Lại “nóng” vấn đề cạnh tranh phí kiểm toán

Một CTKT trong nhóm Big 4 có giá phí bình quân 380 triệu đồng/hợp đồng kiểm toán, trong khi các công ty của Việt Nam phổ biến 35-50 triệu đồng.

Tại buổi hội thảo tổ chức đầu tuần này với chủ đề “Lợi ích của kiểm toán độc lập và báo cáo tài chính chất lượng” nhiều thành viên tham dự một lần nữa lại nêu ra tình trạng cạnh tranh giá phí không lành mạnh giữa các công ty kiểm toán (CTKT) hiện nay.

Theo bà Trần Thúy Ngọc – Phó TGĐ CTKT Deloitte Việt Nam thì toàn thị trường hiện nay có khoảng 170 CTKT; trong đó có 4 công ty lớn (Big 4), 10 – 20 CTKT là cỡ vừa còn lại là các công ty nhỏ. Do đó, cạnh tranh về giá là tình trạng có thật và đã xảy ra khá lâu.

Ông Bùi Văn Mai – Phó chủ tịch Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) bổ sung: Hiện nay, riêng 5 công ty kiểm toán quốc tế tại Việt Nam đã chiếm 55% thị phần, khoảng 20 công ty lớn của Việt Nam chiếm hơn 30% thị phần, còn lại chỉ khoảng 15% thuộc về các công ty kiểm toán nhỏ.

Theo ông Mai, về nguyên tắc, giá phí là sự thỏa thuận giữa khách hàng với CTKT, Nhà nước không can thiệp.

Thông thường, mức chênh lệch giá phí bình quân giữa các công ty rất khác nhau. Một công ty trong nhóm Big 4 có giá phí bình quân 380 triệu đồng/hợp đồng kiểm toán, trong khi các công ty của Việt Nam phổ biến 35-50 triệu đồng.

Chúng tôi đã xây dựng bộ hồ sơ kiểm toán mẫu cho khoảng 2/3 CTKT của Việt Nam thực hiện với giá phí thấp nhất là 50-70 triệu đồng. Do vậy, nếu mức phí kiểm toán dưới 50 triệu đồng sẽ không thể thực hiện đầy đủ các thủ tục kiểm toán cần thiết – ông Mai nói.

Với quan điểm “tiền nào của đó” các đại biểu tham dự hội thảo cho rằng, thủ tục kiểm toán của các công ty kiểm toán nước ngoài và các công ty kiểm toán lớn của Việt Nam thì nhìn chung là được đảm bảo; còn phần lớn những công ty kiểm toán nhỏ có mức giá thấp thì nhiều công đoạn đã bị rút bớt và như vậy sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của cuộc kiểm toán.

Các doanh nghiệp khi chọn CTKT có giá phí rẻ hơn liệu có được lợi ích kinh tế tốt nhất không? Bởi lẽ, nếu chọn CTKT giá rẻ làm chỉ 2 -3 ngày thậm chí là 1 tuần thì họ có chỉ ra cho DN những vấn đề còn thiếu sót hay là họ có thể đưa ra những nghiệp vụ mà kế toán còn thiếu sót hay không?... Trong trường hợp có những bất đồng về quan điểm hay diễn giải các chính sách thuế, kế toán thì CTKT có đưa ra được những giải pháp tốt nhất hay không? Nếu tổng hợp tất cả những vấn đề đó thì chưa chắc CTKT có mức phí thấp đã có lợi hơn các CTKT có mức phí kiểm toán cao hơn – bà Ngọc nói.

Bà Hà Thị Ngọc Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán, Bộ Tài chính cũng thừa nhận, cạnh tranh bằng giá phí hiện đang là vấn đề nhức nhối trong lĩnh vực dịch vụ kiểm toán.

Nghị định 105/2004/NĐ-CP mặc dù đã đề cập đến các hình thức xử phạt như: chấm dứt hợp đồng kiểm toán đã ký năm đó; nếu hợp đồng đã kết thúc thì sẽ không được tiếp tục ký vào năm sau; khấu trừ tiền phí đã thỏa thuận trong hợp đồng; phạt tiền cao nhất gấp 10 lần giá phí kiểm toán trong hợp đồng nếu xảy ra sai phạm.

Nhưng bà Hà cho rằng: đến nay vẫn chưa có văn bản pháp lý nào qui định cụ thể về các hành vi sai phạm và các chế tài xử phạt. Vì thế, cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực kiểm toán độc lập chưa có căn cứ pháp lý để xử phạt các CTKT và kiểm toán viên khi có sai phạm xảy ra.

Các diễn giả kỳ vọng, Luật Kiểm toán độc lập, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2012 đã đưa ra quy định về căn cứ tính phí kiểm toán. Thêm vào đó, Dự thảo Nghị định về xử phạt đối với vi phạm trong lĩnh vực kiểm toán độc lập đang được Vụ Chế độ kế toán kiểm toán (Bộ Tài chính) soạn thảo, trình Chính phủ dự kiến ban hành vào quý II/2012 sẽ đưa hoạt động kiểm toán độc lập đi vào nền nếp hơn.

Nếu tình trạng cạnh tranh không công bằng này còn tiếp tục kéo dài thì thiệt hại đầu tiên sẽ là các công ty kiểm toán, kế đến là doanh nghiệp và ngân sách nhà nước – bà Ngọc nói.

Khánh Linh/TTVN

eZ Publish™ copyright © 1999-2024 eZ systems as