Chứng khoán chờ đợi gì mà không tăng?

Dòng tiền đã bị chặn đứng ngay tại ngưỡng cửa ra vào của thị trường. Mà với đặc tính của thị trường này, tiền đã không vào thì ắt phải ra.

Chờ gì nữa? Những nhà đầu tư lo xa nhất ở Việt Nam đang suy ngẫm thị trường theo cái cách mà một lớp nhà đầu tư Hoa Kỳ vẫn thường làm. Đó là lồng ghép không khí chứng khoán vào những động thái của nhà điều hành.

Chờ…

Một câu hỏi vẫn dằn vặt trái tim và khối óc nhà đầu tư: chứng khoán còn chờ gì mà không “lên”?

Một số nhà đầu tư lại sẵn lòng trả lời: Chờ con em thi đại học xong. Chờ em chạy trường cho cháu. Chờ diễn biến dịch tai xanh. Chờ hết tháng cô hồn. Chờ Quốc hội kết thúc kỳ họp. Chờ nợ xấu giải quyết xong. Chờ tỷ lệ thất nghiệp giảm. Chờ biển Đông lặng sóng… Dù giá cổ phiếu nhiều loại rẻ hơn cốc trà đá, nhưng trà đá vẫn còn uống được.

Như vậy là đã rõ, chờ đợi là một đức tính của nhà đầu tư chứng khoán. Bối cảnh khó khăn về kinh tế cũng khiến cho các nhà đầu tư không còn dễ kiếm ăn như thời nổi sóng những năm 2007 và 2009.

Bằng chứng của sự kiên nhẫn được trưng ra gần đây nhất, nếu tính từ đầu tháng 6/2012. Khi đó, chỉ số chứng khoán Dow Jones của Mỹ đã đổ dốc đủ mạnh để làm cho tự thân nó trở thành hấp dẫn. Từ đó đến nay, trong khi thị trường chứng khoán Hoa Kỳ đã tiến vào một đợt phục hồi thì chứng khoán Việt lại cụ thể hóa kết quả kiên nhẫn của nhà đầu tư bằng tư thế đi ngang rồi… lao xuống.

Những người chờ đợi vào một tình cảm đồng pha giữa chứng khoán Mỹ và Việt Nam, hay nói cách khác là chờ đợi sự phục vụ tận tâm của Dow Jones đối với VNI, đã một lần nữa phải thất vọng. Đúng như lời tán thán của những người quen nhận thất bại: chứng khoán Việt Nam chẳng biết đường nào mà mò.

Vào nửa đầu của năm nay, lời tán thán trên tỏ ra có lý - như một thế mạnh duy nhất của các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Những người theo trường phái đánh sóng theo kinh tế vĩ mô hẳn đã phải nhận ra một nghịch lý hết sức oái oăm: thị trường chỉ phục hồi khi khắp nơi còn đầy rẫy tin tức tiêu cực.

Cứ như một quy luật, thị trường rõ là đã chỉ bắt đầu đi lên trong không khí tuyệt đại đa số nhà đầu tư còn nằm nguyên trong trạng thái cùng quẫn hoặc hoài nghi cực độ. Nhưng cho đến khi họ nhận ra rằng chỉ số đã tăng đến 50% và nhiều cổ phiếu đã bật gấp đôi của cái 50% ấy, mọi chuyện lại trở nên kỳ quặc. Khi đó, thị trường như bị khựng lại cho dù dòng tiền margin dồn dập đổ vào.

Về hiện tượng ấy, không thiếu gì cách để giải thích. Thị trường đã tăng mạnh nên phải điều chỉnh - cũng là một cách lý giải truyền thống.

Nhà đầu tư có tâm trạng chờ đợi đủ thứ như đã mô tả trên, có thể cho chúng ta thấy một bức tranh tương đối toàn diện về lòng kiên nhẫn bị hắt hủi như thế nào. Tháng 6/2012 cũng là thời gian trầm lặng của phiên họp Quốc hội.

Nhưng một chi tiết trùng hợp không thể không chú ý là chỉ vừa xong phiên họp này, hai chỉ số chứng khoán VNI và HNX đã lập tức đổ dốc. Và miệt mài đi xuống từ đó đến nay, bất chấp chứng khoán Mỹ tăng, giá xăng dầu giảm; nhưng lại đồng thuận với… giá điện.

