Cổ phiếu “gạo” chưa “chín”

Một thời được quan tâm dưới sàn, nhưng khi lên sàn lại bị quên lãng, đó là tình trạng chung của những CP trong ngành kinh doanh lúa gạo hiện nay.

Hiện thực chán nản

Năm ngoái, VinhLong Food (VLF) đạt doanh thu (DT) xấp xỉ 1.650 tỷ đồng và lợi nhuận (LN) sau thuế gần 7,5 tỷ đồng. Ngày 24-4, ĐHCĐ của VLF đã thông qua kế hoạch DT 2.350 tỷ đồng và LN sau thuế 22,5 tỷ đồng, tức gấp 3 lần đã thực hiện năm trước.

Nhưng đến khi BCTC quý I-2013 của VLF được công bố, nhiều người đã đặt dấu hỏi về khả năng hoàn thành kế hoạch của VFL: chỉ đạt hơn 460 tỷ đồng doanh thu, tương đương 20% kế hoạch, nhưng lại bị lỗ gần 7,7 tỷ đồng. Trong 3 quý còn lại, nếu muốn cán đích lợi nhuận VLF sẽ phải đạt tròm trèm 30 tỷ đồng.

Docimexco (FDG) thậm chí còn lỗ nặng hơn cả VLF trong quý I-2013, với LN bị âm gần 25 tỷ đồng. Đáng chú ý là cùng kỳ năm ngoái, FDG cũng có khoản lỗ tương tự với khoảng 25 tỷ đồng. Hơn 1 tháng trước, FDG đã bị HOSE đưa vào diện cảnh báo vì thua lỗ trong năm 2012.

Angimex (AGM) có khá hơn 2 "đồng nghiệp" khi vẫn có LN trong quý I nhưng con số cũng chỉ vỏn vẹn 2 tỷ đồng, tương đương 5% kế hoạch LN sau thuế 2013 là hơn 41 tỷ đồng. So với năm ngoái, LN của AGM sụt giảm khoảng 50%, có nghĩa là công ty chưa thể chiến thắng chính mình.

Giải trình cho kết quả kinh doanh yếu kém này, có thể thấy một lý do quan trọng: thị trường gạo khó khăn dẫn đến giá xuất khẩu giảm đồng thời gặp không ít thách thức về mặt tiêu thụ.

Vốn mỏng, nợ vay lớn

Nhưng thực tế thị trường khó khăn cũng chỉ mang tính khách quan, còn những khó khăn AGM, FDG hay VLF gặp phải xuất phát từ nhiều nguyên nhân chủ quan khác. VLF niêm yết tại HOSE vào cuối năm 2010, năm đó công ty có vốn điều lệ 104 tỷ đồng, mãi đến năm vừa qua, con số này mới tăng lên thành 119 tỷ đồng.

Công ty lên sàn có nhiều mục đích, lợi ích chính đáng khác nhau, trong đó có cơ hội huy động được vốn từ đại chúng, điều này rõ ràng VLF chưa triển khai hoặc triển khai một cách chậm chạp.

Điều đáng nói là dù vốn điều lệ tăng rất chậm nhưng vốn vay của VLF lại có chiều hướng tăng khá mạnh. Đầu năm 2010, vay nợ ngắn hạn của VLF chỉ khoảng 210 tỷ đồng, đến cuối năm đã tăng lên gần 350 tỷ đồng và đến cuối năm 2012 con số này đã quá 750 tỷ đồng, kết thúc quý gần nhất đã lập "đỉnh" xấp xỉ 1.000 tỷ đồng, tức là gấp hơn 8 lần vốn điều lệ công ty.

Vốn quá mỏng dẫn đến đòn cân nợ của VLF trở nên quá cao và có thể gây ra một số hệ luỵ. Trong giải trình của mình về KQKD quý I-2013, VFL cho biết chi phí tài chính (chủ yếu là chi phí lãi vay) đã tăng gần 64% so với cùng kỳ năm trước, bởi các khoản vay để dự trữ hàng tồn kho và mua nhà máy chế biến thức ăn thủy sản. Bên cạnh đó là một số chi phí cũng tăng với tỷ lệ rất khủng, như chi phí bán hàng tăng 212,21%, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 37,37%...

