Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEM: Tăng cường hội nhập kinh tế

Toàn cảnh Hội nghị

Ngày 16/6/2008, tại Jeju - Hàn Quốc đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEM.

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEM quy tụ 27 bộ trưởng hoặc thứ trưởng các nước EU và 16 đồng nhiệm từ châu Á để bàn về các vấn đề nóng như tiền tệ, lương thực và nhiên liệu, ngoài ra các bộ trưởng ASEM còn bàn việc tăng cường hội nhập kinh tế giữa hai bên.

Nhiều bộ trưởng thuộc EU cho rằng EU vẫn chưa thực hiện thành công tiến trình hội nhập kinh tế, điển hình là việc cử tri Ireland bác bỏ Hiệp ước Lisbon. Điều này châu Á nên rút kinh nghiệm vì hội nhập kinh tế sẽ mang lại lợi ích kinh tế nhiều hơn và giảm nguy cơ khủng hoảng.

Trong ngày làm việc thứ hai đã diễn ra nhiều cuộc thảo luận về các biện pháp giải quyết những thách thức kinh tế hiện nay như khủng hoảng tài chính toàn cầu, giá dầu mỏ và giá hàng hóa tăng mạnh….

Bộ trưởng Kinh tế Pháp Christine Lagarde kêu gọi các nền kinh tế châu Á thuyết phục người dân về những lợi ích của sự hội nhập kinh tế như tạo việc làm, tăng nguồn đầu tư... và thừa nhận châu Âu đã thất bại trong nỗ lực này. Ông nêu rõ một trong những sai lầm của châu Âu là không chú trọng đến khâu tuyên truyền.

Thứ trưởng Tài chính Hàn Quốc Choi Joong-Kyung cho rằng sự thất bại của châu Âu là bài học kinh nghiệm, đồng thời kêu gọi châu Á đẩy mạnh tốc độ hội nhập. Theo ông, cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 tại châu Á mặc dù gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế châu lục, song đồng thời cũng tạo ra một cơ hội vô giá để châu Á nhận thức được tầm quan trọng của việc “có hành động tập thể đối phó với các thách thức tài chính”.

Theo ông, do sự đa dạng của nền kinh tế châu Á nên châu lục này cần từng bước hội nhập để tiến đến một mô hình hội nhập đồng nhất. Cụ thể, châu lục đang bắt đầu tiến trình hội nhập thông qua các nhóm nước như ASEAN, Diễn đàn Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á.

Cố vấn đặc biệt về kinh tế của Tổng thống Hàn Quốc Sa Kong-il, đề nghị Đông Á nên thể chế hóa hợp tác tài chính nhằm giúp duy trì sự ổn định tài chính khu vực. Trước đó, các bộ trưởng Tài chính của 13 nước châu Á (gồm 10 nước ASEAN cùng Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc) đã nhất trí thành lập một quỹ ngoại tệ trị giá ít nhất 80 tỷ USD để sử dụng trong trường hợp xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính của khu vực.

Huệ Ân (tổng hợp)

eZ Publish™ copyright © 1999-2024 eZ systems as