Đưa vốn đến người sản xuất: Kẻ no người đói !

Theo sách giáo khoa, chức năng cơ bản của ngân hàng là đưa vốn đến người sản xuất ra của cải vật chất (DN và người dân). Chức năng này được Chính phủ đang định hướng lại cho rõ hơn bằng một loạt chính sách gần đây.

Để đánh giá khu vực ngân hàng phát triển đến mức nào, phục vụ tốt như thế nào cho khu vực sản xuất, các nhà kinh tế có tham chiếu mức chênh lệch lãi suất đầu vào đầu ra (interest rate spread). Nếu mức chênh lệch này càng nhỏ, chứng tỏ hệ thống ngân hàng hoạt động hiệu quả. Ngược lại, nếu mức chênh lệch này càng lớn chứng tỏ ngân hàng hoạt động kém hiệu quả trên phương diện kinh tế xã hội. Một số nhận xét khắt khe hơn cho là khi chênh lệch lãi suất quá lớn có nghĩa là các ngân hàng đang ăn mòn tài sản xã hội.
Lãi suất đầu vào giảm, còn lãi suất đầu ra ?
Tại VN, gần đây các ý kiến ngân hàng cho rằng cần mức chênh lệch lãi suất khoảng 3 % (đầu ra so với đầu vào) thì mới bảo đảm hoạt động bình thường. Lần theo lịch sử, cách đây gần 20 năm về trước, Chính phủ cũng đã từng khống chế mức chênh lệch này không quá 3,5% và các ngân hàng vẫn hoạt động tốt. Như vậy mức chênh lệch lãi suất hiện nay mới giảm được 0,5% so với 20 năm về trước và do đó có thể nhận thấy hoạt động của ngân hàng chưa tiến triển được nhiều.
Nhiều lần các ngân hàng đã cam kết lãi suất huy động ở mức thấp và mới đây là 14% (trước khi NHNN có quy định chính thức) thì các ngân hàng vẫn cho vay với lãi suất rất cao, từ 18% đến 23%. Cá biệt có một số ngân hàng sau khi có trần lãi suất huy động vẫn tăng lãi suất cho vay cao hơn. Một số giải thích cho rằng, lãi suất cao là do lạm phát cao. Tuy nhiên, quan điểm chuyên gia kinh tế cho rằng với mức chênh lệch lãi suất hiện nay, thì phải có trần lãi suất cho vay cùng với trần lãi suất huy động để đảm bảo sự công bằng của thị trường. Với tình hình thực tế như trên thì mức trần lãi suất cho vay cũng không được quá 17%/năm hoặc thấp hơn càng tốt.
Điều đáng chú ý rằng, lãi suất ngân hàng cao lại diễn ra cùng với mức lợi nhuận của khu vực ngân hàng năm 2010 cũng khá cao. Có nhiều ngân hàng tuyên bố lợi nhuận hàng ngàn tỷ và đạt tỷ lệ rất cao. Mức lương của Tổng giám đốc và Chủ tịch HĐQT, lương nhân viên cũng cao ngất ngưởng và khác xa lương của khu vực sản xuất.
Nhìn ra nước ngoài, nhớ lại năm 2009, nhiều nước trên thế giới đã tỏ thái độ với vấn đề lương thưởng quá cao của các lãnh đạo ngân hàng. Gần đây nhất, ngày 4/3/2011, ông Mervyn King -Thống đốc NHTƯ Anh (BOE) cũng có ý kiến về vấn đề lương thưởng cao của các ngân hàng và cho đây là một nguyên nhân của nguy cơ khủng hoảng ngân hàng mà nước Anh đang phải đối mặt hiện nay. Thống đốc BOE có thái độ rằng: “Tại sao các ngân hàng muốn trả tiền thưởng ? Vì các ngân hàng này đang tồn tại trong một thế giới có quan niệm “quá lớn thì không thể sụp đổ” và trong thế giới đó, Chính phủ thường có giải cứu các ngân hàng rơi vào khó khăn”.
Thông tin cho biết, tại Anh Quốc đã có làn sóng chỉ trích của công chúng về vai trò của các ngân hàng trong cuộc khủng hoảng tài chính. Do đó gần đây, Chính phủ Anh đã yêu cầu các ngân hàng lớn nhất nước không chi trả tiền thưởng mà tăng cường hoạt động cho vay DN.
