Ngôi làng bình yên
Hơn năm năm nay ấp Hải An, xã Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau được xem là ngôi làng bình yên nhất miền Tây Nam bộ bởi nơi này chưa hề xảy ra tệ nạn xã hội, không có người phạm tội, cũng như không hề có tình trạng khiếu nại tố cáo, tranh chấp đất đai...
Người dân trong ấp một lòng đoàn kết, đùm bọc yêu thương, giúp đỡ nhau chuyện mần ăn, chia sẻ nhau kinh nghiệm sản xuất...
Từ bờ bên kia nhìn qua thấy ấp Hải An nằm bình yên cạnh sông Đầm. Đường vào ấp rợp bóng cây, hai bên đường là những đầm tôm, vuông cua san sát nối dài sung túc. Xe máy quăng đại ngoài đường mà dân không sợ mất. Ông Nguyễn Quốc Việt - bí thư chi bộ ấp - nói chắc nịch: “Tình hình an ninh ở đây bảo đảm. Năm năm nay, ấp này không hề bị mất trộm!”.
“Đóng cửa bảo nhau”
Theo ông Việt, từ năm 2007 trở về trước, chuyện mất tôm, cua, gà... xảy ra như cơm bữa khiến mọi người nhìn nhau nghi kỵ. Cạnh đó các tệ nạn xã hội như cờ bạc, đá gà... cũng xảy ra hoài. Rồi xóm giềng, anh em thân tộc tranh nhau từng thước đất, bờ ranh... ở cùng ấp đụng mặt nhau hà rầm mà mặt lạnh, lòng cũng lạnh. Những câu chuyện buồn sau lũy tre cứ tiếp diễn hằng năm làm đau đầu ông Việt cùng nhiều người dân cố cựu và chính quyền ấp nơi này. Chẳng lẽ nếp sống chân chất, mộc mạc, chòm xóm nhường nhịn, đùm bọc nhau... bao đời bị phá vỡ mà không cách nào khôi phục? Và rồi mọi người đã nghĩ ra cách...
Đầu tiên cả ấp họp lại rồi đi đến quyết định thành lập tám tổ an ninh tự quản giải quyết vấn đề nóng bỏng là chuyện mất an ninh trật tự. Ông Trần Văn Mười, trưởng ấp Hải An, nhớ lại: “Bà con bức xúc nhất là chuyện bị mất trộm. Tài sản mỗi lần bị mất có khi đến bạc triệu. Bọn trộm đi lần ba người: một người đứng canh, hai người chài lưới bắt trộm thủy hải sản hoặc gia súc. Xong lên vỏ lãi nổ máy vọt nhanh, bà con trở tay không kịp...”. Mọi người thống nhất: nếu bắt được kẻ trộm thì buộc họ phải xin lỗi trước toàn thể bà con và hứa không tái phạm. Đồng thời phải đóng tiền phạt: trộm gà phạt 500.000 đồng, trộm cua hoặc tôm phạt 1 triệu đồng...
Tổ hoạt động rất gắt, lối ra vô độc đạo của ấp đều có người đứng gác, dọc các đầm tôm, vuông cua đều có người canh chừng, cứ thế người dân thay phiên nhau tuần tra suốt ngày đêm. Bà con ai cũng tự nguyện góp tiền bồi dưỡng cho tổ. Đồng thời, hễ thấy người lạ vô ấp là “alô” cho tổ tự quản biết để bám sát theo dõi. Bắt được một số vụ, tiếng đồn về chuyện cả ấp bắt trộm loan nhanh. Không còn đạo chích xa, gần nào dám bén mảng đến nữa... Các tệ nạn khác như đá gà, cờ bạc... cũng được giải quyết tận gốc. Hễ bắt gặp ai đang cáp độ, gầy sòng... lập tức tổ tự quản có mặt lập biên bản phạt tiền. Công khai hành vi họ trước toàn thể bà con. Và mọi người còn cảnh báo những người vi phạm nếu còn tái phạm sẽ bị phạt tù. Nghe vậy, họ vừa xấu hổ vừa sợ nên chừa luôn tật xấu này.
Còn chuyện tranh chấp ranh đất, bà con đều nhất trí cách giải quyết: “Nội bộ trong ấp đóng cửa bảo nhau”, không đem chuyện tranh chấp ra đến xã hoặc tòa án bởi lúc đó thắng hay thua, tình nghĩa xóm giềng cũng tan nát. Nhờ vậy mà những xích mích, mâu thuẫn được dập tắt ngay từ khi mới nhen.
