Ăn mày vì con
Tai hoạ bắt đầu giáng xuống gia đình anh Trương Mãi, xóm Bún, thôn Nam, đội 1, xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế vào năm 1993. Tận cùng khổ cực, muốn nuôi các con, anh đành làm nghề hát rong ăn mày...
Ngày ấy, vợ chồng anh Mãi, chị Hiến dù nghèo nhưng cuộc sống vẫn tạm đủ. Sinh nở được 3 đứa con, anh đi làm thuê, chị bán hàng vặt ở chợ, đủ ăn, hạnh phúc. Nhưng rồi, anh Mãi bị bệnh hiểm nghèo, phải phẫu thuật cắt bỏ từng phần của tứ chi. Với 19 lần phẫu thuật, anh trở nên tàn phế: cụt hai chân, một tay, còn cánh tay cuối cùng thì cũng bị cắt bỏ đến nửa bàn.
Tình cha
Cho tới khi phải cắt bỏ hai chân và một tay, anh Trương Mãi đã nghĩ đến cái chết, nhưng không chết được vì vợ anh phát hiện anh uống thuốc chuột, đã đưa đi cấp cứu kịp thời. Chị Hiến nghĩ đến chuyện này vẫn còn nghèn nghẹn: "Tui ôm anh từ viện về, nói, nếu không còn đường sống thì vợ chồng con cái cùng chết, anh không thể chết một mình như rứa được.
Ngày đó cực dễ sợ. Ba đứa con thì còn nhỏ, chưa làm chi, lại còn đi học, mà anh Mãi thì dứt khoát phải cho các con đi học. Tui bán cháo bánh canh, bánh bột lọc, mỗi ngày lết từ đầu chợ đến cuối chợ cũng chỉ kiếm được vài chục ngàn thôi. Anh Mãi nằm ở nhà, có mặt tui, anh giả vờ trò chuyện, cười cợt, vắng tui, anh ấy khóc".
Rồi một ngày, xóm Bún bỗng vang lên tiếng loa máy, tiếng hát. Bà con ngạc nhiên. Hoá ra anh Mãi quyết định vay mượn mua bộ ampli, loa, máy hết một triệu đồng, rồi bắt đầu ngồi nhà tập hát. "Bế tắc lắm rồi anh nờ, không hát rong ăn mày thì mần chi đây. Đêm nớ tui tập hát ở nhà. Mấy đứa con nhỏ dại thấy cha mình hát hò thì nhăn răng cười, vợ tui thì chúi mặt trong vách nhà nằm khóc nhưng không phản đối. Mấy đêm liền tui không ngủ được. Trời ơi, đời mình giờ thành thằng hát rong ăn mày rồi à? Cảm giác đau đớn, ngượng ngùng, ngao ngán xâm chiếm tâm trí tui. Nghĩ tới nghĩ lui mình vẫn là thằng đàn ông trong nhà, là người cha, người chồng, mình không thể ăn bám, không thể bó tay được. Tật nguyền tứ chi thì đi ăn mày thôi. Nuôi con cái đã....".
Vợ chồng anh Trương Mãi |
Anh Trương Mãi không quên được ngày đầu tiên anh đi hát rong ăn mày: ngày 28.7.2004. Anh kéo đứa con gái theo cùng. Hai cha con ra ngay chợ làng. Anh hát bài đầu tiên trong đời hát rong của mình: "Tình cha ấm cúng như vầng thái dương. Ngọt ngào như dòng nước trên đầu nguồn...". Con gái anh oà khóc. Nhiều người làng nhìn thấy tình cảnh cha con anh như vậy, cũng không cầm được nước mắt. Anh cũng khóc theo.
"Nhưng tui cố gạt nước mắt để hát cho rõ lời: Suốt đời vì con gian nan, ơn tình đậm sâu bao nhiêu. Cha hỡi cha già dấu yêu...". Ngày hôm đó, cha con anh được bà con cho 180 ngàn đồng, số tiền "khổng lồ" so với thu nhập lâu nay của gia đình anh. Ngày thứ nhất hát rong kết thúc, anh khản tiếng, mệt rã rời, nhưng có tiền...
