Xếp hạng CTCK, có cần một tổ chức độc lập?

Rủi ro mất thanh khoản tại một số CTCK đang nổi lên gần đây khiến nhiều NĐT lo ngại

Tại Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ 2011 vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, sắp tới, cơ quan quản lý sẽ phân loại các CTCK thành 3 nhóm theo chỉ tiêu an toàn tài chính của các công ty.

Tuy nhiên, trong khi chờ đợi một sự xếp hạng rõ ràng khối công ty này, không ít NĐT vẫn thắc thỏm lo tài khoản của mình gửi gắm nhầm địa chỉ…

Trong giai đoạn vừa qua, một số CTCK đã lộ ra những yếu kém như vi phạm chỉ tiêu an toàn tài chính, xâm phạm tài khoản của NĐT, mất khả năng thanh khoản…, khiến NĐT ám ảnh về viễn cảnh phá sản, giải thể của một số CTCK. Với tâm lý lo ngại này, nhiều NĐT đang có xu hướng muốn tìm những CTCK an toàn hơn, có quy mô vốn lớn hơn để mở lại tài khoản.

Giám đốc một CTCK nhận định, thị trường đang trong giai đoạn trầm lắng, khó khăn chung đối với cả nền kinh tế, các tổ chức tài chính và DN thuộc mọi ngành, chứ không riêng gì các CTCK. Tuy nhiên, sự an toàn tài chính của CTCK có tác động trực tiếp đến tài sản của NĐT, nên sự lo lắng của họ là dễ hiểu. Do đó, rất cần một cảnh báo sớm từ phía cơ quan quản lý về các CTCK trong diện mất an toàn tài chính để NĐT đỡ phải chịu rủi ro khi sự việc đã rồi.

Trong thời gian qua, không ít NĐT phàn nàn về tình trạng kém, thậm chí mất thanh khoản tại một vài CTCK. Có những khách hàng đã thực hiện bán cổ phiếu nhưng phải đi lại vài ba lần mới rút hết số tiền trong tài khoản. Bên cạnh đó, dù rất khó điểm mặt chỉ tên khi sự việc chưa vỡ lở, nhưng dư luận vẫn râm ran về việc một số CTCK "chiếm dụng" tài khoản NĐT.

Một NĐT tên Nam cho biết, hiện anh đang mở tài khoản tại CTCK từng nằm trong diện cảnh báo của Trung tâm Lưu ký (VSD). Đến nay, dù kiểm tra tài khoản thường xuyên và chưa phát hiện điều gì bất thường, nhưng NĐT này vẫn muốn tìm kiếm một CTCK theo anh là an toàn hơn để chuyển tài khoản. Theo anh Nam, nếu trên thị trường có một tổ chức độc lập có thể điều tra, nghiên cứu, để đưa ra danh sách các CTCK an toàn về tài chính thì sẽ rất tốt cho các NĐT.

Tuy nhiên, việc hình thành các tổ chức độc lập dạng này không đơn giản, bởi để hình thành loại tổ chức này, trước hết phải từ cơ quan quản lý. Trong khi đó, đại diện UBCK cho rằng, rất khó để cơ quan quản lý công bố danh sách CTCK yếu kém, vì với diễn biến rất nhanh của TTCK, tình hình hoạt động của CTCK hôm nay có thể tốt nhưng chỉ sau một thời gian ngắn lại rất tệ và ngược lại… Hơn nữa, việc xếp hạng là rất nhạy cảm và có tác động lớn đến sự sống còn của các CTCK. Cũng theo đại diện UBCK, chỉ khi kết thúc năm tài chính, thời điểm sau khi có báo cáo kiểm toán của các CTCK thì bức tranh tài chính của khối này mới toàn diện và có giá trị. "Nhiều CTCK nhỏ nhưng họ biết quản lý rủi ro thì vẫn còn hơn CTCK lớn nhưng sử dụng vốn tràn lan, không hiệu quả", đại diện UBCK nhận định.

Tổng giám đốc một CTCK trực thuộc ngân hàng cho biết, việc có một tổ chức độc lập đánh giá tình hình tài chính của khối CTCK là rất thiết thực. Tuy nhiên, theo vị giám đốc này, hiện nay, các tổ chức định mức tín nhiệm trong nước chưa đủ tin cậy, cũng như chưa đủ sức thuyết phục NĐT. "Bản thân UBCK cũng chưa muốn công khai danh sách CTCK không đủ chỉ tiêu an toàn tài chính thì tổ chức nào có thể đứng ra làm việc này?", vị này đặt câu hỏi.

Do vậy, theo một số CTCK, để tự bảo vệ mình, tốt nhất NĐT nên tự phân tích, tìm hiểu tình hình tài chính của các CTCK mình định gửi gắm tiền và tài sản. Một số ý kiến cho rằng, trong thời điểm hiện tại, cơ quan quản lý có thể hạn chế rủi ro đối với tài khoản tiền của NĐT gửi tại CTCK thông qua các biện pháp như tăng cường kiểm tra, giám sát các đơn vị này. Tuy nhiên, đây không phải là giải pháp căn cơ, vì giữa số liệu báo cáo và thực tế đôi khi rất khác biệt.

Hơn nữa, việc kiểm tra cũng không thể thực hiện liên tục. Nếu cố tình, CTCK vẫn có thể lạm dụng hoặc chuyển tiền của NĐT ra khỏi tài khoản của họ mà không bị phát hiện. Xét về lâu dài, chỉ có giải pháp tách bạch tài khoản của NĐT ra khỏi CTCK, chuyển sang các ngân hàng quản lý thì mới có thể đảm bảo tiền của NĐT được an toàn hơn. Đây cũng là chủ trương của UBCK, nhưng trong nhiều năm qua vẫn chưa được thực hiện triệt để.

Tính đến hết quý III/2011, có 71/105 CTCK báo cáo kết quả kinh doanh thua lỗ (chiếm gần 70%). Con số này sẽ tác động không nhỏ đến tâm lý NĐT, bởi khi gửi gắm tài sản vào những đơn vị thua lỗ, đặc biệt là các công ty có nguy cơ phá sản, dễ khiến nhiều người không yên tâm. Vì vậy, khi báo cáo kinh doanh cả năm nay của các CTCK được công bố, rất có thể sẽ tác động nhất định đến tâm lý của các NĐT.

Hoàng Anh/ĐTCK

eZ Publish™ copyright © 1999-2024 eZ systems as