Gói kích cầu đang 'chuyển mình'

Trong mấy tháng đầu triển khai gói kích cầu, GDP tháng sau cao hơn tháng trước, đặc biệt, trong tháng 4 vừa qua, chứng khoán có dấu hiệu "nổi dậy", thị trường bất sản đã ấm dần. Gói kích cầu đang bước đầu "chuyển mình" phát huy hiệu quả.

Ông Cao Sỹ Kiêm, đại biểu quốc hội, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhận định bên lề kỳ họp Quốc hội sáng nay.

- Qua mấy tháng triển khai, cá nhân ông đánh giá thế nào về hiệu quả của gói kích cầu trong mục tiêu ngăn chặn suy giảm kinh tế?

- Gói kích cầu mới được triển khai, rất khó để đánh giá hiệu quả một cách đầy đủ. Nhưng rõ ràng, tôi thấy nó có kết quả. GDP tháng sau cao hơn tháng trước và đặc biệt trong tháng 4 vừa qua, chứng khoán có dấu hiệu "nổi dậy", thị trường bất sản đã ấm dần. Kết quả bước đầu như vậy là rất khả quan trong mục tiêu chống suy giảm kinh tế. Tôi cho rằng, điểm mới của gói kích cầu là giải quyết một bình diện lớn các vấn đề nóng bỏng trong kinh tế như lãi suất, giảm thuế, hướng về thị trường nông thôn và nội địa.Tất nhiên, con đường chúng ta đi còn dài, chặng đằng sau vẫn còn khó khăn. Muốn gói kích cầu có hiệu quả tốt, cần xác định rõ địa chỉ cần kích cầu. Thứ hai là phải kiểm tra, giám sát thường xuyên.

- Thực tế, nhiều chuyên gia lại lo ngại gói kích cầu còn bộc lộ nhiều điểm yếu và chưa thực sự đi vào đời sống của người dân. Vì sao vậy thưa ông?

- Gói kích cầu tạo ra khí thế mới cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tuy nhiên, có bốn điểm cần chú ý. Chủ trương có từ rất sớm nhưng giải pháp đề xuất để gói kích cầu đi vào thực tiễn cuộc sống còn chậm khiến nhiều người phân vân và hoài nghi. Chưa có sự phối hợp nhịp nhàng giữa cơ quan hoạch định chính sách và cơ quan quản lý, giải pháp đưa ra và quá trình thực hiện còn cách nhau. Ba là công tác tuyên truyền, giải thích, công khai minh bạch để người dân và doanh nghiệp hiểu nắm được còn hạn chế. Thứ tư, kinh tế của Việt Nam còn phụ thuộc vào thế giới đặc biệt là đầu tư và xuất khẩu. Thế giới đã đưa ra nhiều biện pháp khắc phục kinh tế nhưng nhìn chung chuyển biến còn chậm dẫn đến kinh tế Việt Nam cũng ít nhiều bị ảnh hưởng.

- Nhiều cử tri lo ngại gói kích cầu hỗ trợ lãi suất trung và dài hạn chỉ là giải pháp tạm thời bởi quản lý chưa tốt sẽ dễ nảy sinh cơ chế "xin-cho" và tâm lý ỷ lại trong doanh nghiệp?

- Lo ngại đó là có căn cứ. Quả thực, đâu đó có xảy ra hiện tượng này. Cơ chế, giám sát chưa tốt dẫn đến nhiều doanh nghiệp lợi dụng lỗ hổng trong chính sách để tư lợi riêng. Vai trò giám sát, kiểm sát cũng đã được lưu tâm từ khi gói kích cầu bắt đầu đưa ra nhưng chưa làm được một cách kiên quyết. Tôi cho rằng, vấn đề quản lý phải được chú ý, tập trung hơn. Có như vậy, gói kích cầu mới "kích" vào đúng chỗ và phát huy hiệu quả được.

- Chính phủ dự kiến điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế xuống còn 5%. Nhiều chuyên gia cho rằng đó là đánh giá quá lạc quan bởi trong quý 1, mức tăng trưởng Việt Nam chỉ đạt 3,1%, còn dự báo tình hình thế giới vào thời điểm cuối năm là rất khó. Ông đánh giá sao về điều này?

- Vừa rồi, các chuyên gia nghiên cứu đã đưa ra 3 kịch bản cho nền kinh tế Việt Nam. Kịch bản 5,6%, kịch bản 3,39% và kịch bản 5%. Theo tôi, kịch bản 5% là khả thi. Mặc dù còn khó khăn nhưng chắc chắn chúng ta sẽ đạt được. Gói kích cầu đang vào đời sống của người dân và đang "chuyển mình". Khủng hoảng đã có dấu hiệu chững lại và nền kinh tế thế giới đặc biệt là Mỹ đã có bước đầu đi lên. Các nước cũng đang trong xu hướng như thế. Việt Nam không thể ra khỏi vòng chung của quy luật này. Đó là những cơ sở quyết định để chúng ta thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 5%

- Ông đánh giá thế nào về tác động của suy thoái kinh tế thế giới đối với Việt Nam tại thời điểm này, thưa ông?

- Suy thoái kinh tế thế giới vẫn đang tác động đến Việt Nam cả xuất khẩu và đầu tư. Tuy nhiên, mức tác động này tương đối ổn định, không phát triển nhanh mà cũng không có dấu hiệu tụt lùi. Cũng có thể cho rằng, Việt Nam đã bắt đầu chạm đáy khủng hoảng và đang có xu hướng đi lên.

Việt Anh - Hoàng Lan (theo VnExpress.net)

eZ Publish™ copyright © 1999-2024 eZ systems as