Vốn điều lệ của FDG và AGM lần lượt là 132 tỷ đồng và 182 tỷ đồng, có cao hơn VLF nhưng nhìn chung cũng không phải vốn lớn, so với vốn điều lệ của các công ty niêm yết tại HOSE thì đây chỉ là những mức "sàn" và cũng không "thấm béo" gì so với số dư các khoản vay tại ngày 31-3-2013 của 2 công ty.

Tại thời điểm này, vay nợ ngắn hạn của FDG lên đến 730 tỷ đồng, gấp 5,5 lần vốn điều lệ, còn vay ngắn hạn của AGM lên đến hơn 810 tỷ đồng, gấp gần 4,5 lần vốn điều lệ.

Vài năm trước, khi các quỹ đầu tư có xu hướng tìm hiểu về các công ty gạo, e ngại lớn nhất vào thời điểm đó chính là nợ vay khá lớn của các công ty này và xem ra e ngại này đến nay chưa chấm dứt. Những khoản vay của các công ty thương mại phần lớn lại là vay ngắn hạn nên sức ép trả lãi và trả nợ gốc có thể nói rất nặng nề.

Cổ phiếu mờ nhạt

Nợ vay nhiều là hiện tượng xuất hiện ở khá nhiều doanh nghiệp ngành thương mại, nhưng vấn đề ở đây là làm sao để quay vòng vốn, hạn chế tình trạng tồn kho, đảm bảo hàng tiêu thụ đều. Đầu năm 2013, giá trị hàng tồn kho của AGM chỉ mới xấp xỉ 220 tỷ đồng, nhưng 3 tháng sau con số này đã tăng hơn gấp 2 lần lên gần 500 tỷ đồng.

Cũng trong cùng khoảng thời gian, giá trị tồn kho của FDG cũng tăng từ 370 tỷ đồng lên 510 tỷ đồng, cho thấy sức ép tiêu thụ trong thời gian tới của công ty vô cùng lớn. Theo xu hướng hiện nay, các công ty thương mại càng phải phát triển cả về quy mô lẫn độ tinh nhuệ trong hoạt động để gia tăng sức cạnh tranh, giữ vững thị phần.

Có thể lãi không lớn, nhưng doanh thu phải lớn, ổn định, hoặc ít ra các chỉ số tài chính phải có gì đó nổi trội và bền vững. Nhìn vào quy mô vốn, cũng như các chỉ số tài chính của các công ty nêu trên, khó có thể nói rằng đây là những công ty "lớn" ở bất cứ yếu tố nào.

Chính những vấn đề các công ty này đang gặp phải đã tác động đáng kể đến diễn biến giá CP trên sàn. Đặc điểm nổi bật của 3 CP AGM, FDG và VLF: thanh khoản cực kỳ nghèo nàn. 2 phiên giao dịch cuối tuần rồi, khối lượng khớp lệnh của VFL đều bằng 0.

10 phiên gần nhất, không có phiên nào có hơn quá 1.000 CP của AGM được giao dịch. Cũng trong khoảng thời gian này FDG chỉ có đúng 2 phiên giao dịch. Trong vấn đề quan hệ với NĐT, cũng không thấy các công ty này có hoạt động gì nổi trội.

Có thể nói các công ty ngành gạo không may mắn cho lắm khi niêm yết lúc sàn đã hạ nhiệt, nên không thể tận dụng hết thời cơ với những vấn đề mà các công ty này đang gặp phải, có lẽ nên trách mình trước tiên. Chừng nào CP gạo mới trở nên đông đảo, hấp dẫn để thu hút các NĐT?

Theo Ngọc Long

Sài Gòn đầu tư

eZ Publish™ copyright © 1999-2024 eZ systems as