Hội nhập kinh tế trong thời kỳ mới

Đại hội lần thứ XI của Đảng họp vào thời điểm khá đặc biệt. Về ngắn hạn năm 2011 kết thúc Kế hoạch 5 năm 2006-2010 và mở đầu Kế hoạch 5 năm mới 2011-2015. Về trung hạn, năm 2011 đánh dấu sự chuyển giao Chiến lược 10 năm đầu thế kỷ 21 đưa nước ta lên hàng các nước có thu nhập trung bình tính theo đầu người sang Chiến lược 10 năm tiếp theo đưa nước ta trở thành nước công nghiệp. Về dài hạn 2011 công cuộc đổi mới vừa tròn 1/4 thế kỷ.

Nhìn lại cả ba thời đoạn ấy đều có thể thấy rõ dấu ấn của các hoạt động kinh tế đối ngoại mà nay hay gọi gộp lại là hội nhập kinh tế quốc tế.

25 năm trước, khi bước vào con đường đổi mới, mở cửa, thật sự không ai có thể hình dung nổi nước ta sẽ có những bước tiến dài như vậy về mặt này. Kim ngạch xuất khẩu năm 1986 vỏn vẹn có khoảng 800 triệu USD, năm 2010 đã lên tới 71,6 tỉ, tức là tăng gần 90 lần; đầu tư nước ngoài được cấp giấy phép từ 321,5 triệu USD năm 1988, tức là sau khi Luật Đầu tư nước ngoài được thông qua năm 1987 lên khoảng 193 tỉ vào cuối năm 2010, tức là tăng trên 600 lần, trong đó vốn pháp định đạt mức trên 63 tỉ.

Nếu như đầu những năm 90 thế kỷ trước, viện trợ nước ngoài đối với nước ta bị gián đoạn do Liên Xô tan rã, chế độ XHCN ở Đông Âu sụp đổ thì qua hai thập kỷ qua viện trợ phát triển chính thức (ODA) đã lên tới con số 72 tỉ USD cam kết, trong đó giải ngân được 29 tỉ. Lượng kiều hối chuyển về năm 1991 chỉ có 35 triệu thì năm 2010 đã lên tới 8 tỉ USD, tổng cộng lại trong 20 năm có tới trên 50 tỉ USD kiều hối được đưa về nước.

Rõ ràng những con số biết nói ấy đã góp phần to lớn về mọi mặt vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước: gia tăng nguồn lực, tạo thêm hàng triệu công ăn việc làm, giải quyết nhiều vấn đề xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới công nghệ, thay đổi phương thức quản lý kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh và vị thế đất nước.

Tuy nhiên, những thành tựu ấy chủ yếu mới đạt về lượng chứ còn về chất thì có nhiều sự bất cập. Điều đó thể hiện trước hết trong cơ cấu đưa tới hiệu quả hạn chế. Cơ cấu xuất khẩu nặng về nguyên nhiên liệu, nông sản thô; tỷ trọng sản phẩm chế biến, nhất là chế tạo rất thấp, trong đó chủ yếu là gia công chứ sản phẩm các ngành tiên tiến như cơ khí, máy móc, thiết bị, điện, công nghệ thông tin, hóa sinh... rất thấp, dịch vụ có giá trị cao càng kém hơn. Cũng do cơ cấu lạc hậu nên nước ta thường xuyên nhập siêu ở mức độ cao, trong đó các doanh nghiệp nước ngoài góp phần không nhỏ do họ chỉ gia công, lắp ráp là chính. Cơ cấu đầu tư nước ngoài tuy nhìn bề ngoài thì công nghiệp chiếm tỷ lệ cao song đi sâu vào nội hàm thì rất ít công nghệ cao, công nghiệp khai thác, gia công chiếm tỷ lệ lớn, nông nghiệp hầu như không được thụ hưởng gì; về đối tác thì rất thiếu vắng các công ty xuyên quốc gia tầm cỡ. Tương tự như vậy, du lịch cũng thu hút được ít các loại khách “sộp” chi tiêu nhiều.

Tuy Báo cáo chính trị và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trình ra Đại hội XI không đề cập riêng và đậm về chủ đề này nhưng vẫn khẳng định chủ trương tích cực, chủ động hội nhập quốc tế.

Trong thời gian tới nước ta vừa có nhu cầu, vừa có thêm nhiều khả năng tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài để phát triển song chắc cần phải điều chỉnh lại nhiều mặt. Ở trong nước nay nhấn mạnh yêu cầu chất lượng, hiệu quả và tính bền vững thì đương nhiên các quan hệ kinh tế đối ngoại cũng phải chuyển theo hướng này. Vả lại cục diện quốc tế đã có nhiều đổi thay, không thể tiếp cận theo cách cũ.

Ở “đầu vào” của nền kinh tế, việc thu hút nguồn lực từ bên ngoài vào sẽ xuất hiện một số nhân tố mới. Là nước có thu nhập trung bình, khả năng huy động ODA sẽ eo hẹp dần; các nguồn vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp tuy vẫn sẽ dồi dào song sự cạnh tranh sẽ gay gắt hơn. Nợ công của nước ta đã tiến gần hơn tới ngưỡng an toàn. Tình hình ấy càng đặt ra yêu cầu phải tạo môi trường kinh doanh và tài chính - tiền tệ thuận lợi tối đa nhằm khuyến khích mọi người dân đầu tư vào sản xuất kinh doanh, đồng thời phải sử dụng có hiệu quả tối đa đầu tư công. Cả sản xuất trong nước lẫn đầu tư nước ngoài cần được hướng mạnh vào các ngành tạo ra nhiều giá trị gia tăng, hiệu quả lớn, tính bền vững cao, thúc đẩy sự chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại.

Cũng theo hướng đó, cơ cấu xuất khẩu cần được chuyển dịch mạnh theo hướng giảm thiểu tối đa tỷ trọng nguyên, nhiên liệu, sản phẩm thô, gia tăng sản phẩm công nghệ chế biến, chế tác, có hàm lượng công nghệ và chất xám ngày một cao. Một nhiệm vụ quan trọng khác là ra sức thuyên giảm tình trạng nhập siêu, góp phần duy trì ổn định vĩ mô - một việc không hề dễ dàng nếu muốn đạt được mục tiêu cân bằng xuất - nhập khẩu vào năm 2020 như Báo cáo Chính trị nêu.

Chính sách thị trường cũng như quá trình đàm phán, ký kết các thỏa thuận về tự do hóa thương mại cũng cần phục vụ đắc lực cho yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế, tranh thủ công nghệ nguồn từ các nền kinh tế tiên tiến.

Chỉ có như vậy thì các hoạt động kinh tế đối ngoại và quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng hơn mới có thể phục vụ đắc lực cho quá trình CNH, HĐH.

Vũ Khoan/ Thanh Niên

eZ Publish™ copyright © 1999-2024 eZ systems as