Ngân hàng trên thế giới lao đao, Việt Nam báo lãi?

Một trong các nguyên nhân là ngân hàng Việt Nam trích lập dự phòng rủi ro thấp và lợi nhuận khổng lồ từ mua bán trái phiếu.

Trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu lần này, ngành tài chính – ngân hàng là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất khi rất nhiều ngân hàng của các nước phát triển bị “xóa sổ”. Trong bối cảnh đó, hầu hết các ngân hàng Việt Nam đều đạt được lợi nhuận đáng kể. Nguyên nhân của nghịch lý này là gì?

Thế giới lao đao, Việt Nam báo lãi

Đầu năm 2009, một số ngân hàng Mỹ công bố kết quả kinh doanh khá khả quan. Ngày 17/04, Tập đoàn tài chính, ngân hàng Citigroup thông báo trong quý I/2009 họ đã đạt lợi nhuận 1,6 tỷ USD trên tổng doanh thu 25 tỉ USD. Đây là con số vô cùng khả quan sau khi Citigroup chịu mức thua lỗ 5,1 tỉ USD cùng kỳ năm ngoái và 18,72 tỉ USD tính cả năm 2008.

Trước đó một ngày, ngân hàng lớn thứ hai của Mỹ JPMorgan Chase cũng khiến giới đầu tư lạc qua với lợi nhuận trong quý 1 vừa qua vượt dự kiến đạt 2,1 tỷ USD. Các ngân hàng như Goldman Sachs, Wells Fargo (Mỹ), China Construction Bank, Bank of China,… đều đạt kết quả khả quan.

Tuy nhiên, những con số làm nức lòng giới đầu tư vẫn không đủ xua đi “bóng đen” phủ lên ngành ngân hàng thế giới trong năm qua. Lehman Brother là ngân hàng đầu tư lớn thứ 4 tại Mỹ phải gánh chịu hậu quả phá sản vào hồi tháng 9 năm ngoái do khủng hoảng tài chính.

Tính đến giữa tháng 6/2009, đã có 40 Ngân hàng Mỹ tuyên bố phá sản, trong đó các “gương mặt mới” là North Carolina, Georgia và Kansas. Năm 2008, số ngân hàng Mỹ phá sản là 25, con số này năm 2007 chỉ là 3.

Các “đại gia” Châu Âu cũng lao đao theo khủng hoảng. Mới đây, tập đoàn bảo hiểm và ngân hàng Fortis NV của Hà Lan và Bỉ vừa được chính phủ 3 nước Bỉ, Hà Lan và Luxembourg nhận khoản hỗ trợ trị giá 11,2 tỷ Euro (tương đương 16,4 tỷ USD).

Như vậy thời gian qua, ngành ngân hàng thế giới vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Theo thống kê, lợi nhuận của các ngân hàng trên toàn cầu trong năm qua giảm 85% xuống còn 115 tỷ đôla, so với 781 tỷ đôla của năm trước, và tỷ lệ lãi trên tài sản giảm xuống còn 2,69% so với 20% một năm trước.

Trong bối cảnh đó, ngành ngân hàng Việt Nam dù khó khăn vẫn đạt được nhiều kết quả khả quan. Trong tháng 5, Ngân hàng “đầu đàn”, Ngân hàng TMCP Ngoại thương đạt lợi nhuận trước thuế là 561 tỷ đồng, lũy kế 2.489 tỷ đồng.

Tính đến ngày 31/05/2009 lợi nhuận trước thuế của ngân hàng Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank) đạt 674 tỷ đồng. lợi nhuận của Ngân hàng VPBank đạt 125 tỷ đồng, đạt 45% kế hoạch cả năm 2009, LienVietBank, trong 5 tháng lợi nhuận trước và sau thuế là 304 tỷ đồng,…

Vì sao?

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, một trong các nguyên nhân giúp các ngân hàng Việt Nam đạt được lợi nhuận khá cao trong bối cảnh ngân hàng thế giới, đặc biệt Mỹ và Châu Âu vẫn gặp nhiều khó khăn chính là ngân hàng Việt Nam trích lập dự phòng rủi ro thấp.

Năm qua, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) trích lập dự phòng rủi ro lên tới 7.410 tỷ đồng, cao nhất từ trước tới nay. Trong khi đó, với Vietinbank, quỹ dự phòng rủi ro dự kiến vào cuối năm 2009 ở mức 2.500 tỷ đồng,…

Với khoản trích lập dự phòng rủi ro không cao, lợi nhuận của các ngân hàng được cải thiện đáng kể.

Bên cạnh đó, theo ông Nghĩa, chi phí thấp cũng là một yếu tố giúp các ngân hàng Việt Nam gia tăng lợi nhuận. Và chi phí thấp ở đây cụ thể bắt nguồn từ tiền lương cho nhân viên.

Ông Nghĩa cho biết tỷ lệ Tổng chi phí/Tổng tài sản của các ngân hàng Việt Nam đứng ở mức khá thấp, từ 1,4% tới 1,8%. Trong khi đó, tỷ lệ này tại các ngân hàng nước ngoài thường dao động từ 1,8% tới 2%.

Và một nguyên nhân vô cùng quan trọng khác giúp các ngân hàng Việt Nam đạt được khoản lợi nhuận đáng kể trong thời gian qua chính là việc các ngân hàng mua trái phiếu “bị bán tháo” với tỷ lệ chiết khấu 25%.

Nhìn vào báo cáo tài chính quý I và cập nhật đến tháng 5/2009 của các ngân hàng có thể dễ dàng thấy lãi từ các hoạt động tín dụng và thu nhập từ trái tức chiếm hơn 95% lãi trước thuế, trong đó thu nhập từ trái tức chiếm dưới 30% nguồn thu nhập này.

Từ tháng 6, tháng 7 năm ngoái, trái phiếu bị bán tháo với mức giá giảm sâu. Để tiếp cận vốn mạnh hơn trên thị trường mở, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần đã tăng cường mua vào trái phiếu Chính phủ.

Theo ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó chủ tịch uỷ ban Chứng khoán nhà nước (SSC) khi các tổ chức ồ ạt bán ra trái phiếu với mức giá thấp, dưới mệnh giá, các ngân hàng được hưởng lợi vì mua vào trái phiếu với giá rẻ.

Nguồn trái phiếu giá rẻ vừa giúp các ngân hàng tránh được lãi suất âm do lạm phát vừa giúp ngân hàng hưởng lãi suất thấp khi vay vốn nếu đem trái phiếu giao dịch tại thị trường mở. Vì vậy, nguồn lợi từ khỏan trái phiếu “giá rẻ” này là rất lớn.

Mặc dù còn nhiều khó khăn trước mắt nhưng với kết quả kinh doanh khá tốt như vậy, TS Lê Xuân Nghĩa khẳng định hệ thống tài chính ở Việt Nam khá vững chắc, không “ốm yếu” như một số tổ chức nước ngòai nhận xét.

Theo Bảo Linh (InfoTV

)

eZ Publish™ copyright © 1999-2024 eZ systems as