Ôsin “xù” hẹn
Ra Tết, nhiều gia đình cần người giúp việc lại một phen khốn đốn bởi... ngày trở lại của ôsin còn xa vợi. Những gia đình cần người phụ buôn bán hoặc có cơ sở sản xuất tại nhà, nếu thiếu người phụ việc thì vẫn có thể thu xếp được nếu mỗi người trong nhà chịu cực gánh vác thêm một chút. Đáng ngại nhất là những người làm ở các cơ quan, công sở, gia đình ít thành viên lại có con nhỏ hoặc ông bà cao tuổi cần người trông nom thì phải chạy đôn chạy đáo lo nhưng lắm khi vẫn không thu xếp được việc nhà.
Khiến sếp bực mình
Chị D.Liên (Q.Phú Nhuận – TPHCM) có con mới 7 tháng, nhà chỉ có hai vợ chồng. Cha mẹ hai bên quen sống ở miền quê không khí trong lành, tuổi đều đã ngoài 70, không thể trông cháu nên chị Liên phải nhờ người giúp việc. Bởi vậy nên bé Bảy giúp việc hay “lấn sân” chủ nhà. 29 Tết, anh chị mới được nghỉ và mùng 5 đã phải đi làm lại nhưng bé Bảy xin về quê từ... 24 Tết để lo việc nhà và phụ buôn bán Tết. Còn ngày tái ngộ thì mãi đến mùng 8 vì “chớ đi mùng 7” và mùng 6 thì quá sớm. Nếu không đồng ý thì Bảy bỏ về luôn nên chị Liên đành... “ngậm bồ hòn làm ngọt”.
Thế là từ trong Tết, vợ chồng chị Liên phải vừa đi làm vừa giữ con, có hôm phải bế cả con vào cơ quan... chơi! Có con nhỏ kề bên thì việc chểnh mảng, sếp tuy thông cảm nhưng không tránh khỏi những cái nhìn thiếu thiện cảm. Những ngày Tết, ngoài phiên trực và phần thăm hỏi cho tròn chữ lễ, vợ chồng chị Liên chỉ lu bù với bình sữa, chén bột, tã áo, võng ngủ của con... chẳng hề biết nghỉ Tết là gì!
Tối mùng 7, anh chị thở phào qua chặng 1 mà vẫn hồi hộp và trông đứng trông ngồi bé Bảy nhưng nào thấy bóng dáng. Cả ngày mùng 8, mùng 9 chẳng thấy tăm hơi. Mãi hơn 23 giờ mùng 10 mới có chuông cửa. Chị Liên chạy ù xuống, hớn hở mở cửa đón ôsin.
Chị Liên bảo: “Thế là may lắm rồi. Nếu Bảy không vào vì giận hay gia đình có việc đột xuất thì chỉ còn nước... nghỉ việc!”. Tuần qua, chị đều đi làm trễ, cứ rón ra rón rén bước vào phòng. Đến mùng 8, chị phải hoàn tất sớm một việc nhưng con bé không khỏe, nôn ra đầy nhà nên chị điện thoại xin làm việc ở nhà thì... được sếp lên lớp cho một hồi!
Thành kẻ thiếu tình
Cũng như chị Liên, vợ chồng chị M.Hằng (Q.11-TPHCM) cũng đảo điên vì sự “làm mình, làm mẩy” của Hương - cô bé giúp việc. Hương đòi về quê sớm nhưng do ở Long An cũng gần nên hẹn mùng 4 lên “ăn Tết với cô chú”. Vì trước đó Hương đánh tiếng nghỉ luôn mà đến mùng 8 rồi vẫn không thấy mặt cũng chẳng thấy báo tin nên chị Hằng phải nhờ người tìm người giúp việc khác. Thường thì 2-3 tuần sau vẫn chưa kiếm được người nhưng lần này, sáng mới hỏi, chiều đã có người. Đó là bé Của, 15 tuổi, ở Hà Tĩnh, rất chịu thương chịu khó, nhà lại có hoàn cảnh rất khó khăn.
Đi làm lần đầu nên cô bé khá lóng ngóng với việc trông em, cho em ăn; rồi thay tã, giặt đồ... xem ra có phần quá khả năng nhưng “có còn hơn không”! Chị Hằng cũng chịu khó bảo ban nhưng để thành thạo thì không thể ngày một ngày hai. Đùng một cái, sau một tuần trễ hẹn không liên lạc, Hương trở lên làm tiếp khiến chị Hằng lâm vào cảnh khó xử. Chị đành tạm thời nuôi cả hai em.
Sau một ngày đêm suy nghĩ, chị Hằng đành xin lỗi Của và hứa sẽ kiếm chỗ tử tế gửi em đến làm. Dù thu xếp ổn thỏa nhưng lòng chị Hằng cứ thấy buồn. Chị có cảm giác mình là người có lỗi, khi cần thì nhờ người giúp, khi ổn thì đẩy người đi, kiểu như kẻ “cạn tàu ráo máng”!
Cần giải thích động viên
Người miền quê đa phần chất phác, thật thà nhưng tính khá tự do, thích thì làm, không thích thì nghỉ. Chính vì cái tính này mà họ thường quên cả việc nghĩ cho người liên đới và gây ra không ít cảnh dở khóc, dở cười cho người thuê mình làm việc. Khi được tâm tình, phân tích, họ thường thông cảm với chủ hơn. Vì thế, các gia chủ hãy “hợp đồng” rõ ràng từ đầu, thường xuyên giải thích, động viên để họ hiểu và thích nghi với cuộc sống công nghiệp chốn đô thị.
Theo Người Lao Động