VN-Index đang được hỗ trợ bởi các yếu tố vĩ mô

Tiền đồng được đưa ra từ 3 kênh: NHNN mua 3 tỷ USD, tái cấp vốn, TPCP đáo hạn. Chưa kể lượng kết hối 1,6 tỷ USD từ các Tổng công ty bắt đầu từ 1/7/2011.

Bất chấp sự cải thiện mạnh mẽ về thanh khoản của hệ thống ngân hàng, sự ổn định của tỷ giá cũng như sự hạ nhiệt của lãi suất, chứng khoán vẫn tiếp tục chuỗi ngày lình xình không rõ xu hướng. Tình trạng này còn kéo dài bao lâu?

“Cơn đau” giải chấp tưởng rằng đã nguôi ngoai khi VN-Index lao dốc mười phiên liền cuối tháng 5.2011, nhưng không, nó vẫn còn ở đó, giày vò nhà đầu tư khi điểm mới về tín dụng chứng khoán được nêu ra trong dự thảo thông tư quy định các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng (thay thế thông tư 13 và dự kiến có hiệu lực từ 1.10.2011).

Điều 15 và 16 của dự thảo quy định: “Tổng dư nợ cho vay đầu tư, kinh doanh cổ phiếu không được vượt quá 3% vốn tự có của ngân hàng”. Và để cho vay chứng khoán, ngân hàng phải có nợ xấu dưới 3% tổng dư nợ, trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro, đảm bảo khả năng chi trả, có hệ số an toàn vốn tối thiểu 10%.

Quy định mới không đáng ngại

Theo quy định hiện hành, ngân hàng được phép cho vay chứng khoán tối đa 20% vốn điều lệ, nợ xấu dưới 5% tổng dư nợ và hệ số an toàn vốn tối thiểu 8%. Thông tư 13 yêu cầu hệ số an toàn vốn của các tổ chức tín dụng tối thiểu là 9% và trên thực tế phần lớn các ngân hàng có hệ số an toàn vốn cao hơn mức này. Nhiều ngân hàng cổ phần hệ số trên đã vượt 10% từ lâu.

Nợ xấu của các ngân hàng, theo công bố mới đây của thống đốc ngân hàng Nhà nước, đến 10.6.2011 là 2,72% tổng dư nợ. Nợ xấu của khối quốc doanh cao hơn hẳn cổ phần. Đặc biệt nợ xấu tập trung ở một số công ty cho thuê tài chính của ngân hàng quốc doanh, như của công ty cho thuê tài chính Agribank. Phần lớn các ngân hàng cổ phần đủ khả năng đáp ứng đòi hỏi về tỷ lệ nợ xấu để cho vay chứng khoán.

Hiện tại vốn điều lệ của các ngân hàng khoảng 200.000 tỉ đồng và tổng hạn mức cho vay chứng khoán khoảng 40.000 tỉ đồng. Dư nợ cho vay chứng khoán chính thức mà các ngân hàng báo cáo ước 10.000 tỉ đồng, thấp hơn nhiều so với hạn mức.

Vốn chủ sở hữu của các ngân hàng tính đến 30.4.2011, theo ngân hàng Nhà nước, tăng 13,34% so với cuối năm ngoái. Con số tính toán ước 250.000 – 260.000 tỉ đồng.

Hạn mức cho vay chứng khoán sắp tới bằng 3% vốn tự có (bao gồm vốn điều lệ, lợi nhuận để lại, các quỹ, hay vốn chủ sở hữu), tương đương 7.500 – 7.800 tỉ đồng. So với mức 10.000 tỉ đồng hiện tại, mức giảm hơn 2.000 tỉ đồng không đáng kể.

Như thế, các quy định mới không gây ra áp lực bán cổ phiếu từ phía các ngân hàng để thu hồi nợ. Hơn nữa, từ nay đến cuối năm nhiều ngân hàng có kế hoạch tăng vốn khá khả thi và vốn tự có sẽ tăng thêm, mức giảm của hạn mức cho vay chứng khoán theo quy định mới sẽ được bù đắp.

