itaexpress / Tin ITA / Bạn đọc viết / Cảm nhận / Núi Mẹ

Núi Mẹ

Nguồn: www.quangngai.gov.vn

Những người sống ở Hà Nội, không ai là không biết đến núi Nùng, sông Tô. Quê tôi cũng có núi, có sông nhưng núi không có tên, sông không có tuổi.

Nhà tôi nằm ngay dưới chân một ngọn núi nhỏ, xen kẽ giữa dãy núi chạy dài dọc cái phố huyện vắng vẻ. Ngày tôi về Hà Nội học đại học, háo hức đi tìm núi Nùng, sông Tô cho vơi bớt nỗi nhớ nhà nhưng tìm được rồi, lòng lại cảm thấy thất vọng vì không như mình tưởng tượng. Núi Nùng nhỏ xíu, thấp như một quả đồi nhỏ nhất ở quê tôi, nằm giữa một rừng cây nhân tạo. Còn sông Tô, hóa lại là con sông thiếu mỹ quan nhất mà tôi được biết, chạy dọc suốt một con đường dài chừng mười cây số. Tôi trèo lên đỉnh núi Nùng chẳng khó khăn gì, khác hẳn ngọn núi sau nhà, mỗi lần lên đến nơi lại ngồi thở dốc. Dẫu sao, cái danh từ “núi” cũng gợi cho tôi bao hồi ức về nơi tôi khôn lớn. Những chiều trời âm âm u u, tôi ra núi Nùng chơi, lại nhớ mẹ quay quắt. Không biết trên thế gian này, có người phụ nữ nào như mẹ tôi?

... Hết chiến tranh, cha trở về từ chiến trường, vẹn nguyên hình hài thân xác. Mẹ mừng mừng tủi tủi, lặng im bên cha, mắt ầng ậng nước, không nói được câu gì. Tôi khi ấy ba tuổi, đứng giữa nhà, nhìn cha đầy lạ lẫm. Rồi cha lên đường với chiếc ba lô con cóc ngay sáng hôm sau, để lại ba chị em tôi cho mẹ. Tiếng khóc của thằng T. khi ấy chưa tròn tuổi cũng không đủ sức níu giữ chân cha.

Thúng rau đủ loại được nhặt nhạnh từ bốn góc vườn vào mỗi buổi sớm mai là nguồn nuôi dưỡng chị em tôi khôn lớn. Bữa trở trời, mẹ ốm, một trong số chúng tôi thay mẹ quẩy thúng rau ra chợ, thu về số tiền chỉ đủ cho mẹ mua thuốc trong ngày. Món cháo loãng dành cho mẹ bồi bổ chỉ duy nhất một vị mằn mặn của muối mà ngay người khỏe như ba chị em tôi cũng không sao nuốt nổi. Tôi không nhớ chính xác đã qua bao nhiêu bữa ăn không có mâm cơm, chỉ có bốn cái đầu chụm lại quanh chiếc nồi và những tiếng húp cháo xì xoạp, những nụ cười có vị mặn của nước mắt... Tất cả theo chúng tôi suốt những năm tháng trên giảng đường đại học.

Khi chúng tôi về Hà Nội học đại học, mẹ đưa cho mẩu giấy có ghi địa chỉ của cha, và không quên dặn: “Gặp cha, dù cha có nói thế nào cũng không được cự cãi với cha”. Nhưng chẳng ai trong chúng tôi tìm gặp cha mình. Mỗi khi chúng tôi về nhà, mẹ ân cần hỏi han về chuyện học hành, về cuộc sống sinh viên đạm bạc, rồi đầy háo hức hỏi thăm về người đàn ông đã bỏ rơi mẹ gần 20 năm. Bao giờ chúng tôi cũng lảng tránh, không trả lời. Và mỗi lúc như thế, mẹ chỉ biết quay đi nén tiếng thở dài, rồi nói rất khẽ: “Hãy tha thứ cho ông ấy!”.

Năm tháng qua đi, mỗi chúng tôi lập nghiệp ở một phương trời, nên cũng có ít thời gian về thăm mẹ. Tôi sống ở Hà Nội, gần mẹ nhất, nhưng cũng một vài tháng mới có thể về thăm mẹ một lần. Mẹ không chịu theo đứa nào, một mình ở lại ngôi nhà nhỏ bên chân núi. Hình như mẹ muốn lưu giữ những kỷ niệm đẹp về cha. Khi tôi về, thường hay nhìn thấy hình ảnh mẹ ngồi chải tóc. Ánh mắt vời vợi về một khoảng trời vô hình. Trông thấy đứa nào về, mẹ cũng rơm rớm nước mắt, hết ôm chúng tôi vào lòng, lại nắn chân, nắn tay xem chúng tôi gầy hay béo, yếu hay khỏe. Trước khi chúng tôi ra đi, bà lại dặn: “Tha thứ cho ông ấy, tội nghiệp!”.

Núi xưa vẫn còn, vẫn chưa có ai đặt tên cho. Mẹ tôi giờ đã đi xa. Tôi cũng không còn những ngày trèo lên đỉnh núi mà thương nhớ, ngóng về mẹ nữa, nhưng nó mãi ngự trị trong lòng tôi - ngọn núi không tên đã gắn liền với ký ức tuổi thơ của tôi: Núi Mẹ!

Vũ Thị Huệ