Chính phủ phải có bàn tay sạch

Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh Nguyễn Thị Khá phát biểu ý kiến trong buổi thảo luận tại hội trường về kinh tế-xã hội. Ảnh: TTXVN

Nếu trái tim nóng bỏng nhưng cái đầu cũng nóng, quyết định “sáng đúng, chiều sai, đến mai lại đúng” thì rất nguy.

“Có thể nói báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp nào cũng hết sức hoành tráng và có sức thuyết phục. Tuy nhiên, cử tri cả nước cũng còn nhiều băn khoăn, lo lắng về chất lượng cuộc sống của người dân đi xuống, đồng tiền mất giá, lãi suất ngân hàng cao, DN không tiếp cận được nguồn vốn, vẫn còn tình trạng tham nhũng…”. Đó là ý kiến của đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) tại phiên thảo luận hội trường về tình hình kinh tế-xã hội chiều 5-8.

Chính phủ phải làm gì trước những lo lắng của cử tri? Nhiều đại biểu đã góp không ít các giải pháp để giải bài toán này.

Cụ thể hóa lời hứa

Đại biểu Cao Sĩ Kiêm (Thái Bình) cho hay cử tri rất hoan nghênh và kỳ vọng vào tuyên bố của Thủ tướng đã chọn rất đúng ba giải pháp đột phá. Những vấn đề các tân bộ trưởng phát biểu với báo chí cũng có rất nhiều điểm mới, có rất nhiều ý tưởng mà nếu triển khai nhanh, có hệ thống thì sẽ giúp ngay được những giải pháp tình thế năm nay và tạo tiền đề cho lâu dài.

“Tôi đề nghị Chính phủ, Thủ tướng cũng như các bộ trưởng nên cụ thể hóa theo lời hứa của mình bằng các chương trình dài hạn và bằng các lộ trình cụ thể, trước mắt ưu tiên giải quyết những vấn đề bức xúc hiện nay” - ông Kiêm nhấn mạnh.

Đại biểu Thuyền cũng nêu nguyện vọng của cử tri Lâm Đồng rằng các thành viên Chính phủ phải có trái tim nóng bỏng, đầy nhiệt huyết nhưng cái đầu phải lạnh và phải có bàn tay sạch thì mới điều hành đất nước được. “Nếu trái tim nóng bỏng nhưng cái đầu cũng nóng, quyết định “sáng đúng, chiều sai, đến mai lại đúng” thì rất gay. Cho nên phải có cái đầu lạnh để nhìn nhận một cách khách quan, toàn diện. Có bàn tay sạch để tiêu diệt tham nhũng và phải tiêu diệt chứ chỉ chống là chưa đủ” - ông Thuyền phân tích.

Đối với các bộ trưởng, ông Thuyền cũng cho hay cử tri gửi gắm “nếu như không thực hiện đúng lời hứa của mình thì phải thực hiện văn hóa từ chức”.

Quan tâm đến nông dân, ngư dân

Đại biểu Đào Tấn Lộc (Phú Yên) cho rằng khu vực nông, lâm, ngư nghiệp là lĩnh vực sản xuất thiết yếu liên quan đến 60% dân số và ổn định xã hội. Nhưng hiện nay hầu như các ngân hàng ít muốn cho vay trong khu vực này vì sợ độ rủi ro cao. Do đó nhiều hộ nông, ngư dân phải vay nóng với lãi suất cao và làm tăng chi phí đầu vào hiệu quả thấp.

“Tôi đơn cử, nhiều hộ ngư dân đánh bắt xa bờ ở Phú Yên hiện nay phải vay nóng 6%-7%/tháng. Mặc dù Chính phủ đã có những quyết định hỗ trợ ngư dân nhưng chính sách liên quan đến tiền tệ, tín dụng thì chưa có. Đề nghị Chính phủ có biện pháp tạo điều kiện cho những đối tượng này được tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng thuận lợi hơn với lãi suất thích hợp” - đại biểu Lộc kiến nghị.

Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) cũng nêu thực tế vừa qua Chính phủ chủ trương hỗ trợ đối với DN, người dân, trong đó có nông dân nhưng bình ổn giá thực sự chưa thực sự đến với nông dân, đến với vùng nông thôn. “Tôi đề nghị Chính phủ quan tâm có chủ trương sớm bình ổn giá từ gốc, bình ổn giá đầu vào hỗ trợ cho nông dân về phân bón, con giống, thức ăn chăn nuôi. Như vậy sẽ giúp nông dân sản xuất nông sản có giá thấp để bán ra giá thấp. Đây là biện pháp căn cơ để thực hiện bình ổn giá, vừa có lợi cho nông dân mà về sâu xa là có lợi cho người tiêu dùng” - đại biểu Vở hiến kế.

Phát huy nội lực

Đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến (Long An) cho rằng chính nhập siêu là nguyên nhân gốc tạo ra lạm phát. Cho nên việc thắt chặt tín dụng trong thời gian qua đã làm rất tích cực nhưng hiệu quả đạt được chưa cao vì chúng ta không giải quyết được tận gốc. Đặc biệt nhập siêu năm 2010 thì 94,4% là từ Trung Quốc. Sáu tháng đầu năm nay nhập siêu 7,4 tỉ đôla thì trong đó 6,6 tỉ nhập siêu từ Trung Quốc (chiếm 88,4%).

“Tôi rất tâm đắc với giải pháp người Việt ưu tiên dùng hàng Việt. Về lâu dài, chúng ta cần phải có những chính sách ưu đãi đặc biệt để khuyến khích sản xuất công nghiệp phụ trợ, như vậy sẽ giảm được việc nhập khẩu linh kiện điện tử. Tiếp theo, nên có chính sách khuyến khích sản xuất hàng hóa chất lượng cao và có chính sách ưu đãi để cho các DN đầu tư vào sản xuất, chế biến hàng nông sản và lương thực” - bà Yến nêu giải pháp.

Đại biểu HUỲNH NGỌC ĐÁNG (Bình Dương): Cái bình thường của thiếu trách nhiệm

Gần đây có sự kiện hàng ngàn bài thi ĐH môn sử bị điểm 0 và nhiều người, có cả người trong ngành giáo dục cho đó là chuyện bình thường. Sao lại có thể coi đó là chuyện bình thường được?

Tôi hoan nghênh nội dung thông báo chính thức vừa qua của Bộ GD&ĐT về sự kiện bài thi môn sử bị điểm 0 này. Theo tôi, nếu cho sự kiện hàng ngàn bài thi môn sử là điều bình thường thì đó chính là cái bình thường của thiếu trách nhiệm. Tôi tin rằng Chính phủ không để yên cho những sự bình thường kiểu đó.

THU HẰNG/ PLO

eZ Publish™ copyright © 1999-2024 eZ systems as