Anh Nguyễn Văn Hùng, cán bộ Ban công tác mặt trận ấp, kể lần đó ông Huỳnh Văn Tài đến ấp trình bày là ông Lê Văn Tộc cứ đào lấn ranh đất của mình hoài. Anh Hùng cùng vài cán bộ trong ấp đến hiện trường. Thấy ranh đất rộng 6m, bên ông Tài đào lấn vô khoảng vài tấc. Ông Tộc cũng sên qua vài gang tay. Mấy anh em cán bộ mới chỉ vào phần đất mà hai người đã lấn, nói: “Hai chú ai cũng lấn qua ranh một ít. Về lý thì cả hai đều vi phạm. Về tình, hai chú hồi nào tới giờ tắt lửa tối đèn có nhau, giờ hổng lẽ chỉ vì mấy tấc đất mà bỏ sạch?”. Hai bên ừ à, ông lỗi một ít, tôi lỗi một tí. Vậy là cười khà, làm ly rượu tự phạt nhau.
Ông Tài nói: “Nếu không có quy định “đóng cửa tự giải quyết” hổng chừng chúng tôi kéo nhau ra tòa án. Rồi những xích mích có thể kéo dài đến đời sau, khiến con cháu thù hiềm nhau”. Ông Tộc cũng đồng tình: “Làm gì có cuộc sống thanh thản khi cứ suốt ngày mang trong mình nỗi uất hận, bực tức, hơn thua”. Cứ vậy, dùng tình giải quyết cho đạt lý...
Tương thân, tương ái...
Đạo lý tương thân tương ái cũng được ấp phát huy tối đa bằng cách thành lập tổ hùn vốn để hỗ trợ nhau thoát nghèo, vươn lên khá giả. Ông Trịnh Phan Tiền - chi hội trưởng hội nông dân ấp - cho biết: “Ấp có tám tổ hùn vốn. Tùy nhu cầu từng tổ mà mỗi hộ sẽ hùn 200.000 đồng - 2 triệu đồng/tháng vào quỹ. Mỗi quý tổ họp lại xét cho vay, những hộ nào cần tiền gấp như mua con giống, cải tạo vuông... sẽ được ưu tiên trước. Quy định cho vay cũng rất thoáng, không giới hạn thời gian trả, cứ trả vào thời điểm mình thấy thuận lợi như khi thu hoạch tôm cua, cá giống, cây trồng... Chỉ đóng lãi tượng trưng 50.000 đồng/lần vay, tiền đó được tổ dùng mua quà, bánh trái... dành để thăm viếng những hội viên nào bị ốm đau, bệnh tật”.
Việc cho vay thoáng như vậy nên nhiều hộ yên tâm hỏi mượn liên tiếp 2-3 lần như hộ ông Võ Văn Đồng, ông Nguyễn Văn Huyền... Có hộ suốt năm năm nay không hề mượn lần nào để nhường phần của mình cho các hộ khác đang cần hơn. Nhờ cách hùn vốn đầy tình nghĩa, không so đo, tính toán nên rất nhiều hộ đã vượt qua cái nghèo. Điển hình như hộ ông Nguyễn Văn Mừng. Ông Mừng kể mấy năm trước do kẹt tiền mua cua giống nên vay tổ hùn vốn 40 triệu đồng. Tới mùa thu hoạch, chẳng những ông trả dứt số nợ trên mà còn lời mấy chục triệu đồng. Ông Mừng xúc động: “Nhờ số tiền của tổ hùn vốn chứ vay bên ngoài tiền lãi cao, nhiều khi lỗ vốn”.
Không chỉ tương trợ về vốn, người dân còn giúp nhau những chuyện mần ăn, sản xuất khác. Những hộ dư dả góp tiền mua phương tiện như ghe xuồng, máy nổ, máy khoan đất... cho những hộ nghèo làm kế sinh nhai. Nhiều hộ bản thân chưa khấm khá hơn gì nhưng cũng giúp người khác theo kiểu “lá lành đùm lá rách” bằng cách bán chịu con giống, tới mùa thu hoạch mới thu tiền... Nhờ sự tiếp sức như vậy mà nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên khá giả. Điển hình như các hộ Phạm Văn Tài, Kiều Minh Phụng, Nguyễn Văn Lầu...
Ông Phạm Văn Tài thổ lộ trước đây do không đất đai, vốn liếng, chỉ chuyên làm thuê, ông Nguyễn Quốc Việt thấy vậy thương tình tặng xuồng máy để ông Tài bỏ mối nước đá khắp xã. Nhờ vậy ông mới có đồng vốn đổi nghề thu mua tôm cua, rồi trở thành chủ vựa tôm... Nhớ lại, ông Tài xúc động nếu không có tình nghĩa xóm ấp như vậy, chắc giờ ông vẫn còn phận làm thuê...
Theo Tuổi Trẻ