"Tui nói với vợ và 3 đứa con: Khổ cực mấy cha cũng sẽ tiếp tục hát rong nuôi cả nhà. Từ nay các con phải học. Thương cha thì các con phải học giỏi. Rứa thôi. Không bàn bạc chi nữa. Từ ngày mai cha đi hát rong...".
"Thấy con học giỏi mà... sợ"
Sau ngày "khai trương" nghề hát rong được 180 ngàn đồng, nhiều ngày tháng sau đó, mỗi ngày chỉ năm ba chục ngàn, và anh phải đi hát rong ăn mày tất cả các chợ trong tỉnh, sang cả tỉnh bạn, hát tận Tây Nguyên, hàng tháng trời mới về nhà một lần. Chị Hiến ở nhà lo cơm nước cho 3 đứa con, mỗi sáng bán thêm cháo, bánh kiếm vài chục ngàn đồng lãi, đủ mua gạo và mắm muối... Tiền anh Mãi gửi về, anh chị dồn vào tiền học phí, tiền sách vở giấy bút cho các con ăn học.
"Lạ đời dễ sợ chú ạ. Tui cứ nghe các bác, các o trong xã phàn nàn chuyện học hành của con cái. Nhà người ta đầy đủ, ăn no, mặc ấm, cái chi cũng có lại học không được. Ba đứa con tui, bữa no bữa đói, áo quần chưa đủ lành lặn rứa mà đứa mô cũng học giỏi. Thấy mấy đứa con học giỏi mà sợ quá. Răng không sợ hả chú. Nếu con nó học không được, hết cấp 2 có thể thôi học, ở nhà kiếm việc làm, đỡ đần cho cha mẹ. Chừ, đứa mô học cũng giỏi, lên lớp ào ào, học một lèo đến cấp 2, cấp 3, học giỏi thì phải cho con theo học tiếp, răng nỡ bắt nó nghỉ học được. Các con càng lớn, học càng cao, vợ chồng tui càng khó khăn...".
Cuốn sổ chép bài hát của anh Trương Mãi |
Anh Trương Mãi húng hắng ho, nhìn tôi, ánh mắt anh long lanh vui: "Thằng con trai đầu của tui thi một cái là đỗ đại học luôn chú ạ. Hiện cháu đang học Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Tui nhớ, ngày cháu thi đại học về nhà, nằm vật ra giường khóc. Tui hoảng quá, tưởng con không làm được bài. Hắn ôm tui, khóc mếu máo: "Cha ơi, con làm bài được hết, nếu mà đỗ thì mần răng cha?". Tui quát: "Đỗ thì sướng cả nhà chớ răng nữa. Cả làng ni mấy năm nay có đứa mô đỗ đại học?". Thằng con tui khóc: "Nhưng nhà mình nghèo, con lấy tiền mô đi học?". Tui cà cà khuôn mặt đẫm nước mắt của mình lên mái tóc của con trai: "Cha đi hát rong kiếm tiền nuôi con học đại học không được à? Được quá đi chớ? Phải không?".
Ngày cháu có giấy báo đỗ đại học, bà con làng xóm đến đông lắm. Mỗi người cho vài ngàn, vài chục ngàn, động viên cháu nhập trường. Hai đứa em gái của nó nhìn tui: "Cha ơi, tới đây các con cũng thi đỗ đại học nữa, cha có nuôi được không cha?". Vợ tui tái mặt nhìn tui. Tui cười, nói như hô khẩu hiệu: "Nuôi được hết. Cùng lắm thì cha hát cả ngày lẫn đêm xin tiền là được chớ gì?". Cả nhà tui nhìn nhau cười. Nhưng cười rứa thôi, nỏ ai lại cầm nổi nước mắt"...
Sẽ đến một ngày...
Anh Trương Mãi ghé sát vào tai tôi, thì thầm: "Chú ạ. Có điều này tui nói thiệt với chú. Bác sĩ nói rồi, bệnh tui không chữa được. Năm bảy năm nữa, cũng có thể là vài ba năm nữa, tui sẽ chết...". Tôi choàng tay ghì lấy anh, nín lặng.
