoài sở giao dịch chứng khoán và trung tâm giao dịch chứng khoán, không tổ chức, cá nhân nào được phép tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán”.

Tuy nhiên, ông Trí phân tích, nếu đã xác định là vi phạm Điều 33 thì tại sao UBCKNN lại không áp dụng các điều 120, 124 Luật Chứng khoán, Điều 14 Nghị định 36 để xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán đối với các công ty trên? Phải chăng UBCKNN chưa đảm bảo tính hợp pháp trong nội dung của công văn trên?

Cân làm rõ khái niệm

Cũng theo ông Trí, vấn đề mấu chốt là cần làm rõ khái niệm “thị trường giao dịch chứng khoán” là gì. Khoản 18 Điều 6 Luật Chứng khoán ghi: Thị trường giao dịch chứng khoán là địa điểm hoặc hình thức trao đổi thông tin để tập hợp lệnh mua, bán và giao dịch chứng khoán. Còn khoản 1 Điều 6 Luật Chứng khoán ghi: Chứng khoán là bằng chứng xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với tài sản hoặc phần vốn của tổ chức phát hành.

Như vậy, rõ ràng thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật hiện hành là nơi chỉ để giao dịch mua bán các chứng khoán. Còn “chỉ số VN-Index” không phải là một trong các loại chứng khoán thì khi giao dịch chỉ số này không thể nói là giao dịch chứng khoán và công ty tổ chức giao dịch lại càng không phải là hành vi tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán. Hơn nữa, nếu đã không hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán thì các công ty này lại càng không phải chịu sự quản lý với UBCKNN, chẳng hạn như là nghĩa vụ báo cáo.

Một số nhà đầu tư cho rằng UBCKNN đã quá mạnh tay khi buộc ngừng giao dịch sản phẩm chỉ số VN-Index khi mà Luật Chứng khoán và các quy định pháp luật hiện hành về thị trường chứng khoán không cấm.

Và hình như cũng thấy ra lỗ hổng này nên trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, UBCKNN cũng đưa các sản phẩm chứng khoán mới vào dự thảo để lấy ý kiến.

 

Dựa vào giấy phép đăng ký kinh doanh mà xác định

Muốn biết các công ty trên tổ chức giao dịch sản phẩm đầu tư chỉ số VN-Index có hợp pháp hay không nên dựa vào giấy phép đăng ký kinh doanh. Như xem hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có theo đúng ngành, nghề đã ghi trong giấy phép, có bảo đảm điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật khi kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định 06/2008/NĐ-CP đối với hành vi kinh doanh không đúng ngành, nghề.”

Luật sư TRẦN VĂN TRÍ, Văn phòng luật sư Hùng và đồng sự

Theo BÙI NHƠN/ Báo Pháp Luật

eZ Publish™ copyright © 1999-2024 eZ systems as