Tương lai của công ty chứng khoán tại Việt Nam

Cuối năm 2006, hàng loạt CTCK được thành lập, đây là quãng thời gian bùng nổ của TTCK và CTCK nào ra càng ra đời sau sẽ càng mất cơ hội. Việc thành lập CTCK với đầy đủ nghiệp vụ chỉ cần vốn pháp định 43 tỷ đồng vào thời điểm đó được xem là điều kiện tương đối dễ dàng.

Thực trạng và nguyên nhân

Từ khi thành lập từ cuối 2006 đến nay, các CTCK đa phần lỗ nhiều hơn lãi. Hầu hết đều có các khoản phải thu khách hàng chiếm tỷ trọng lớn so với vốn chủ sở hữu. Đặc biệt năm 2011, phần lớn các CTCK có lãi đều thuộc ngân hàng hay các tổ chức kinh tế tư nhân do không phải dùng hoặc dùng rất hạn chế nguồn vốn của mình để tự doanh, hoặc hỗ trợ tài chính cho khách hàng mua chứng khoán.

Số lượng CTCK quá nhiều và chất lượng về dịch vụ môi giới lại không khác nhau mấy. Vì vậy, khi TTCK kém thanh khoản dẫn đến cung về dịch vụ lớn hơn nhiều so với cầu của thị trường, bộ phận môi giới không những không “nuôi” nổi CTCK mà còn là gánh nặng chi phí.

Ngoài ra, chất lượng quản lý và dự phòng rủi ro cũng không theo kịp với việc mở rộng các hình thức hỗ trợ tín dụng cho khách hàng mua chứng khoán; thanh khoản kém không đi cùng với gia tăng số lượng chứng khoán niêm yết mới. Do đó, để nuôi sống mình các CTCK tìm mọi cách thu hút khách của nhau, tăng doanh số môi giới bằng mọi cách mà ít chú trọng khả năng thanh toán của khách.

Thị trường đã diễn biến quá xấu làm cho những dự đoán, những biện pháp phòng ngừa của CTCK trở nên không hiệu quả. Số nhà đầu tư mất trắng hay thậm chí âm tài khoản từ năm 2009 đến nay tăng nhanh, việc bán giải chấp không dựa theo tình hình thị trường càng làm cho TTCK diễn biến xấu hơn và khó kiểm soát. Điều này dù đem lại sự an toàn vốn cho các bên cho vay nhưng làm uy tín của các CTCK và niềm tin của nhà đầu tư (NĐT) vào TTCK suy giảm nhanh chóng.

Không thể trách khi các NĐT cá nhân hiện nay suy nghĩ TTCK như một trò cờ bạc may rủi. Thực chất hiện nay hoạt động bán giải chấp hoàn toàn dựa trên quan niệm bán để thu được đồng nào hay đồng đấy, không tương xứng với hoạt động chuyên nghiệp của một tổ chức tài chính.

Giải pháp tồn tại

Khi một CTCK thừa nhận mất khả năng thanh toán hay tuyên bố phá sản sẽ ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin còn rơi rớt lại của NĐT. Thực tế hiện nay nhiều CTCK phải tìm mọi cách “gồng gánh” để tồn tại, để không bị đưa lên các phương tiện truyền thông là mình đang gặp khó khăn về tài chính. Việc các cổ đông phải bán rẻ công ty cho các tổ chức trong và ngoài nước đang diễn ra, có thể theo dõi một phần điều đó qua các giao dịch thỏa thuận trên thị trường. UBCK đã làm gì để giúp đỡ họ, những thành viên dù đang chết vẫn phải nuôi sống TTCK Việt Nam?

Cơ cấu lại CTCK là điều được nhiều người nhắc đến thời gian qua, nhưng cơ cấu không có nghĩa chỉ là sáp nhập các CTCK. Việc có đến 100 CTCK là thành viên của Sở GDCK là lãng phí tài nguyên và đánh đồng các CTCK nhỏ và lớn. Chúng ta nên học cách quản lý của các nước xung quanh, chỉ nên có 10 CTCK được kết nối với Sở GDCK và Trung tâm lưu ký. Các CTCK này không được thực hiện nghiệp vụ môi giới mà nghiệp vụ đó giao cho các CTCK còn lại. Họ chỉ đóng vai trò như đại lý nhận lệnh của các CTCK kia, và phí môi giới sẽ do các CTCK tự thỏa thuận với nhau trên cơ sở phí môi giới dành cho NĐT vẫn giữ nguyên như hiện nay.

Thiết nghĩ, điều trước mắt để vực dậy TTCK chính là thanh khoản. Thị trường có thể xuống điểm nhưng vẫn phải duy trì được thanh khoản. Đó là nhiệm vụ của các nhà tạo lập thị trường, nhưng họ đang ở đâu khi mà TTCK đang cần họ nhất?! Chưa thấy có biện pháp nào đưa ra để cứu cái TTCK mới chập chững biết đi này.

Bên cạnh đó, UBCK nên cho phép thanh toán giao dịch T+2 ngay. Việc rút ngắn thời gian thanh toán không chỉ giúp NĐT giảm bớt thua lỗ khi thị trường xuống giá mà còn hạn chế lòng tham của NĐT và ngăn chặn đáng kể hiện tượng làm giá cổ phiếu. Ngoài ra, hoạt động bán khống cũng nên được thừa nhận hợp pháp vì thực tế hiện nay hoạt động này đã “âm thầm” triển khai bằng nhiều hình thức. Thời gian TTCK giảm điểm như hai năm qua thì những người bán khống là những người tồn tại được trên thị trường.

UBCK cũng nên xem xét lại việc quy định mã chứng khoán nào được phép giao dịch ký quỹ. Nên chăng việc đó hãy để các CTCK và NĐT quyết định? Ngay cả trong các tiêu chí một mã chứng khoán được phép giao dịch ký quỹ thì yêu cầu công ty niêm yết kinh doanh có lãi qua kiểm toán BCTC gần nhất cũng không hợp lý đối với trường hợp doanh nghiệp thua lỗ trong kỳ gần nhất do ngừng sản xuất để bảo dưỡng định kỳ nhưng báo cáo cả năm vẫn có lãi. Ngoài ra, khi các hợp đồng hợp tác đầu tư giữa NĐT và các CTCK chưa xử lý xong; thì việc đưa ra và sớm áp dụng danh sách mã chứng khoán được margin sẽ hạn chế các biện pháp kỹ thuật mà các CTCK có thể dùng để khắc phục hậu quả do các hợp đồng đó gây ra.

Đã đến lúc UBCK cần làm mạnh tay hơn, đừng để các NĐT “vui mừng” khi thấy các CTCK lâm vào cảnh khó khăn như hiện nay.

Nguyễn Mạnh Nghĩa (Hà Nội)/Vietstock

eZ Publish™ copyright © 1999-2024 eZ systems as