Dòng vốn từ Singapore đang chực chờ vào Việt Nam

Ông Tony Tuấn tại PwC cho rằng, riêng ở Singapore những quỹ đầu tư nhỏ “size” 20 triệu 30 triệu USD đang tìm kiếm cơ hội ở VN khá nhiều.

Ông Tony Đặng Quốc Tuấn - Giám Đốc Bộ Phận Dịch vụ Thị trường vốn tại PwC Việt Nam, trước đó ông đã từng có một thời gian dài làm việc ở PwC Singapore. Ở PwC Singapore, ông Tony Tuấn cũng được phân công phụ trách thị trường Việt Nam, hỗ trợ các vấn đề kinh doanh về Việt Nam, bao gồm giới thiệu thị trường và hỗ trợ triển khai các đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng tại thị trường chứng khoán Singapore cho các công ty Việt Nam.

Trao đổi với chúng tôi, ông Tony Tuấn cho rằng: Riêng ở Singapore, nguồn vốn ngoại sẵn sàng đầu tư vào Việt Nam là rất lớn. Những quỹ đầu tư nhỏ “size” 20 triệu 30 triệu USD đang tìm kiếm nhiều cơ hội là khá nhiều. Vấn đề chỉ còn là doanh nghiệp trong nước quảng bá hình ảnh như thế nào.

Ông đánh giá thế nào về khả năng thu hút vốn ngoại của Việt Nam trong thời gian tới?

Hiện tại thị trường Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để đón nhận nguồn vốn ngoại mặc dù đang có cả những khó khăn và thuận lợi.

Khó khăn lớn nhất tại thị trường Việt Nam phải kể đến chính là lạm phát quá cao và tỷ giá biến động theo chiều hướng không tốt. Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam trong thời gian lạm phát cao sẽ gặp nhiều bất lợi như giá trị luồng tiền đầu tư giảm.

Tỷ giá biến động mạnh theo hướng bất lợi cũng là khó khăn lớn của nhà đầu tư. Giả sử, năm 2011 nếu tỷ giá biến gần 10% cộng lạm phát sẽ khiến nhà đầu tư một năm phải có lợi nhuận trên 25% hoặc 30% mới thu hồi được vốn.

Tuy nhiên, thị trường Việt Nam vẫn còn đó rất nhiều thuận lợi. Khủng hoảng kinh tế khiến cơ hội đầu tư ở hai thị trường lớn là Mỹ và Châu Âu giảm mạnh. Cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư chiến lược và các nhà đầu tư Châu Á hạn chế đáng kể. Vì vậy, nguồn tiền vẫn còn. Đây là cơ hội rất lớn cho Việt Nam.

Khoảng 2 - 3 năm trước đây, nhắc đến khu vực Châu Á là người ta nhắc đến Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam. Nhưng năm 2011, Indonesia là đất nước được nói tới nhiều nhất. Indonesia là nước được hưởng lợi hơn Việt Nam.

Hiện tại, nguồn vốn quốc tế đang chảy về Châu Á. Nếu giải quyết tốt vấn đề nội tại, vấn đề lạm phát và tỷ giá thì nguồn vốn đó sẽ đổ vào Việt Nam.

Còn đối với các doanh nghiệp thì điều gì khiến họ đang quan tâm đặc biệt

Các nhà đầu tư quan tâm đến tiềm lực thực sự của doanh nghiệp. Trong khó khăn, tiềm lực này không biến mất mà còn tạo cơ hội lớn cho cả nhà đầu tư trong và ngoài nước mua doanh nghiệp với mức giá rẻ hơn.

Tuy nhiên, vấn đề gây khó khăn nhất cho nhà đầu tư chính là chuẩn mực báo cáo tài chính. Hệ thống báo cáo tài chính được đánh giá là “không thể đọc được”. Nếu tuân thủ theo chuẩn mực báo cáo Việt Nam, báo cáo sẽ dựa vào nguyên giá hơn là dựa vào giá trị hiện tại và giá trị thực. Chúng ta không thể ghi giảm giá trị của một tài sản.

