TTCK: Trên đe, dưới búa

Thị trường liên tục đi xuống, ngoài sự suy yếu của dòng tiền còn bắt nguồn từ số lượng CP niêm yết mới liên tục gia tăng trong thời gian gần đây. Tình trạng TTCK hiện nay không khác gì cảnh “trên đe, dưới búa”.

Cung vượt cầu

Việc thanh khoản và điểm số của thị trường giảm liên tục trong thời gian gần đây có nguyên nhân từ các yếu tố liên quan đến cung cầu trong ngắn hạn, hơn là do sự thay đổi xấu đi của yếu tố môi trường kinh tế trong nước hay yếu tố doanh nghiệp. Có thể nhận thấy sự suy yếu của dòng tiền qua lực cầu vào nhóm CP blue chip.

Số liệu thống kê cho thấy tỷ trọng giao dịch của các mã trong VN30 liên tục giảm, chỉ còn chiếm 44% trên tổng giá trị giao dịch toàn thị trường trong tháng 5.

Do đó, chỉ cần thị trường có dấu hiệu xấu, dòng tiền đầu cơ này cũng nhanh chóng bị rút ra khiến cho cơ hội hồi phục của thị trường càng thêm mịt mờ. Trong khi đó, thị trường dường như thiếu sự hiện diện dòng tiền của các quỹ, các tổ chức đầu tư lớn.

Đối nghịch với sự suy yếu dòng tiền là hiện tượng CP niêm yết mới liên tục gia tăng càng tạo thêm sức ép lớn cho thị trường. Theo thống kê từ CTCK Bảo Việt, vốn hóa thị trường trong tháng 5-2012 tăng mạnh, lên mức cao nhất kể từ khi thành lập thị trường, với giá trị vốn hóa 2 sàn đạt 37 tỷ USD. Kể từ đầu năm 2012, số lượng CP niêm yết mới, niêm yết bổ sung đã tăng khá mạnh.

Tính riêng tại sàn HOSE, số CP niêm yết mới đạt 7,7 tỷ đơn vị, trong đó số lượng niêm yết bổ sung của riêng Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank (VCB) là 2,1 tỷ CP và 1,85 tỷ CP niêm yết mới của Tổng CTCP Khí Việt Nam (GAS).

Theo giới phân tích, việc niêm yết CP mới một mặt tạo thêm sự lựa chọn cho NĐT, nhưng mặt khác động thái này cũng tạo ra lượng cung lớn, rào cản lớn cho sự tăng trưởng cho thị trường trong ngắn hạn.

Kỳ vọng từ NĐT nội

Trong lịch sử, thị trường suy giảm cũng chính là thời điểm NĐTNN tích cực giải ngân tìm kiếm cơ hội. Thế nhưng, nguồn vốn của khối ngoại trong ngắn hạn sẽ khó tăng thêm do diễn biến không tích cực của khủng hoảng nợ công châu Âu, hay quá trình hồi phục có xu hướng chậm lại của các nền kinh tế trên thế giới.

Theo thống kê, trong tháng 5, giá trị mua ròng của khối ngoại chỉ đạt 130 tỷ đồng trên sàn HOSE với giá trị mua đạt 3.030 tỷ đồng, còn giá trị bán ở mức 2.897 tỷ đồng. Tỷ trọng giao dịch của NĐTNN tiếp tục duy trì ở mức thấp, tỷ trọng mua chỉ chiếm 10% còn tỷ trọng bán ở mức 9%.

Giá trị bán của NĐTNN tập trung chính vào các mã blue chip, trong đó các mã trong VN30 chiếm tới 77% tổng giá trị bán của khối ngoại. Lực bán của NĐTNN tập trung chủ yếu ở các mã như BVH, VIC, STB.

Bên sàn HNX, giao dịch của NĐTNN tập trung chính ở các mã có thanh khoản như PVS, VND, KLS (xu hướng này còn có thể tiếp diễn khi chỉ số HNX30 được công bố). Với thực trạng này, sự tăng trưởng của thị trường trong thời điểm hiện tại sẽ phụ thuộc nhiều vào diễn biến của dòng tiền trong nước.

Thực tế, điểm sáng lớn nhất của thị trường trong thời điểm hiện tại chính là việc lãi suất huy động giảm. Việc hạ trần lãi suất huy động, giảm lãi suất tái chiết khấu một mặt định hướng xu hướng giảm cho lãi suất nhưng mặt khác đẩy sự hấp dẫn của kênh gửi tiết kiệm xuống khi so sánh với các kênh đầu tư khác trong đó có kênh đầu tư CK.

Trong quá khứ, biến động của lãi suất cho vay và chỉ số P/E thường ngược chiều. Việc giảm lãi suất cho vay đang là tiền đề tốt cho thị trường tiếp tục có diễn biến tích cực. Ngay trong ngắn hạn, các kênh đầu tư vào thị trường tài sản sẽ có sức cạnh tranh hơn so với kênh gửi tiết kiệm.

Còn trong dài hạn, nhiều doanh nghiệp niêm yết sẽ được hưởng lợi từ quyết tâm hạ lãi suất cho vay, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, thị trường sẽ có sự phân hóa do đối tượng được hưởng lợi từ lãi suất hạ không đồng đều và kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp niêm yết bắt đầu lộ diện.

Thị trường trong thời gian tới nhiều khả năng sẽ có diễn biến tích cực hơn nhưng sẽ không quá sớm bởi diễn biến của TTCK luôn chuyển biến chậm hơn so với diễn biến của lãi suất.

Hải Hồ

sài gòn đầu tư tài chính

eZ Publish™ copyright © 1999-2024 eZ systems as