Nhịp đập Thị trường 04/07: Kéo xả thất bại

Thủ thuật kéo thị trường nhằm kích thích giao dịch tăng trưởng đã không mang lại kết quả, thanh khoản sau hơn 1h30’ giao dịch vẫn ở mức rất thấp. Giá cổ phiếu lần lượt đảo chiều đi xuống, chỉ số cũng thu hẹp biên độ tăng điểm.

Khoảng 10h40, cả hai sàn chỉ có khoảng 21 triệu đơn vị được giao dịch, tương đương gần 255 tỷ đồng, một con số thấp kỷ lục. Số lượng cổ phiếu tăng giá chỉ còn 88 mã tại HOSE và 51 mã tại HNX. Thay vào đó, tổng hai sàn có gần 170 mã giảm và trên 300 mã đứng yên.

Các bluechips lần lượt quay về mốc tham chiếu như MSN, VIC, VNM, HAG, SSI thậm chí giảm giá như GAS, QCG, GMD… riêng nhóm cổ phiếu ngân hàng, tài chính vẫn còn duy trì được sắc xanh như CTG, STB, EIB, PVF, VCB…

Mã PXT chỉ giảm nhẹ 100 đồng xuống còn 5,400 đồng/cp thay vì giảm sàn liên tục như các phiên trước. DPM giữ được mức tăng 0.3% đạt 33,700 đồng/cp.

Điều này giúp VN-Index vẫn tăng nhẹ khoảng 0.4 điểm, nhưng đã thu hẹp xuống còn 413.49 điểm.

HNX-Index giảm điểm từ vài phút trước khi các bluechips của sàn này lần lượt đi xuống mức tham chiếu hoặc giảm nhẹ như VND, SCR, KLS, VCG… Chỉ số này đã đánh mất mốc 69 điểm và hiện xuống còn 68.83 điểm. Giao dịch ì ạch chưa đến 10 triệu đơn vị, tương đương 89 tỷ đồng.

9h45: VN-Index vượt 415, nhiều lệnh bán treo giá cao

Trong khi HNX-Index lình xình quanh mốc tham chiếu thì VN-Index tiếp tục nới rộng biên độ tăng, tiến lên 415 điểm. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch trong vòng 45 phút vẫn không cải thiện nhiều.

VN-Index lúc 9h45 tăng khoảng 2 điểm, tương đương 0.49% đạt 415.12 điểm. Khối lượng giao dịch đạt 4.15 triệu đơn vị, trị giá 58 tỷ đồng.

Toàn sàn có 104 mã tăng giá, 38 mã giảm và 49 mã giao dịch ở mức tham chiếu.

Nhiều mã cổ phiếu hạng vừa và nhỏ bật xanh, thậm chí tăng trần nhưng lệnh bán giá cao vẫn chiếm ưu thế, trong khi bên mua lại dè dặt ở mức giá thấp.

Có thể kể một loạt cổ phiếu tăng trần như ASP, ANV, CCL, CMT, DTL, MCG, TYA, VTF, TNT… lệnh bán cũng ở giá trần hoặc trên tham chiếu, trong khi bên mua lại khá trống trãi. Thậm chí với TNT lượng dư bán giá trần lên đến 103 ngàn đơn vị, nhưng lệnh dư mua cao nhất chỉ có hơn 14 ngàn đơn vị.

Hầu hết cổ phiếu bluechips đều tăng giá, nhưng biên độ khá hẹp chỉ trừ HVG, VNM, GMD trong rổ VN30 giảm nhẹ. MSN, VIC, GAS, QCG… đứng mốc tham chiếu.

HNX giao dịch ảm đạm hơn nhiều so với HOSE. Chỉ số HNX-Index lúc 9h45 tăng nhẹ 0.04 điểm thay cho đà giảm ít phút trước. Giao dịch cũng chỉ đạt hơn 4 triệu đơn vị, trị giá gần 43 tỷ đồng. Số mã tăng giảm cũng khiêm tốn với 61/40 mã.

Mở cửa: Bật nhẹ nhờ yếu tố kỹ thuật?

VN-Index bật tăng nhẹ sau vài phiên sụt giảm liên tục nhờ sự hỗ trợ của một vài mã bluechips tăng giá, trong khi đó HNX-Index tiếp tục xu hướng giảm. Thanh khoản thấp tiếp tục là nỗi sợ của nhà đầu tư.

Mở cửa phiên giao dịch 04/07, VNM, VCB khởi sắc nhẹ và nhiều mã khác giao dịch ở mức tham chiếu giúp thị trường ngăn chặn đà rơi.

Đà tăng tiếp tục được củng cố ở đợt khớp lệnh liên tục khi BVH từ giảm chuyển sang tăng nhẹ 100 đồng lên 42,000 đồng/cp. Chỉ số tiến sát mốc 414 điểm. Tuy nhiên thanh khoản đến 9h20 cũng chỉ đạt xấp xỉ 1.5 triệu đơn vị, tương đương 21.5 tỷ đồng.

Giao dịch nhiều nhất là STB và đang đứng ở giá tham chiếu 22,000 đồng/cp. OGC, VOS, NVT, SMA dẫn đầu thị trường về thanh khoản.

Thị trường ghi nhận một số mã tăng giá nhiều phiên liên tiếp như NVT, LHG, TNT… trái lại SBS, DLG vẫn bị bán sàn ồ ạt.

Sàn HNX giảm nhẹ đầu phiên nhưng sau đó bật tăng nhẹ cùng với sàn thành phố. Các bluechips của sàn này tăng nhẹ như VND, PVX, SHB hoặc đứng giá giúp HNX-Index tăng khoảng 0.02 điểm.

FLC cũng tăng sau vài phiên giảm sàn, TAS tăng kịch trần trái lại PSG, AGC, MKV… lại giảm với lượng bán ra ồ ạt.

Giao dịch ở sàn này tương đương với HOSE nhưng giá trị lại thấp hơn đáng kể.

Viết Vinh (Vietstock)

eZ Publish™ copyright © 1999-2024 eZ systems as