Sản xuất công nghiệp: Đương đầu với khó khăn

Tăng trưởng sản xuất công nghiệp trong tháng đầu năm đã đạt mức cao là 16,1% nhưng khó khăn đã bắt đầu hiển hiện khi hàng loạt yếu tố đầu vào liên tiếp tăng giá.

Điểm khiến các doanh nghiệp sản xuất đứng ngồi không yên trong lúc này là “hậu” quyết định thay đổi tỷ giá ngoại tệ với mức nới rộng tới 9,3% mới đây. Với thực tế nhập khẩu nguyên phụ liệu cho sản xuất đang chiếm tỷ trọng lớn ở nhiều ngành sản xuất chỉ phục vụ nhu cầu trong nước là chính như sắt thép, phân bón, nhựa... hay gia công xuất khẩu như dệt may, da giày, tỷ giá ngoại tệ tăng như vậy đã tác động không nhỏ tới hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Theo tính toán của Công ty Gang thép Thái Nguyên, doanh nghiệp này có thể mất thêm khoảng 50 tỷ đồng vào chi phí hoạt động vì tỷ giá thay đổi mới đây.
Trước đó ít ngày, do một số nguyên liệu đầu vào như phôi thép đã tăng 660-680 USD/tấn, giá thép phế là 540 USD/tấn và than cốc cũng đã xấp xỉ 400 USD/tấn, nên trong đầu tháng 2, nhiều doanh nghiệp đã tăng giá thêm từ 400.000-800.000 đồng/tấn thép thành phẩm, cá biệt có doanh nghiệp tăng thêm 1 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, mức tăng này cũng được dự báo là còn tiếp diễn trong thời gian ngắn nữa, bởi ngoài áp lực của tỷ giá ngoại tệ khi nhập khẩu, sẽ là việc tăng giá điện, lý do là điện chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu giá thép.
Lĩnh vực chế biến hải sản, thực phẩm, tuy có lợi điểm về nguồn nuôi trồng trong nước, hay xuất khẩu để thu ngoại tệ, nhưng đa phần các sản phẩm thức ăn chăn nuôi đang được nhập khẩu tới 60-70% nguyên liệu, nên câu chuyện tỷ giá thay đổi hôm trước, hôm sau giá thức ăn chăn nuôi cũng tăng ngay lập tức khiến doanh nghiệp kêu trời.
Ngoài ra, lãi suất ngân hàng vẫn cao ngất ngưởng khiến cho các doanh nghiệp không dám tiếp cận. Ông Nguyễn Văn Ký, Tổng giám đốc Agrifish An Giang cho hay, với lãi suất hiện đang ở mức 18-20%/năm, việc vay vốn để mở rộng sản xuất, hiện được coi là quá mạo hiểm đối với doanh nghiệp.
Dĩ nhiên, ngân hàng đang huy động vốn ở mức 14% nên chuyện hạ lãi suất cho vay là khó. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn có những khoản tín dụng được Ngân hàng Nhà nước ký với các tổ chức tài chính quốc tế có lãi suất khá thấp (dưới 10%/năm), nhưng khi chuyển sang các ngân hàng thương mại cho doanh nghiệp trong nước vay lại, lãi suất thông thường đã được áp dụng. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa không có cơ hội tìm được nguồn vốn tốt ở các ngân hàng thương mại trong nước và câu chuyện doanh nghiệp è cổ làm lợi cho ngân hàng vẫn đang là câu chuyện chưa có hồi kết.
Bên cạnh áp lực từ việc tìm kiếm vốn vay và tỷ giá tăng, các doanh nghiệp sẽ phải đương đầu với việc giá điện sẽ điều chỉnh từ ngày 1/3 tới như chấp thuận mới đây của Chính phủ. Tuy các mức tăng giá chính xác còn phải chờ các quyết định cụ thể, dự kiến sẽ được công bố trong vài ngày tới, nhưng chắc chắn các hoạt động sản xuất sẽ bị ảnh hưởng mạnh.
Theo tính toán, nếu giá điện tăng 18%, tổng số tiền điện tăng thêm sẽ vào khoảng 19.000 tỷ đồng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ tăng khoảng 0,54 – 0,72%; tổng số tiền điện tăng thêm đối với các ngành sản xuất là 9.600 tỷ đồng, giá thành sản xuất sẽ tăng từ 0,02 – 9,03%.
Nhưng không chỉ có vậy, giá xăng dầu cũng đang trong tình trạng nhấp nhổm. Dù Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động để chủ động được phần nào nguồn cung trong nước, nhưng với thực tế đầu vào của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất tính theo giá quốc tế, nên giá xăng dầu nội cũng sẽ được… quốc tế hóa!
Bên cạnh đó, do lo ngại bất ổn ở một số nước Bắc Phi gần đây, vốn gần các khu vực khai thác dầu mỏ lớn của thế giới, giá dầu mỏ thế giới đã liên tục tăng trong khoảng một tháng qua và hiện đã vượt qua mức 101 USD/thùng với các lô hàng giao tháng 4/2011. Chính vì vậy, việc giá xăng dầu thời gian tới sẽ có những điều chỉnh theo hướng tăng là khó tránh khỏi.
Cùng với tất cả những diễn biến nêu trên, điều đáng nói là trong khi đó, hiệu quả đầu tư lại vẫn là câu chuyện đau đầu. Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành xác nhận, năm 2010, theo báo cáo của Chính phủ, để đạt được 7% tăng trưởng GDP, Việt Nam đã phải đầu tư 42% GDP. Nghĩa là để tăng thêm 1 VND sản xuất, chúng ta phải đầu tư 6 VND. So với các quốc gia trong khu vực, thì hệ số ICOR của Việt Nam là rất cao.

“Do vậy, năm 2011 phải làm thế nào để tăng hiệu quả hoạt động đầu tư lên, có nghĩa là phải cấu trúc lại nền kinh tế. Một mặt phải cấu trúc lại khu vực doanh nghiệp nhà nước để hoạt động hiệu quả hơn bằng cách cổ phần hoá tất cả các công ty con nào đang níu kéo các tập đoàn nhà nước. Các doanh nghiệp tư nhân cũng cần phải cơ cấu lại để sản xuất các mặt hàng với hàm lượng nội địa cao hơn, tăng công nghiệp phụ trợ lên để không phải nhập khẩu quá nhiều nguyên liệu”, ông Bùi Kiến Thành nói.

Theo Đầu Tư Điện tử

eZ Publish™ copyright © 1999-2024 eZ systems as