Giá các mặt hàng thiết yếu : “Bình” nhưng chưa “ổn”

Bước vào năm thứ 3 thực hiện chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh, dự kiến Hà Nội sẽ tăng cả về chi phí, quy mô lẫn thời gian thực hiện nhằm giúp người dân tiếp cận các mặt hàng có giá thấp hơn với giá thị trường.

Tuy nhiên, việc bình ổn giá sẽ trở nên hiệu quả và thiết thực hơn nếu việc tăng tiền bình ổn phải đi cùng với việc đổi mới, khắc phục những điểm còn bất cập trong thời gian qua...
Nhiều bất cập
Từ 250 tỉ đồng bình ổn giá của năm 2009, năm 2010 số tiền bình ổn cho 9 mặt hàng thiết yếu như gạo, rau xanh, thịt, đường... được tăng gấp rưỡi với 400 tỷ đồng với tới gần 400 điểm bán hàng bình ổn trên địa bàn. Chương trình sẽ kết thúc và thu hồi vốn để tiếp tục thực hiện gối trong quý 1/2011 với nhiều điểm mới. Tuy nhiên, nhìn lại chương trình bình ổn của năm 2010, nhiều người tiêu dùng vẫn chưa thực sự quan tâm.
Chị Thanh Lê – phố Hàng Trống là khách hàng quen của hệ thống cửa hàng bình ổn nói: “Một số cửa hàng hạn chế về rau xanh, thủy hải sản tươi sống gần như là vắng bóng nên nhiều khi vẫn phải chạy qua chợ...”. Trường hợp khác, giáp Tết đến nhà con gái ở khu Hào Nam, bác Nguyễn Thị An (Phù Đổng – Gia Lâm) mới biết là có cửa hàng bình ổn, giá bán thấp hơn giá thị trường. Lý do rất đơn giản, nhà bác ở khu vực ngoại thành, cửa hàng bình ổn giá chưa vươn tới nên chưa có cơ hội tiếp cận với các mặt hàng giá thấp. Thậm chí có thời điểm một số hàng bình ổn giá bán cao hơn giá mặt hàng tương tự trên thị trường từ 10 – 16%.
Người tiêu dùng chưa hài lòng nhưng các DN – đơn vị thực hiện chủ trương này cũng có cái lý của họ. “Yêu cầu đặt ra khi bình ổn giá là phải bán thấp hơn giá thị trường 10% nhưng giá thị trường ở đây dựa trên giá tại chợ hay tại BigC, Metro để làm chuẩn ? Nếu dựa vào giá chợ thì không ổn vì hàng hoá ở đây không phải đóng thuế nên khá linh hoạt” – bà Mai Khuê Anh, đại diện Hapro cho biết. Do sự chênh lệch giá nên ở một số thời điểm, hàng bên ngoài đắt hơn hàng bình ổn nên đã xảy ra hiện tượng “dân phe” săn hàng bình ổn, xếp hàng vào siêu thị mua đồ đưa ra bán ở chợ, ăn chênh lệch. Để khắc phục tình trạng này, siêu thị, cửa hàng đến trưa – chiều mới mang hàng bình ổn ra bán lại gây khó khăn cho người tiêu dùng.
Chưa hết, bà Vũ Thị Hậu – Phó tổng giám đốc Cty CP Nhất Nam, đơn vị quản lý chuỗi siêu thị Fivimart cho rằng, việc đăng ký mặt hàng bình ổn phải là mặt hàng doanh nghiệp có doanh thu cao, đăng ký mặt hàng doanh thu thấp mà lại được vay nguồn vốn hỗ trợ lớn là bất hợp lý.
Khắc phục như thế nào ?
Nhận định trong thời gian tới thị trường sẽ có nhiều biến động: nhiều mặt hàng thiết yếu tăng giá do các yếu tố đầu vào: xăng dầu, điện, nguyên liệu... tăng mạnh nên theo dự kiến, Hà Nội tăng thêm chi phí cho chương trình bình ổn giá từ 400 lên 500 tỷ đồng; kéo dài thời gian bình ổn trong cả năm và mở rộng hệ thống cửa hàng trải ra các địa bàn ngoại thành. 9 mặt hàng thiết yếu tiếp tục được bình ổn với giá bán ổn định và thấp hơn so với giá thị trường. Ngoài ra, Sở Công Thương HN đưa các điểm bán hàng ra ngoại thành; chấn chỉnh như treo biển hiệu, bố trí quầy hàng, niêm yết giá đầy đủ và có người bán túc trực... Để có chính sách giá tốt và đúng là bình ổn giá, năm nay cơ chế giá sẽ được tính toán hợp lý, trong đó sẽ khắc phục tình trạng bán hàng bình ổn cao hơn giá thị trường...
Đồng tình với quan điểm cho rằng không chỉ khơi thông nguồn cung, hàng hóa dồi dào sẽ góp phần giảm nhiệt giá cả và bình ổn thuận lợi hơn, ông Vũ Vinh Phú – Chủ tịch Hội siêu thị HN cũng nhấn mạnh đồng thời đến việc phát huy tính cạnh tranh chủ động của hệ thống phân phối và bán lẻ khi tham gia bình ổn giá.
Nói cách khác, bình ổn giá hiện nay cần phải thay đổi về cách thức tổ chức. Bình ổn giá bằng biện pháp hành chính khi mà nguồn cung cho thị trường hạn chế hoặc không có thì khó mang lại hiệu quả như mong muốn. Việc can thiệp hành chính vào mối quan hệ cung - cầu nhưng thiếu kiểm soát sẽ không đem lại hiệu quả như mong muốn, đôi khi còn lãng phí nguồn lực. Suy cho đến cùng dù có tăng thêm 100 tỷ đồng nữa thì số tiền này cũng chỉ là “muối bỏ bể” ở thị trường rộng lớn như HN.
Trao đổi về vấn đề này, ông Phú cho rằng, để tăng sức hấp dẫn của chương trình và tạo sức hút cho DN, tốt nhất cứ nên để các DN cạnh tranh sòng phẳng. DN nào cạnh tranh tốt, giá đầu vào thấp thì đầu ra cũng phải thấp hơn. Mỗi DN có chiến lược cạnh tranh riêng, mức giá đầu vào khác nhau thì giá bán ra cũng khác nhau, không thể áp đặt mức giá bình ổn cụ thể, chung cho tất cả đầu mối. Như thế, người tiêu dùng hưởng lợi bởi cứ chỗ rẻ là đến mua. Đơn vị phân phối chiết khấu, giảm giá bao nhiêu giá trị hàng hoá bình ổn ngay trên hoá đơn của người mua hàng, rồi đem hoá đơn này thanh toán với cơ quan quản lý. DN nào bán được nhiều hàng thì được hỗ trợ bình ổn nhiều. Rõ ràng như vậy thì rất công bằng, minh bạch đối với cả người bán và người mua.
Cái được khác mà DN cũng rất hứng thú là nhờ có chính sách giá tốt, họ sẽ tự thu hút khách hàng thân thiết cho mình. Đây cũng chính là cách mà một số siêu thị, trung tâm mua sắm không nằm trong diện bình ổn giá của TP nhưng lại thực hiện rất thành công các các chương trình bình ổn, hỗ trợ giá cho người tiêu dùng mà họ tự triển khai.
Cầm Kỳ/ DDDN

eZ Publish™ copyright © 1999-2024 eZ systems as