Nhưng đột ngột anh lại đổi giọng, to tát: "Chuyện hát rong của tui có nhiều kỷ niệm vui lắm, cả buồn nữa. Có hôm, mất công thuê xe ôm chở đến chợ, mới hát được nửa bài thì loa máy hỏng, rứa là phải quay về nhà. Có hôm, tui hát, mấy mệ bán hàng nói: "Chú đừng hát bài nớ, mệ nghe buồn lắm, nhớ con lắm, hát bài khác đi". Lại có hôm, mấy anh thanh niên uống rượu, mời tui ngồi cùng, tui hát phục vụ cho mấy anh uống. Những hôm như vậy, các anh ấy thương, cho nhiều tiền. Đi gần thì tối đến tui thuê xe ôm về nhà.
Đi xa thì ăn ngủ vạ vật cho qua ngày. Tiền hát rong chú biết rồi, từng đồng bạc lẻ, phải tằn tiện từng ngàn một. Đồng bạc mang về rúm ró, rách nát cả nhưng vợ con tui kiên trì vuốt thẳng từng tờ một xếp lại thành từng tệp, từng tệp...".
Anh lại kể: "Bữa nay mấy chị, mấy o ở các chợ thích nghe những bài hát mới. Tui phải đổi bài liên tục. Có tuần, tui ở nhà vài ngày, ra quán karaoke đầu xóm, tập hát những bài hát mới cho thuộc để khi mấy mệ, mấy o ở chợ yêu cầu bài mới là hát được. Nghề hát rong nói rứa thôi cũng phải chuyên nghiệp. Mùa gần tết chọn bài về cảnh chia ly, về tình thương mẹ con, nỗi nhớ mong chồng vợ nghe uỷ mị. Mùa hè thì chọn những bài vui về cưới xin, về tình yêu, về tuổi trẻ mà hát. Ngày mưa hát bài thiệt buồn. Rứa đó, chọn đúng bài, đúng mùa, đúng người nghe thì người ta cho mình nhiều tiền chú ạ....".
Câu chuyện lại quay về thực tại, anh không giấu được lo lắng: "Nếu vài năm nữa tui chết, nhà e cơ cực. Hai đứa con gái sau cùng đang học trung học rồi. Chúng nó lại học giỏi, lại thi đỗ đại học thôi. Nếu tui chết sau khi mấy đứa con học xong đại học thì hay chú hè. E không kịp. E chịu... Ngày đêm mô tui cũng đau đớn...".
Rồi anh gật đầu: "Nhưng tui cũng vui lắm rồi. Thân thể tàn phế như ri mà vẫn cố sống, cố ăn mày, nuôi các con học hành tử tế rứa là vui lắm rồi...".
Đột ngột anh Trương Mãi hỏi tôi: "Nếu mà chú rơi vào hoàn cảnh của tui, hết cách sống, chú cũng phải đi hát rong ăn mày nuôi con chớ, vì con chớ?". Tôi không khó tìm câu trả lời bằng cái gật đầu mạnh mẽ.
Tiếng anh hạ xuống: "Rứa là được. Chỉ mong trời cho tui sống thêm, đừng chết sớm, nhưng mà đêm nằm đau buốt từng khớp xương, từng thớ thịt như ri, e không xa nữa đâu chú ạ... Không xa nữa...".
Anh gập người kéo bộ ampli lại gần, cầm micro, đột nhiên cất giọng hát: "Cắt nửa vầng trăng tôi làm con đò nhỏ. Chặt đôi câu thơ, bẻ đôi câu thơ tôi làm mái chèo lướt sóng..."... Tôi nghe trong tiếng hát của anh có tiếng nấc...
Nguyễn Quang Vinh
Tin đã đăng
- Hiện tượng Vista: "Sốt" căn hộ hay doanh nghiệp diễn trò?
- Bán nhà sang Mỹ học làm phi công
- Chân dung lao động nhập cư: Bài 2: Đời bán rong
- Chân dung lao động nhập cư: Bài 1: Thuê nhà “xứ lạ”
- Mỗi ngày cả triệu USD qua cửa khẩu đến sòng bạc
- Xói, lở sông Hồng đoạn qua Hà Nội: Nguy cơ sạt lở vẫn rất cao
- Vụ sập toà nhà Viện KHXH vùng Nam Bộ: Có quá nhiều điều khó hiểu!
- Đằng sau sự hồi sinh cho một trái tim bé bỏng
- Hà Nội “Sốt” đèn trời
- Lũ lịch sử gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng