Doanh nghiệp tư nhân và tâm tư bên lề Đại hội Đảng

Đầu tư công nghệ cao tự động hóa, nhiều DN vẫn không được ưư đãi

Muốn khuyến khích doanh nghiệp tư nhân và toàn dân phát triển, Nhà nước phải có cơ chế bảo vệ nền quản trị dựa trên pháp luật. Đó mới là gốc rễ để đổi mới. Nếu phân biệt giữa DNNN và DN tư nhân trong tiếp cận nguồn lực thì những nhân tố giỏi sẽ bị kìm hãm.

Sự năng động và tính hiệu quả của doanh nghiệp tư nhân đã được nhiều tổ chức nghiên cứu đánh giá xác nhận. Mới đây, Tổ thi hành Luật Đầu tư và Luật doanh nghiệp rà soát về chất lượng doanh nghiệp tư nhân cũng đã cho kết quả: nếu như các doanh nghiệp (DNNN) cần tới 436,5 triệu đồng vốn chủ sở hữu để tạo ra một chỗ làm thì các doanh nghiệp tư nhân chỉ cần 224,1 triệu đồng/việc làm. Chỉ số ICOR của khu vực tư nhân luôn thấp hơn các khu vực khác.

Những năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân, các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển lớn mạnh. Tuy nhiên, để khu vực này hấp thụ được những chính sách ưu đãi đó thì vẫn còn một khoảng cách lớn trong thực tiễn.

Đầu tư công nghệ cao, lãi suất vẫn cao như thường

Mở đầu câu chuyện này, ông Bùi Ngọc Huyên, Tổng giám đốc Công ty ôtô Xuân Huyên (Vinaxuki) vô cùng bức xúc. Ông nói: “Luật thì ủng hộ chúng tôi, nhưng trong quá trình thực hiện thì có nhiều thứ, DNNN được nhưng doanh nghiệp tư nhân thì không được.”

3 năm nay, Vinaxuki là đơn vị có tỷ lệ nội địa hóa cao nhất trong ngành công nghiệp ôtô, đầu tư 10/12 sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm cơ khí trọng điểm. Theo chương trình cơ khí trọng điểm, doanh nghiệp chỉ cần làm thiết bị cơ khí nặng trên 2 tấn là được ưu đãi như thuế chỉ 0-5%, lãi suất không quá 3%. Vinaxuki đã đúc được thiết bị nặng tới 7-10 tấn, có dây chuyền tự động hóa dập khuôn mẫu thân, vỏ cabin xe ôtô.

Ông Huyên nhấn mạnh: “Chính sách rõ ràng như vậy nhưng công ty chúng tôi không tiếp cận nổi, vẫn phải chịu lãi suất cao, tới mười mấy phần trăm một năm”.

Giải thích về sự bất hợp lý này, ông Huyên kể: “Chúng tôi đề nghị với Thủ tướng và Thủ tướng đã ra quyết định đồng ý ưu đãi, yêu cầu Ngân hàng phát triển Việt Nam giải quyết. Nhưng khi chúng tôi tới Ngân hàng thì ngân hàng bảo là không có tiền”.

Nhắc đến đây, vị doanh nhân lắc đầu ngao ngán: “Chúng tôi chỉ cần nợ thuế một ngày thôi là tài khoản bị treo ngay, bị truy thu thuế tới cùng. Nhưng nếu là DNNN thì còn được hoãn, giãn thuế".

Ông Huyên kể tiếp: "Trong ngành ôtô, làm động cơ là khó nhất và Việt Nam chưa làm được, đều phải nhập. Giờ đây, chúng tôi đang đầu tư làm sản phẩm này và nếu thành công, Vinaxuki sẽ là doanh nghiệp đầu tiên sản xuất được động cơ ôtô ở Việt Nam. Luật cho phép, nếu làm được sản phẩm này, sẽ được vay 85% vốn. Chúng tôi chỉ cần 60% vốn thôi, khoảng 500 tỷ đồng là đủ, nhưng Ngân hàng không cho vay. Trong khi đó, tôi biết có công ty của Bộ GTVT được Nhà nước giao cho làm phụ tùng ôtô, động cơ mà 10 năm nay, có làm được đâu".

