Lên bản Mông vui tết

Chuẩn bị quần áo vui tết.

Cứ khi đồng bào người Mông mang hết ngô, lúa trên nương rẫy về để trên gác bếp là người ta lại rậm rịch chuẩn bị cho tết Nọttra. Tết Nọttra thường được tổ chức vào thời điểm những ngày đầu tiên của năm mới và kéo dài đến nửa tháng.

Tết Mông vẫn được nhiều người xem như là cuộc triển lãm văn hoá, phong cách văn hoá mạnh mẽ trên rẻo cao, sinh tồn trong sự khắc nghiệt của thiên nhiên và cuộc sống.

Rực rỡ sắc màu xuân

Đó luôn là cái cảm nhận đầu tiên của bất cứ ai khi đến với đồng bào người Mông ở 2 xã Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu) trong những ngày Tết Nọttra.

2 xã đồng bào người Mông ở Hoà Bình vốn vẫn êm đềm và lặng lẽ giữa trùng điệp của dãy núi Pà Háng, giữa cái lạnh buốt của sương núi, cái chờn vờn của mây của gió. Đó là ở cái thời điểm cuối vụ ngô, sắn, dong riềng. Thấp thoáng giữa vườn mận, dưới tán đào, vang lên tiếng cười khúc khích của những cô gái trẻ, đôi má hây hây hồng. Trời vừa hửng nắng, góp thêm cho sắc xuân của cánh đào phai vừa bừng hé nụ là những bộ váy áo sặc sỡ sắc màu trên sào nứa gác lên cành đào, cành mận. Sùng Y Lan, cô gái Mông ửng hồng đôi má ngượng nghịu, sau nụ cười thật duyên rồi bạo dạn: Để có được những bộ cánh mới diện Tết thì mình phải dồn công sức cả năm. Từ trồng, đập vỏ cây lanh se thành sợi dệt vải đến phết sáp ong, tạo hoa văn, nhuộm lá màu chàm... Sau đấy mới thêu thùa các loại chỉ màu, hình thành những tấm vải. Những tấm váy xúng xính sắc đỏ, xanh, vàng đã thể hiện sự cần cù, chịu thương, chịu khó, khéo léo của người con gái Mông.

Bánh dày không thể thiếu được trong ngày tết.

Tết đến đón xuân sang, người phụ nữ Mông nào cũng có một bộ váy áo mới do chính tay mình làm ra. “Mình làm để mặc đi chơi tết chứ không bán đâu” cái chất giọng lơ lớ nhưng dứt khoát của cô bạn đi cùng Sùng Y Lan đã thẳn thắn khước từ lời đề nghị của anh bạn tôi khi hỏi mua một bộ váy áo về làm quà cho người bạn ở dưới xuôi. Lần đầu đến bản Mông trong thời khắc mùa xuân đang về, anh bạn tôi cứ ngơ ngẩn, liên tục xuýt xoa cái cảnh đẹp ở vùng sơn cước này. Mà thực tình, khi mùa xuân về, sắc đào thắm đỏ cả một vùng núi non trùng điệp, phớt hồng cả lên đôi má của những cô gái Mông đương độ xuân thì làm sao mà không xuýt xoa, làm sao mà không ngơ ngẩn được!?

Trong những ngày giáp tết chàng trai Mông cũng tất bật quét dọn, sửa sang nhà cửa để đón chào một năm mới sắp sang. Ở các bản Mông từ Pà Cò con, Trà Đáy, Xà Lĩnh, Pà Cò lớn đâu đâu cũng thấy tiếng nói, tiếng cười. Xuân về, cuộc sống đã có nhiều đổi thay, tết của đồng bào người Mông ở 2 xã Hang Kia, Pà Cò lại thêm vui. Bên bếp lửa ấm áp xua đi cái rét làm buốt cóng đôi bàn tay, Sùng A Chua ở bản Pà Cò con mời: Ở lại đây ăn Tết với mình nhé! Vui lắm. Mình đồ thêm phản xôi này nữa để chốc nữa giã bánh dày! Không có bánh chưng như ở xuôi, nhưng Tết của người Mông mình bao giờ cũng có bánh dày được làm bằng gạo nếp trồng ở trên nương dẻo, thơm lắm. Năm nào cũng vậy, đến ngày 30 tết mới giã bánh trước là để cúng tổ tiên, mời tổ tiên về ăn tết cùng.

Ngoài kia, gió đang thổi lướt trên những cánh đào, cả vùng núi Pà Háng đón xuân về rậm rịch trong tiếng giã bánh dày! Mai đã là Tết rồi!