Và… chờ

Như vậy có nghĩa là sao? Có lẽ nào chứng khoán Việt Nam lại bị trơ, hay nói như một nhà đầu tư nước ngoài là chẳng có cảm xúc gì với chính sách kinh tế vĩ mô? Kinh tế vĩ mô lại đang được các quan chức nhận định là lập đáy và đang chuẩn bị thoát đáy kia mà…

Song vào lần này, chính những nhà đầu tư lớn lại tự tìm cho họ câu trả lời thích đáng. Một nỗi sợ hãi vừa mơ hồ vừa vật chất đang lan tỏa khắp các quỹ đầu tư và công ty chứng khoán.

“Bi quan” là từ ngữ được dùng nhiều nhất và nhấn nhá nhất để mô tả cho sự chờ đợi trong sáu tháng cuối năm 2012. Hầu như không có lấy một điểm sáng hoặc một thái độ thật sự lạc quan trong kế hoạch triển khai đổ vốn vào thị trường chứng khoán - điều mà những quỹ nước ngoài như Dragon hay VinaCapital vẫn thường đi tiên phong.

Trong khi đó, tình cảnh của nhiều công ty chứng khoán còn bắt buộc họ phải thận trọng hơn. Không còn cái thời họ làm mưa làm gió và muốn nói gì thì nói trên thị trường. Hiện thời và sắp tới, chỉ riêng việc công ty chứng khoán lo đủ cơm ăn áo mặc cho nhân viên mà không phải đóng cửa thêm chi nhánh nào cũng là tốt lắm rồi.

Cơ hội cuối cùng mà giới chứng khoán chờ đợi chỉ còn là thái độ “quyết tâm” của Chính phủ. Hơn lúc nào hết, nếu không cứu chứng khoán (mà cụm từ này lâu nay đã dường như bị quên lãng), Chính phủ vẫn phải cứu doanh nghiệp, tức vẫn phải bơm tín dụng vào nền kinh tế trong nửa cuối năm 2012 để vãn hồi trật tự. Chứng khoán vì thế cũng có thể được hưởng lây từ các đối tượng khác.

Thế nhưng hy vọng trên lại nhận được những cái lắc đầu nhè nhẹ cùng tiếng thở dài mệt nhọc. Bây giờ mọi chuyện không giống như hồi 2009 nữa. Không còn thời vận của gói kích cầu đổ vào nền kinh tế thì ít mà vào thị trường đầu cơ lại nhiều hơn hẳn. Bây giờ đang là thời suy thoái, tiền bạc thiếu thốn. Cũng đến giờ, chẳng thấy tăm hơi của “dòng tiền tiết kiệm từ ngân hàng sẽ ồ ạt chảy vào kênh chứng khoán” như bao kỳ vọng bùng cháy trước đó.

Dòng tiền đã bị chặn đứng ngay tại ngưỡng cửa ra vào của thị trường. Mà với đặc tính của thị trường này, tiền đã không vào thì ắt phải ra. Cũng bởi thế, người ta chẳng mấy ngạc nhiên khi thanh khoản trên hai sàn giao dịch cứ giảm sút mỗi ngày một chút. Bóng ma cạn kiệt thanh khoản của nửa cuối năm 2012 lại như muốn hiện hình về.

Thật vậy, cho tới nay vẫn không nên loại trừ bóng ma ấy. Mới chỉ cách đây một tháng - vào đầu tháng 6/2012 - mọi chuyện còn chưa đến nỗi nào và người ta vẫn còn hy vọng là thị trường cùng lắm sẽ giảm điều chỉnh đến hết quý III.

Nhưng vào lúc này đây, những nhà đầu tư lo xa nhất lại đang trở nên có giá đối với chính họ. Đơn giản là họ đang suy ngẫm về thị trường theo cái cách mà một lớp nhà đầu tư Hoa Kỳ vẫn thường làm.

Đó là lồng ghép không khí chứng khoán vào những động thái… của nhà điều hành chính sách.

Theo Việt Thắng

Doanh nhân Sài Gòn

eZ Publish™ copyright © 1999-2024 eZ systems as