Cái đáng lo của chứng khoán nằm ở chính các công ty chứng khoán vì họ đã tạo ra những hình thức huy động vốn như uỷ thác đầu tư, hợp tác kinh doanh, chiếm dụng vốn từ đầu tư trái phiếu… và sử dụng số vốn đó để tài trợ cho khách hàng hoặc tự doanh.

Nhiều công ty đang phải trả giá. Không loại trừ một số công ty lợi dụng điều này, cho phép khách hàng thực hiện các nghiệp vụ bán khống một cách tinh vi để làm nghiêm trọng thêm tình trạng giải chấp. Đây là một trong những nguyên nhân sâu xa giải thích vì sao cho đến giờ quy định về giao dịch T+2 vẫn chưa được luật hoá dù chỉ là dự thảo.

Thức tỉnh lãi suất

Bỏ qua một bên sự dằn vặt giải chấp và bán khống, trong những tháng tới VN-Index đang được hỗ trợ bởi các yếu tố vĩ mô.

Thứ sáu tuần trước lãi suất qua đêm liên ngân hàng lần đầu tiên kể từ sáu tháng qua tụt xuống 9%/năm – một con số làm thức tỉnh các ngân hàng.

Trên thị trường ngoại hối các ngân hàng đang chào mời mức giá cho vay tiền đồng thông qua nghiệp vụ hoán đổi (swap) chỉ còn 14%/năm cho kỳ hạn một tháng và 15%/năm cho kỳ hạn ba tháng. Mức lãi suất này minh chứng cho sự dư thừa của nguồn tiền đồng.

Lãi suất tiết kiệm cũng không nằm ngoài xu hướng đi xuống. Các ngân hàng vẫn còn thoả thuận lãi suất tiền gửi với người dân, nhưng lãi suất thay bằng 18 – 19%/năm nay chỉ còn 15%/năm và duy nhất kỳ hạn một tháng. Không ít khách hàng yêu cầu gửi kỳ hạn ba tháng với lãi suất thoả thuận đã không được đáp ứng.

Sáng ngày 22.6.2011, ngân hàng Eximbank điều chỉnh lãi suất tiết kiệm đồng Việt Nam, cao nhất chỉ còn 13,85%/năm. Dự báo sẽ có thêm những ngân hàng khác điều chỉnh lãi suất tiết kiệm sau Eximbank trong tuần tới.

Đón đầu lãi suất giảm không còn là công việc chuẩn bị, nó đang thực sự diễn ra. Từ ngày 1.7.2011 các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sẽ thực hiện kết hối ngoại tệ. Con số có thể kết hối theo dự kiến của ngân hàng Nhà nước là 1,6 tỉ đôla Mỹ, một lượng cung tiền đồng tương đương sẽ được đưa ra thị trường.

Trong vòng chưa đầy hai tháng qua, kể từ cuối tháng 4, ngân hàng Nhà nước đã mua vào 3 tỉ đôla Mỹ. Cung tiền đồng đang lấn lướt từ ba ngả: ngân hàng Nhà nước mua ngoại tệ; tái cấp vốn; trái phiếu chính phủ đáo hạn. Mặc dù ngân hàng Nhà nước liên tục hút ròng tiền về qua kênh thị trường mở, tiền đưa ra vẫn nhiều hơn tiền hút về.

Thống đốc Nguyễn Văn Giàu nói với báo chí rằng tổng phương tiện thanh toán đang được điều chỉnh cho phù hợp với biến chuyển chỉ số lạm phát. Ông tính toán nếu ngân hàng Nhà nước đưa ra, thí dụ, 3.000 tỉ đồng, thì sẽ hút về 2.500 tỉ đồng, chỉ để lại một phần cho thị trường thôi.

Tuy nhiên với trần hạn mức tín dụng 20% đang chặn ở phía trên và nhiều ngân hàng đã tiệm cận hạn mức, một phần để lại của nguồn cung tiền đồng cũng là đáng kể. Đáng kể hơn nó phát đi tín hiệu sự linh hoạt trong chính sách tiền tệ đang bắt đầu.

Khi tiền tệ chuyển động, chứng khoán có thể chậm chân hơn một chút bởi những vướng víu của riêng nó.

Theo Hải Lý
Sài Gòn tiếp thị

eZ Publish™ copyright © 1999-2024 eZ systems as