Còn lại những phong tục đẹp

Chủ tịch UBND xã Pà Cò Sùng A Sa là người mau miệng, hay cười và hay đùa. Lần này, gặp, ông nói mà chúng tôi cứ ngỡ như ông đang đùa: Năm nay người Mông chúng tôi ở 4 xã Hang Kia, Pà Cò (Hoà Bình), Vân Hồ, Loóng Luông (Mộc Châu - Sơn La) đã thống nhất là sẽ ăn tết cùng nhau. Không ăn tết riêng lẻ như trước nữa. Rồi ông kể: Trước đây, người Mông ở 4 xã thường không ăn tết cùng nhau. Xã này thường bắt đầu đón tết cách xã kia hàng tuần, thậm chí trước sau cả tháng. Như vậy, mình thấy như vậy không vui, không thể hiện được sự đoàn kết, thế nên tại hội nghị 4 xã vừa qua mình đã đề nghị kể từ năm nay, người Mông thống nhất ăn tết cùng một ngày. Được lãnh đạo các xã và người dân ủng hộ mình thấy vui lắm. Như vậy, kể từ nay về sau người Mông ở 4 xã sẽ ăn Tết cùng nhau. Nói xong ông Chủ tịch UBND xã Pà Cò hể hả cười vui: Đây là một sự thay đổi đáng kể đấy nhà báo ạ!

Mình đi chơi tiếp nhé!

Có người bảo: “Tết Mông là một cuộc triển lãm nền văn hoá của họ. Tất cả những phong tục tập quán đẹp đều được phô bày. Đấy là một phong cách văn hoá mạnh mẽ trên rẻo cao, sinh tồn trong sự khắc nghiệt của thiên nhiên và cuộc sống”. Điều đó không sai!

Đêm giao thừa hầu như người Mông không ngủ! Với họ, cái thời khắc giao thừa đón năm mới là vô cùng quan trọng trong đời sống tâm linh. Người Mông hân hoan đón chào năm mới bằng hàng loạt tiếng nổ của súng kíp. Sau hàng loạt tiếng nổ rền vang khắp núi, khắp trời, những người đàn ông cùng hú lên lời tiễn biệt năm cũ để chào đón năm mới. Bàn thờ cũ được bóc đi, thay bằng bàn thờ mới là tấm giấy bổi truyền thống được làm từ hàng tháng trước bằng cây sậy lấy trên rừng. Đón năm mới tất cả đồ dùng, cuốc, cày, lù cởi... cũng đều được dán thêm thứ giấy này để báo hiệu năm mới. Trời hửng sáng trong màn sương mù, khi tiếng gà còn gáy râm ran từ đầu bản đến cuối rừng. Mọi nhà đều mở toang cánh cửa. Đó là buổi sáng đầu tiên của năm mới.

Buổi sớm, khi thức giấc người Mông rửa mặt bằng thứ nước được lấy vào những giờ khắc sớm nhất trong ngày đầu năm. Người ta tâm niệm đây là “Nước vàng, nước bạc”. Vì thế càng lấy được sớm, năm mới sẽ gặp may lớn, có nhiều vàng bạc của cải.

Trong những ngày đầu năm mới này, người mông kiêng không quét nhà, nếu có quét thì cũng chỉ quét vào trong và không được hót đổ đi. Làm như vậy là sang năm mới sẽ mất của. Không chỉ có vậy, trong dịp tết chuyện ăn, chuyện dùng lửa của người Mông cũng còn mang nhiều điều kiêng kị đầy thú vị.

Đi chơi tết với mình tiếp nhe, vui lắm!

Sùng A Chánh, cán bộ xã bảo: Ngày tết, người Mông có thể nhóm lửa nhưng không được thổi lửa. Bởi vì người Mông quan niệm ngày đầu năm thổi vào bếp lửa, năm ấy sẽ gặp nhiều gió bão. Bánh dày không được nướng lửa, nếu nướng thì sang năm mới nương rẫy sẽ bị hạn. Trong những ngày tết, lửa lúc nào cũng phải bập bùng reo vui, nếu không thì năm đó đốt nương sẽ không cháy. Trong cái ăn ngày đầu năm mới, người Mông cũng có những điều kiêng kị, người đàn ông chỉ được ăn thịt, không được ăn rau, không được ăn lòng nếu ăn rau, ăn lòng thì năm mới làm nương rẫy sẽ mọc nhiều cỏ, có nhiều cây dây leo. Trong những ngày đầu năm mới, người Mông chỉ ăn Tết ở nhà và đi chúc tết anh em họ hàng như Tết của người xuôi.

Hết 3 ngày đầu năm mới lúc đó mới thực sự vui. Khi trai gái Mông đắm mình rộn rã trong tiếng khèn môi, trong điệu nhảy, đắm mình trong những trò chơi đánh pao, đánh quay, múa hát, đánh cầu lông gà. Các trò chơi được kéo dài đến hết tháng. Sau Tết, đồng bào lại quay lại với công việc nương rẫy thường ngày.

Tạm biệt vùng núi đá quanh năm mây phủ và chúc đồng bào người Mông một cái tết vui vẻ đầm ấm. Chào chúng tôi, Sùng Y Lan cùng các bạn trong bộ váy áo mới, hân hoan đi về phía bãi đất trống đầu bản. Ở đó, đang rộn ràng với trò chơi ném Pao, với ánh mắt tình tứ quả Pao rời tay Sùng Y Lan đã hướng về phía người thương một cách ý nhị và kín đáo. Có sống, có hiểu mới thấy trong cuộc sống, tâm hồn người Mông thật trong sáng và nhiệt tình.

Mạnh Hùng / Báo Hòa Bình

eZ Publish™ copyright © 1999-2024 eZ systems as