“Nhân đại hội Đảng đang diễn ra, tôi chỉ mong tinh thần đổi mới được đề cao. Luật đã ban hành rồi thì cứ thế thực hiện, và hãy thật công bằng giữa doanh nghiệp tư nhân và DNNN. Còn theo cơ chế như hiện nay, người không làm gì thì lại được ưu đãi, còn những người làm thật như chúng tôi thì chẳng được ưu đãi gì. Đó là sự phân biệt mà nếu các bộ ngành đi kiểm tra ở các địa phương, sẽ thấy rõ”, ông Huyên tâm tư.

Không giỏi lobby, doanh nghiệp tư nhân đành lép vế

Không loay hoay, chật vật về vốn, về lãi suất như vị doanh nhân làm sản xuất ôtô trên, ông Nguyễn Xuân Hoàng, Tổng giám đốc Công ty CP tư vấn xây dựng ACH, lại gặp một khó khăn khác khi muốn tiếp cận đất đai để mở rộng qui mô, phát triển công ty.

Tháng 2/1010, vị doanh nhân này đã được cấp Bằng sáng chế độc quyền cho công nghệ thi công mới: sàn ô cờ. Đây là loại kết cấu sàn có trọng lượng siêu nhẹ, có thể giảm 20% chi phí xây dựng kết cấu trong các toà nhà.

Ông Hoàng chia sẻ: “Với lợi thế sở hữu công nghệ, chúng tôi muốn tìm được quỹ đất, có thể làm nhà giá rẻ cho người có thu nhập thấp. Nhưng việc tiếp cận quĩ đất đối với DN tư nhân nhỏ như chúng tôi quả là vô cùng khó khăn”.

“Khi thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, riêng với chính sách đất đai thì chỉ có những DNNN, quan hệ mật thiết với lãnh đạo các cấp chính quyền thì mới tiếp cận được. Nhưng tôi chỉ giỏi làm công nghệ chứ không giỏi làm lobby và do đó, tôi đành phải đi thuyết phục các nhà đầu tư khác ứng dụng công nghệ của mình”, ông Hoàng nói.

Theo vị doanh nhân này, muốn khuyến khích doanh nghiệp tư nhân và toàn dân phát triển, Nhà nước phải có cơ chế bảo vệ nền quản trị dựa trên pháp luật. Nếu vẫn còn sự phân biệt giữa DNNN và DN tư nhân trong tiếp cận nguồn lực thì những nhân tố giỏi sẽ bị kìm hãm. Đó mới là gốc rễ để đổi mới, chứ nếu chỉ đổi mới ở phần ngọn như thuế, chính sách minh bạch, công khai thì chưa đủ.

Cần xóa bỏ tư duy “trọng” nhà nước hơn tư nhân

Ông Lê Minh Hải, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần thép Việt Đức, thẳng thắn: “Luật Doanh nghiệp cho thấy, DNNN và doanh nghiệp tư nhân là bình đẳng nhưng thực tế lại không được thế. Nhiều khi, doanh nghiệp muốn tiếp cận vốn vay ưu đãi nhưng các ngân hàng thường vẫn có quan điểm trọng DNNN hơn".

Cho đến nay, theo vị doanh nghiệp này, dấu ấn trong tư duy, nhận thức, quan điểm về doanh nghiệp Nhà nước hay tư nhân vẫn còn rất đậm. Thực tế, ở nhiều nơi, người ta vẫn phân biệt, doanh nghiệp cổ phần hóa từ Nhà nước và DN cổ phần tư nhân. Trong điều tiết vay vốn, các ngân hàng quốc doanh sẽ được Nhà nước yểm trợ bằng các nguồn từ Ngân sách chưa sử dụng đến, nên mới có ưu đãi. Còn ngân hàng thương mại ngoài quốc doanh, phải tự huy động tự cho vay nên sẽ có lãi suất cao hơn.

Khi rà soát chính sách nhằm nâng cao chất lượng của doanh nghiệp tư nhân, tổ công tác thi hành Luật Đầu tư và Luật doanh nghiệp đã khuyến nghị, doanh nghiệp tư nhân cần được coi trọng là trụ cột của nền kinh tế. Với quan điểm nhìn nhận như vậy, Chính phủ cần có sự công bằng trong việc khuyến khích đầu tư giữa khối doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp nước ngoài (FDI).

Bên cạnh đó, Chính phủ phải làm sao khuyến khích tích lũy vốn và hình thành các doanh nghiệp tư nhân lớn. Muốn vậy, chính sách phát triển công nghiệp và các chương trình nâng cao năng lực quốc gia cần phải dựa trên nền tảng là phát triển doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân.

Phạm Huyền

Diễn đàn kinh tế Việt Nam

eZ Publish™ copyright © 1999-2024 eZ systems as