Định hướng phù hợp thực tế
Nguyên lý tài chính cho rằng, nguồn vốn tín dụng là nguồn tài nguyên khan hiếm, do đó nền kinh tế phải sử dụng một cách hết sức cẩn trọng. Các nhà kinh tế cũng quan niệm rằng, nếu ngân hàng tập trung nhiều vốn cho khu vực phi sản xuất có nghĩa là nền kinh tế đang thừa tiền - tình trạng này càng làm nền kinh tế rủi ro và nguy cơ lạm phát gia tăng... Điều này càng đúng khi khu vực DN thiếu vốn cho sản xuất trong khi ngân hàng quá no vốn.
Theo Nghị quyết 11, năm 2011, Chính phủ chủ trương thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng. Gần đây, NHNN đã có thông điệp rất rõ ràng về chủ trương này. Cụ thể, NHNN sẽ điều hành giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2011 dưới 20%, tổng phương tiện thanh toán khoảng 15-16%. NHNN cũng đưa ra các chính sách, biện pháp nhằm ưu tiên vốn tín dụng cho sản xuất nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DNNVV. Đặc biệt NHNN sẽ có giải pháp chính sách và chỉ đạo các ngân hàng giảm tốc độ và tỷ trọng vay vốn tín dụng của khu vực phi sản xuất, nhất là chứng khoán và bất động sản.
Tại VN, theo thông tin từ cơ quan chức năng, dư nợ cho vay phi sản xuất của hệ thống ngân hàng đạt khoảng 18% tổng dự nợ (bao gồm chứng khoán, bất động sản) và đó là mức không đáng quan ngại. Tuy nhiên cơ quan này cũng cho biết, có khá nhiều tổ chức đã cho vay phi sản xuất lên tới 50% tổng dư nợ. Tỷ lệ này tồn tại trong điều kiện cơ cấu nguồn vốn ngắn hạn chiếm tỷ trọng rất lớn trong hệ thống ngân hàng thì các ngân hàng đó là chứa đựng rủi ro thanh khoản lớn và người có kinh nghiệm dễ dàng suy đoán nơi đó có thể là ngòi nổ “lãi suất huy động cực cao”.
Trước tình trạng này, NHNN đã đưa ra Chỉ thị 01/NHNN-CT ngày 1/3/2011 yêu cầu các ngân hàng phải thực hiện giảm tốc độ và tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất so với năm 2010, nhất là lĩnh vực bất động sản, chứng khoán theo lộ trình khá rõ ràng: Đến 30/6/2011, dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất so với tổng dư nợ của một ngân hàng tối đa là 22% dư nợ; đến 31/12/2011, tỷ trọng này tối đa là 16% dự nợ. Nếu tổ chức tín dụng chưa thực hiện được tỷ trọng này theo lộ trình, NHNN sẽ áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc gấp 2 lần so với tỷ lệ dự trữ bắt buộc chung đối với tổ chức tín dụng và có biện pháp hạn chế phạm vi hoạt động kinh doanh của ngân hàng đó trong 6 tháng cuối năm 2011 và năm 2012. Các ngân hàng phải thay đổi kế hoạch kinh doanh năm 2011 cho phù hợp với mục tiêu tốc độ tăng tín dụng dưới 20% so với 2010 và các chỉ tiêu tín dụng cho sản xuất...
Rõ ràng định hướng này là phù hợp với thực tế hiện nay, đảm bảo tín dụng tập trung cho sản xuất, nếu cộng với lãi suất thấp hợp lý, khu vực sản xuất sẽ được vực dậy, giá cả hợp lý và cân đối tiền hàng sẽ dần được lập lại... khi đó lạm phát sẽ trong tầm kiểm soát.

Ths Lê Văn Hinh/ DDDN

eZ Publish™ copyright © 1999-2024 eZ systems as