Mở cửa thị trường bán lẻ: Thị trường nông thôn sẽ sôi động?

Theo cam kết gia nhập WTO, từ ngày 1.1.2009 Việt Nam sẽ chính thức mở cửa thị trường bán lẻ cho các nhà đầu tư nước ngoài vào kinh doanh.

Trong bối cảnh phương thức tiêu dùng còn rất sơ khai, giới kinh doanh bán lẻ của VN đang đứng trước các các đối thủ cạnh tranh là các nhà kinh doanh bán lẻ khổng lồ - đang "nóng lòng" bước chân vào lĩnh vực phân phối bán lẻ tại VN.

Vẫn còn "sơ khai"
Ông Phan Thế Ruệ - Chủ tịch Hiệp hội các Nhà bán lẻ VN (AVR) - cho rằng: Hệ thống bán lẻ VN có quy mô và hạ tầng phân phối kém; phương thức bán lẻ lạc hậu (85 - 90% bán lẻ theo phương thức truyền thống), hệ thống thông tin thị trường kém, phương thức thanh toán, quan hệ giữa nhà bán lẻ và người tiêu dùng còn ở mức rất sơ khai; hệ thống luật pháp điều chỉnh mối quan hệ thị trường chưa đầy đủ...
Cũng theo ông Ruệ, trên thế giới ít nhà sản xuất kiêm luôn cả bán buôn, bán lẻ. Trong khi đó, ở VN nhà sản xuất vừa tổ chức bán buôn, vừa tổ chức bán lẻ. Chính sự khép kín này tạo ra cạnh tranh không lành mạnh, mà câu chuyện giá thép bị các nhà sản xuất "làm giá" là một điển hình.
Theo bà Lê Thị Kim Ngân - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thị trường trong nước thì hệ thống phân phối trong nước còn mang tính tự phát. Phần lớn DN hoạt động trong lĩnh vực phân phối là các DN vừa và nhỏ, tính chuyên nghiệp trong quản lý và kinh doanh chưa cao. Trật tự thị trường và các hình thức văn minh thương mại còn hạn chế, kỷ cương pháp luật trong kinh doanh chưa nghiêm.
Nói về thách thức khi mở cửa thị trường bán lẻ, bà Đinh Thị Mỹ Loan - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký AVR - cho rằng: Có không ít lo lắng rằng, thị trường bán lẻ VN sẽ sụp đổ bởi chúng ta còn quá manh mún; khi mở cửa thị trường, các tập đoàn bán lẻ đa quốc gia với sức mạnh tài chính, kinh nghiệm phân phối tràn vào là nguy cơ rất lớn đối với DN trong nước. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, ngành công nghiệp bán lẻ VN sẽ được đẩy mạnh lên một bước phát triển mới của cuộc cạnh tranh.
Cơ hội không nhỏ
Các chuyên gia kinh tế nước ngoài đánh giá rất cao và quan tâm đến cơ hội làm ăn tại VN, bởi VN có thị trường khoảng 84 triệu dân, trong đó 60% dân số là người tiêu dùng trẻ.
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ trong năm 2007 đã đạt mức 750 nghìn tỉ đồng, tăng gấp 3 lần năm 2001 và đang là thị trường bán lẻ VN đứng thứ tư trên thế giới. Theo tính toán của các chuyên gia, sức mua bình quân của một người VN năm 2007 đã lên tới mức là 730 nghìn đồng/tháng.
Tính đến thời điểm mở cửa thị trường bán lẻ, chỉ còn 11 tháng. Bà Lê Thị Kim Ngân cho rằng, VN phải sớm hoàn thiện quy hoạch phát triển tổng thể ngành thương mại, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng thương mại của cả nước, cụ thể đến các địa phương.
Bổ sung, sửa đổi, quy chuẩn để hướng dẫn phát triển các loại hình kinh doanh thương mại làm cơ sở cho các quyết định đầu tư của DN có hiệu quả, tạo tiền đề tổ chức kiểm tra, kiểm soát thị trường của các cơ quan quản lý... hình thành các Cty bán lẻ chuyên nghiệp theo hướng sáp nhập các hộ kinh doanh bán lẻ độc lập thành các chuỗi cửa hàng tiện lợi.
Theo ông Phan Thế Ruệ, các nhà bán lẻ cần "để mắt" đến thị trường nông thôn ngay từ bây giờ, bởi đây là thị trường rất tiềm năng với khoảng 60 triệu dân. Các chính sách của Chính phủ đều quan tâm đến các vùng nông thôn, khi thu nhập tăng nhanh, chuyển đổi cơ cấu hiệu quả sẽ bùng phát sức mua tại các khu vực này.
"Theo cá nhân tôi dự báo, thị trường bán lẻ tại khu vực nông thôn sẽ rất sôi động - trước hết là ở những nơi có tốc độ đô thị hoá nhanh" - ông Ruệ nói.

Công Thắng - Minh Yến (Lao Động)

eZ Publish™ copyright © 1999-2024 eZ systems as