Tỷ trọng cổ phiếu của các quỹ đầu tư lớn xuống dưới 50%

Nhà đầu tư toàn cầu cắt giảm tỷ trọng cổ phiếu xuống dưới 50% và chuyển sang tiền mặt trong tháng 8. Bên cạnh đó, giới đầu tư cũng tăng cường nắm giữ trái phiếu của Bắc Mỹ, Anh và ít hơn nữa là của Eurozone (vì Đức được xem là một nơi trú ẩn an toàn).

Kết quả cuộc thăm dò được Reuters tiến hành trên 57 tổ chức đầu tư hàng đầu tại Mỹ, châu Âu (trừ Anh), Nhật Bản và Anh cho thấy tỷ trọng cổ phiếu trung bình trong một doanh mục đầu tư cân bằng giảm xuống 49.2%, thấp hơn mức 52.2% trong tháng 7 đồng thời là mức thấp nhất kể từ tháng 2/2009.

Trong khi đó, tỷ trọng trái phiếu nắm giữ lại tăng từ 35.3% lên 36.1%. Tỷ trọng nắm giữ tiền mặt, kênh đầu tư được ưa thích trong giai đoạn khó khăn, tăng vọt từ 4.5% lên 5.8%.

Sở dĩ có sự dịch chuyển trên là do nhà đầu tư tháo chạy khỏi các tài sản rủi ro trước các dấu hiệu cho thấy nền kinh tế toàn cầu ngày càng suy yếu. Tháng qua cũng chứng kiến việc Mỹ bị Standard & Poor's hạ bậc tín nhiệm và cuộc khủng hoảng nợ Eurozone ngày càng trầm trọng.

Tính đến phiên giao dịch ngày thứ Ba, chỉ số MSCI Thế giới giảm khoảng 7.75% trong tháng 8. Do đó, chỉ số này có thể trải qua tháng điều chỉnh mạnh nhất kể từ tháng 5/2010 và tháng 8 tồi tệ nhất kể từ năm 1998. Được biết khi đó, MSCI Thế giới lao dốc hơn 14% trong suốt cuộc khủng tài chính tại Nga.

Đáng chú ý trong tháng qua, Deka Bank của Đức đã bán sạch lượng cổ phiếu đang nắm giữ. Ông Steffen Selbach, người đứng đầu bộ phận quản lý tài sản của Deka Bank cho biết: “Do những rối ren từ cuộc khủng hoảng nợ công và triển vọng tiêu cực của nền kinh tế, chúng tôi quyết định cắt giảm tỷ trọng cổ phiếu về mức 0%”.

Hoạt động của các quỹ đầu tư tại một số quốc gia và khu vực lớn trên thế giới trong tháng 8 (tính đến ngày 30/08):

Mỹ, Nhật Bản: Giảm nắm giữ cổ phiếu, tăng cường mua vào trái phiếu

Kết quả cuộc thăm dò trên 14 công ty quản lý quỹ tại Mỹ cho thấy tỷ trọng cổ phiếu nắm giữ giảm từ 65.4% xuống 63%. Tỷ trọng tiền mặt cũng giảm từ 2.7% xuống 2.6%. Trong khi đó, tỷ trọng trái phiếu trong danh mục tăng từ 27.6% lên 28.7%.

Tại Nhật Bản, các giám đốc quản lý quỹ giảm tỷ trọng cổ phiếu toàn cầu xuống mức thấp 12 năm và tăng tỷ trọng trái phiếu lên mức cao kỷ lục. Cuộc thăm dò trên 12 nhà đầu tư tổ chức tại Nhật cho thấy tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục giảm từ 43.3% xuống 42.1, mức thấp nhất kể từ tháng 1/1999. Tỷ lệ trái phiếu nắm giữ tăng từ 49% lên kỷ lục 49.6%, lượng tiền mặt nắm giữ cũng tăng từ 4.7% lên 4.9%.

Châu Âu, Anh: Giảm tỷ trọng cổ phiếu, tăng nắm giữ tiền mặt

Cuộc khảo sát trên 17 công ty quản lý quỹ châu Âu (trừ Anh) cho thấy tỷ trọng cổ phiếu trong một danh mục đầu tư cân bằng là 41.2%, mức thấp nhất trong một năm. Trong khi đó, tỷ trọng trái phiếu (bao gồm trái phiếu Chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp) đứng ở mức 41.9%, cao hơn so với mức 41% trong tháng 7 đồng thời là mức cao nhất trong một năm. Tỷ trọng nắm giữ tiền mặt tăng vọt từ 6.8% lên 10.4%.

Theo kết quả cuộc khảo sát trên 14 nhà quản lý quỹ tại Anh, tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục là 50.4%, thấp hơn so với mức 52.6% trong tháng 7. Trong khi đó, tỷ trọng trái phiếu tăng từ 23.5% lên 24.4%.

Tại Trung Quốc, các quỹ tương hỗ cũng cắt giảm tỷ trọng cổ phiếu xuống mức thấp nhất trong 14 tháng.

Phạm Thị Phước (Theo Reuters, CNBC)

eZ Publish™ copyright © 1999-2024 eZ systems as