Chẳng hạn, mua nhà 2007, doanh nghiệp mua một ngôi nhà có giá 10 tỷ. Nhưng hiện tại, căn nhà đó chỉ bán được 7 tỷ. Nhưng sổ sách không thể ghi giảm. Đây là khó khăn của nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.

Bằng kinh nghiệm của mình, theo ông làm thế nào để doanh nghiệp nên làm thế nào để thu hút nguồn vốn ngoại trong bối cảnh hiện nay?

Tôi nghĩ các doanh nghiệp Việt Nam nên đầu tư cho quảng bá hình ảnh và tạo được kênh thông tin thu hút. Như tôi được biết, nhiều nhà đầu tư nhỏ ở Đông Nam Á đang tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Việt Nam nhưng họ gặp nhiều khó khăn để tiếp cận thông tin.

Còn diễn biến trên TTCK thời gian gần đây có ảnh hưởng đến quyết định của các nhà đầu tư nước ngoài không?

Nhà đầu tư chiến lược thường đầu tư trực tiếp vào công ty. Tại thị trường Việt Nam, một số quỹ trực tiếp mua bán chứng khoán nên diễn biến giá cả có ảnh hưởng đến quyết định của họ. Giá chứng khoán trên sàn giảm mạnh có thể giúp họ mua được các doanh nghiệp chưa lên sàn ở mức giá rẻ hơn.

Thực tế là hiện nay khối ngoại bán ròng khá nhiều, ông có cho rằng đó là động thái họ rút vốn khỏi thị trường Việt Nam?

Do ảnh hưởng biến động giá cổ phiếu, tâm lý nhiều nhà đầu tư bị ảnh hưởng. Tại một số thời điểm, đúng là họ có ý định rút vốn vì có thể họ tìm được cơ hội tốt hơn ở thị trường của họ hoặc công ty mẹ cần vốn.

Nhưng phân tích tổng quát thị trường vốn trong nước năm 2012 sẽ tốt hơn.

Bên cạnh đó, nhiều người còn lo ngại dòng vốn này sẽ bị rút vì năm 2012 sẽ thời hạn đóng của nhiều quỹ?

Các quỹ đầu tư có thời gian 5 đến 7 năm. Hết thời hạn, họ quyết định đóng hay không. Việc đóng quỹ không đơn thuần phải là bán tống bán tháo toàn bộ danh mục nên nguồn tiền của họ vẫn còn đó chứ không phải bán để mang tiền ra nước ngoài. Vấn đề chỉ là cơ hội nào dùng nguồn tiền đó bước tiếp theo.

Nghĩa là có rủi ro dòng vốn ngoại sẽ rời khỏi Việt Nam trong năm tới?

Rủi ro đó là có nhưng không cao vì tiềm năng của nền kinh tế Việt Nam vẫn khá lớn. Cần phải thấy rằng nếu họ rút vốn ra khỏi Việt Nam họ cần tìm nơi đầu tư mới. Trong Đông Nam Á, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn còn như đã nói ở trên, cơ hội đầu tư ở các thị trường lớn như Mỹ, Châu Âu đều đang rất hạn chế.

Nửa đầu năm 2012, nền kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn. Cơ hội giải ngân dòng vốn phụ thuộc vào khi nào lạm phát được kiềm chế, vấn đề tỷ giá được giải quyết. Nếu thực hiện nhanh, cơ hội sẽ đến nhanh hơn.

Trong khu vực, Indonesia từng đối mặt với tình trạng tương tự Việt Nam, khoảng 3 - 4 năm trước họ phát triển nóng, lạm phát cao. Họ mất hơn một năm để kiềm chế lạm phát. Hiện giờ Indonesia phát triển rất nhanh. Nguồn vốn vào đó rất nhiều. Việt Nam cũng đang trong xu hướng như vậy.

Xin cảm ơn ông!

Khánh Linh/Theo TTVN

eZ Publish™ copyright © 1999-2024 eZ systems as