Sinh viên Việt ở Malaysia
Việc học tập ở nước bạn khác với VN là chỉ thi cuối kỳ, khiến sinh viên có thể chơi thoải mái và chỉ lúc thi mới học; ở Malaysia bắt buộc SV phải làm việc vì trường kiểm tra liên tục.
Gương mặt đẹp, rằng rỡ, giọng tiếng Anh khá chuẩn, lưu loát... thoạt nhìn, cứ ngỡ cô MC của chương trình giao lưu giữa đoàn công tác giáo dục Việt Nam với các trường đại học Malaysia là người nước ngoài.
Đến khi Mai Kim Thoa tự giới thiệu về bản thân bằng tiếng Việt mới biết cô gái duyên dáng kia là người Việt Nam.
Thoa đã chinh phục được các bạn đến từ nhiều nước trên thế giới bằng kết quả học tập, sự năng động, và cũng như bao bạn trẻ Việt Nam khác (khoảng gần 800 người) đang du học tại Malaysia, cô đang ngày đêm chịu thương chịu khó, nỗ lực học tập để chờ ngày hái quả ngọt, trở về góp phần làm giàu cho đất nước.
Kim Thoa (người Sài Gòn nhưng quê gốc ở Bắc Giang) học ngành du lịch khách sạn ở ĐH-CĐ Taylor’s đã được 3 năm.
Cô đã hoàn thành bậc ĐH và hiện đang ở năm đầu tiên của chương trình cao học. Lý do cô chọn trường này là ĐH Taylor’s nhập chương trình, sách giáo khoa của các nước Anh, Pháp, Mỹ và cấp bằng của các nước đó, là nơi mà cô có thể học cái hay cái đẹp để về nước góp phần quảng bá hình ảnh xinh đẹp của VN tới bạn bè quốc tế.
Không như ở VN, sinh viên thường giỏi lý thuyết hơn; ở đây, trong quá trình học tập học sinh được cử đến các Cty để thực hành (trong 3 năm học ĐH Thoa có hơn 1 năm thực tập ở các khách sạn).
Điều Mai Kim Thoa thích nhất là bài kiểm tra của các sinh viên được đưa sang tận Pháp để giáo viên chấm, và cô có thể so tài cùng sinh viên nhiều nước khác.
Nói thì ngon ăn thế nhưng sự cạnh tranh trong học tập của các sinh viên khá khốc liệt. Lớp học của Thoa có 36 người, riêng môn Tài chính chỉ có 10 người thi đậu kỳ kiểm tra; 26 người còn lại phải học, đọc, thực hành ở các Cty để thi lại.
Ngoài học tập, Kim Thoa đã lọt mắt xanh Ban Giám hiệu và được nhận làm trợ lý các dự án.
Công việc 5 ngày trong tuần của cô, ngoài việc học, là giải quyết các vấn đề liên quan đến các đề tài nghiên cứu, các đề án, thu thập thông tin, liên hệ với các đối tác với mức lương 300-400 USD một tháng. Vất vả là thế nhưng Thoa lúc nào cũng nở một nụ cười tươi và đứng trong nhóm top ở trường.
“Nhìn chung sinh viên VN thường đứng ở top” là lời khẳng định của Nguyễn Thái Minh, sinh viên ngành hệ thống điện (ĐH Năng lượng quốc gia Malaysia) theo học ở nước bạn bằng học bổng của Tập đoàn Điện lực VN dành cho con em đi học nước ngoài để về phục vụ ngành.
Để đạt được thành tích học tập như trên không dễ dàng chút nào. Ngày làm việc của Minh bắt đầu từ 9 giờ sáng và kết thúc vào 2-3 giờ sáng, có hôm là 4 giờ sáng.
Việc học tập ở nước bạn khác với VN là chỉ thi cuối kỳ, khiến sinh viên có thể chơi thoải mái và chỉ lúc thi mới học; ở Malaysia bắt buộc SV phải làm việc vì trường kiểm tra liên tục.
Đặng Việt Cường (ngành CNTT, ĐH-CĐ INTI) còn trổ tài nấu những món xào, kho, luộc trong các bữa ăn để giữ mức chi tiêu 50-70 USD/tháng, đỡ gánh nặng của gia đình ở nhà.
Bà Đào Liên Hương, Giám đốc Cty du học Quốc Anh (IEC), người chắp nối cho cuộc gặp gỡ (từ ngày 10 đến 14/12/2007 tại Malaysia) giữa ông Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng GD&ĐT, nay là Chủ tịch hiệp hội các trường ĐH ngoài công lập ở VN và một số đại diện các trường ĐH dân lập VN với các trường ĐH tư thục Malaysia cho biết:
Malaysia chưa phải là một nước mạnh về giáo dục nhưng họ đã rất mạnh dạn xuất khẩu nền giáo dục của mình sang các châu lục (hiện có tới hơn 60 nước gửi sinh viên sang du học tại đây).
Giáo dục Malaysia có điểm mạnh là sự cạnh tranh về giá cả (chỉ khoảng 20.000 USD học phí cho một bằng ĐH và một số tiền tương tự cho bậc cao học, thậm chí chỉ 10.000 USD tuỳ thuộc vào ngành học), sự thân thiện về con người, giáo dục bằng tiếng Anh và bằng cấp được quốc tế công nhận.
Theo Hồ Thu (Tiền Phong)
Tin đã đăng
- Trọ học tại Singapore
- Du học: Đường về có hẹp?
- Du học châu Âu: Chân trời mới, lựa chọn mới...
- Du học Anh: chọn dự bị ĐH hay A-level?
- Sinh viên Việt Nam rất chăm chỉ nhưng nóng vội
- Để luôn nhớ mình là SV Việt
- Du học sinh VN ở Hàn Quốc
- Sức hút của giáo dục Mỹ đang trở lại
- Gian nan du học tự túc ở Nhật
- VN lọt vào Top 20 về số sinh viên ở Mỹ