Khoảng cách còn lại để châu Á hùng mạnh

Phải mất nhiều thập niên nữa Trung Quốc, Ấn Độ và các nước châu Á mới có thể thật sự là cường quốc. Foreign Policy, tạp chí chuyên về đối ngoại của Mỹ, nhận định như vậy... Vì sao?

Các nhà lãnh đạo châu Á trong Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Hàn Quốc đầu tháng 6-2009 - Ảnh: Reuters

Trước hết là về kinh tế và quốc phòng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và liên tục từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đã giúp các nước châu Á tăng trưởng mạnh trong hai lĩnh vực này. Tuy nhiên, hiện giờ khoảng cách so với các nước phương Tây vẫn còn rất lớn.

Toàn vùng châu Á tạo ra 30% GDP toàn cầu, nhưng vì dân số quá lớn, thu nhập bình quân đầu người mới chỉ là 5.800 USD so với 48.000 USD của Mỹ. Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, trung bình châu Á phải mất 77 năm để đạt tới mức thu nhập bình quân như Mỹ. Riêng Trung Quốc cần 47 năm, còn Ấn Độ cần 123 năm.

Về quốc phòng, tổng chi phí dành cho lĩnh vực này của các nước châu Á trong năm 2008 chỉ bằng 1/3 của Mỹ.

Thứ hai, Foreign Policy đặt dấu hỏi về luận điểm “sự trỗi dậy của châu Á là không thể ngăn cản”. Dựa trên tốc độ tăng trưởng gần đây, Ngân hàng Goldman Sachs thậm chí dự báo Trung Quốc có thể vượt qua Mỹ về tổng sản lượng kinh tế vào năm 2027 và Ấn Độ làm được điều đó năm 2050. Tuy nhiên, Foreign Policy chỉ ra rằng với dân số quá lớn, châu Á sẽ gặp phải bài toán khó về nạn nhân mãn trong vài thập niên tới, đặc biệt khi hơn 20% dân số sẽ già đi vào năm 2050. Ngoài ra, các vấn đề về môi trường, thiên tai và bất ổn chính trị tại nhiều khu vực cũng sẽ kìm hãm không ít viễn cảnh châu Á sẽ thống trị thế giới.

Thứ ba là về khoa học công nghệ và giáo dục. Một nghiên cứu mới đây thậm chí đã xếp Mỹ ở hàng thứ tám về sáng tạo trên thế giới sau Singapore, Hàn Quốc và Thụy Sĩ. Tuy nhiên, trên thực tế nhận định cho rằng Mỹ không còn nắm vị trí lãnh đạo trong các ngành công nghệ kỹ thuật cao là quá cường điệu. Năm 2008, các nhà sáng chế Mỹ nhận được 92.000 bằng sáng chế do Mỹ cấp, nhiều gấp đôi so với Hàn Quốc và Nhật vốn là hai nước châu Á đầu tư mạnh nhất cho khoa học công nghệ. Trung Quốc và Ấn Độ còn bị bỏ lại xa hơn.

Ở lĩnh vực giáo dục, trong 10 trường đại học tốt nhất thế giới theo xếp hạng của QS World University Rankings, không có trường nào ở châu Á và chỉ duy nhất Đại học Tokyo lọt vào danh sách 20 trường đại học hàng đầu. Tương tự, trong 30 năm qua, chỉ có tám người châu Á, gồm bảy người Nhật, được trao giải Nobel trong lĩnh vực khoa học. Sự chênh lệch không chỉ xuất hiện trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản. Một báo cáo được trích dẫn rất nhiều của Viện McKinsey toàn cầu năm 2005 cho biết các công ty đa quốc gia chỉ xem 10% số kỹ sư được đào tạo ở Trung Quốc và 25% ở Ấn Độ là “có thể làm được việc”, so với 81% ở Mỹ.

Điểm cuối cùng được Foreign Policy viện dẫn để tranh luận rằng “thời đại châu Á” vẫn chưa đến là ảnh hưởng của Mỹ trong vùng. Mỹ quả đang mắc kẹt ở Iraq và Afghanistan, nhưng “sẽ là ngây thơ khi tuyên bố kết thúc sự vượt trội về địa - chính trị của Mỹ ở châu Á”. Trong khi nhiều học giả Mỹ lo ngại về điều đó, chính những người châu Á lại không nghĩ như thế. Một nghiên cứu mới công bố của Hội đồng Chicago về các vấn đề toàn cầu cho thấy 69% người Trung Quốc, 75% người Indonesia, 76% người Hàn Quốc và 79% người Mỹ cho biết ảnh hưởng của Mỹ tại châu Á tăng, chứ không giảm trong thập niên vừa qua.

Theo Tuổi Trẻ

eZ Publish™ copyright © 1999-2024 eZ systems as