Tỷ giá càng tăng, nông dân càng khốn khó

Sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu trong ngành nông nghiệp, vài năm trở lại đây, ngày càng cao. Chính vì vậy, sau mỗi lần tỷ giá tăng, gánh nặng chi phí lại đổ dồn lên vai người nông dân…

Anh Nguyễn Văn Ngọc, chủ trại gà công nghiệp 100.000 con ở huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai, cho biết lại vừa được đại lý thông báo kể từ ngày 30.2, giá cám tăng thêm 300 đồng/kg. Bầy gà ăn 20 tấn cám mỗi ngày, lần tăng giá này, anh Ngọc chịu thêm khoản tiền phát sinh 6 triệu đồng/ ngày.
Hụt hơi với tốc độ tăng giá đầu vào
Trong khi đó, người chăn nuôi tính toán, suốt năm tháng vừa qua (từ đầu tháng 10.2010 đến nay), giá thức ăn chăn nuôi tăng tám lần, thêm tổng cộng 1.152 đồng/kg. “Mới đầu tháng đại lý báo tăng giá 260 đồng/kg, cuối tháng lại nhận được thông báo tăng giá thêm”, anh Ngọc nói. Theo anh Ngọc, những người chăn nuôi như anh chỉ được giải thích rằng: giá thức ăn tăng là do tỷ giá tăng, doanh nghiệp sản xuất cám phải tốn thêm tiền mua nguyên liệu.
“Để sản xuất ra một ký thịt gà công nghiệp, cần 2,1kg thức ăn, riêng phần tăng giá thức ăn thời gian qua đã làm đội giá thành thêm 2.300 đồng”, ông Nguyễn Thanh Phương, giám đốc chăn nuôi công ty Emivest tính toán. Nếu cộng cả phần tăng thêm từ con giống, thuốc thú y (phải nhập khẩu), theo ông Phương, chỉ nội trong năm tháng qua, giá thành nuôi gà tăng ít nhất 24%, lên mức 28.000 đồng/kg. So với giá bán hiện nay, người chăn nuôi lỗ 7.000 đồng.
Những ngày đầu năm này, giá nguyên liệu cá tra đang ở mức cao nhất trong lịch sử, lên tới 25.000 đồng/kg, nhưng không chỉ bản thân ông Nguyễn Văn Đời, nông dân nuôi cá chuyên nghiệp ở huyện Chợ Mới, An Giang mà hầu hết người nuôi ở đồng bằng sông Cửu Long cảm thấy chưa vui.
“Thức ăn, thuốc thú y, xăng dầu đều phải nhập khẩu, tỷ giá tăng thì giá cũng tăng theo. Cùng thời điểm này năm ngoái, giá thành nuôi cá có 15.000 – 16.000 đồng/kg, nay lên 21.000 – 22.000 đồng. Cộng thêm lãi suất vay nóng 2%/tháng, thời gian nuôi trong vòng tám tháng thì giá thành là 25.500 đồng, lỗ 500 đồng”, ông Đời tính toán.
“Không có cách gì xoay trở trước cơn bão giá nguyên liệu, chúng tôi chỉ biết chấp nhận bỏ tiền đầu tư, còn giá bán thì do thị trường quyết định”, ông Nguyễn Văn Linh, người trồng lúa ở huyện Vĩnh Thạnh, Cần Thơ tâm sự. So với vụ hè thu giữa năm 2010, vụ đông xuân này nông dân phải chi thêm 800 – 1.000 đồng cho mỗi ký phân urea nhập khẩu vì tỷ giá, lãi suất tăng. “Tôi nghĩ chi phí phân bón vụ hè thu 2011 tới đây sẽ còn cao hơn 10 – 15% so với hiện nay”, ông Lê Quốc Phong, tổng giám đốc công ty phân bón Bình Điền dự đoán, bởi theo ông, từ tháng 3 trở đi, những lô phân bón nhập khẩu về phải gánh thêm chi phí tăng tỷ giá.
Xoay trở trong thế khó
Tỷ giá theo hướng tăng suốt ba năm qua, về lý thuyết, có lợi cho xuất khẩu. Nhưng, với ngành nông nghiệp, thì theo ông Đặng Kim Sơn, viện trưởng viện Chính sách chiến lược, bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, giá trị gia tăng thu được từ hoạt động xuất khẩu một số mặt hàng như gạo, điều, cá tra, tôm lại giảm đáng kể. Nguyên nhân chủ yếu là do sự̣ phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu ngày càng cao.
Đồng ý với quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Ký, tổng giám đốc Agrifish An Giang cho rằng, chính sách tăng tỷ giá hỗ trợ xuất khẩu chỉ mang lại hiệu quả khi hàng hoá làm ra dựa trên nguồn nguyên liệu sản xuất nội địa. Có những sản phẩm như chăn nuôi, cá tra, tôm, lúa gạo, tiêu điều, càphê phải phụ thuộc tới 60 – 70% nguyên liệu nhập khẩu thì tỷ giá càng tăng, càng đội thêm chí phí, rất khó cạnh tranh.
“Trước năm 2008, giá 1kg cá tra philê xuất khẩu đi châu Âu 2,6 – 2,8 USD/kg, trong khi giá thành có 2,4 – 2,5 USD (giá nguyên liệu 14.000 – 15.000 đồng/kg). Sau ba năm, đến đầu 2011, giá xuất khẩu tăng thêm được 0,2 USD, nhưng giá thành cũng tăng lên gần 0,3 USD do giá nguyên liệu lên tới 25.000 đồng/kg”, ông Ký phân tích. Theo ông, giá đầu vào tăng, không chỉ nông dân mà doanh nghiệp cũng khó xoay trở, vì thị trường sẽ khó chấp nhận khi chúng ta liên tục thay đổi giá bán sản phẩm.

Ngành chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản trong ba năm trở lại đây, theo tính toán của bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, mỗi năm cần đến 1,8 – 2,2 tỉ USD nhập nguyên liệu thức ăn, khoảng 1,5 – 1,7 tỉ USD nhập thuốc thú y. Giám đốc một doanh nghiệp chuyên nhập khẩu nguyên liệu ở TP.HCM nói: “Đợt tăng tỷ giá mới đây, tôi phải chi thêm 349 đồng cho mỗi USD mua vào để thanh toán cho các lô hàng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu”. Theo ông này, tất cả chi phí nhập khẩu đều được đưa vào giá bán, đẩy giá thành sản phẩm chăn nuôi, thuỷ sản, lúa gạo lên.

Theo SGTT

eZ Publish™ copyright © 1999-2024 eZ systems as