Phận ở trọ
Hơn lúc nào hết, những người từ các tỉnh, thành về Thành phố Hồ Chí Minh kiếm sống đang phải đối mặt với đợt lạm phát và trượt giá kéo dài khiến cuộc sống vốn đã khó khăn giờ lại càng khó khăn hơn.
Họ là những người ngoại tỉnh, về Thành phố Hồ Chí Minh học tập hoặc tìm việc với ước mong “đổi đời” hoặc kiếm được chút vốn rồi trở về quê làm ăn. Phần lớn họ sống ở những dãy nhà trọ ít tiền, những khu có mức sống vừa tầm so với thu nhập của bản thân. Đợt lạm phát và trượt giá kéo dài hồi đầu năm đã khiến không ít người trong số họ phải di cư, tìm nơi ở rẻ hơn nữa, ít chi phí hơn nữa để đảm bảo mức thu chi vốn đã eo hẹp của mình. Những câu chuyện của họ, dù mỗi người mỗi cảnh, nhưng vẫn có điểm giao nhau: Đó là sự vất vả, long đong của người tha phương cầu thực và nỗi lo trước sự leo thang của giá cả.
Ở mất tiền, đuổi đi cũng… đành chịu
Chị NTB (36 tuổi, quê Bắc Ninh) cùng chồng vào Sài Gòn đã gần 13 năm. Chị B. bán hàng rau quả, thực phẩm buổi sáng ở dọc các hẻm nhỏ trong phạm vi 20km quanh khu nhà ở trọ, còn chồng đi làm phụ hồ, bữa có bữa không. Vợ chồng chị B có một cậu con trai 5 tuổi, cả gia đình hiện đang ở trọ tại KP 2, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP.HCM. Hàng ngày, cứ đúng 2 giờ 30 phút sáng, lúc chồng con còn đang say ngủ, chị lẳng lặng cùng với chiếc xe cub đã cũ kỹ, bong tróc không còn rõ màu sơn, đi lên chợ đầu mối cách chỗ trọ hơn chục cây số mua hàng để kịp quay trở về nhà trọ vào khoảng 5h30 sáng. Khách hàng của chị là những người ở cùng dãy trọ. Họ cũng vội vã mua một ít rau quả chị bán để còn kịp đi làm.
Dãy nhà chị thuê trọ có tất cả 10 phòng, đa phần là các cặp vợ chồng trẻ từ các tỉnh về Sài Gòn kiếm việc như chị. Họ chủ yếu làm công nhân, lương ba cọc ba đồng, nhưng ngày nào cũng khóa cửa đi từ sáng sớm, đến tối muộn mới về. Thức ăn mua từ sáng, họ rửa rồi ướp sẵn mắm muối, đến chiều tối về mới chế biến, chủ yếu dùng trong bữa tối và bữa sáng hôm sau.
Ban ngày, dãy phòng trọ vắng hoe bởi mọi người đều bận đi làm. (Ảnh chụp tại phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP.HCM). |
Vừa bán hàng, chị B vừa kể: “Cô có biết quanh đây có khu nhà trọ nào rẻ hơn thì chỉ tôi với. Mọi thứ giờ lên quá, đi hàng cũng chẳng được là bao. Trước lấy công làm lời, ngày cũng được bảy, tám mươi ngàn bỏ túi, giờ xăng lên, rau, thực phẩm cũng lên, bán đắt hơn ở chợ thì khó, mà bán bằng giá chợ thì không đủ tiền xăng. Hàng vẫn phải lấy hàng ngon, nhưng mấy thứ đắt tiền như tim heo, cá thu, tôm tươi… thì không dám bán nữa. Có hôm mang nguyên về nhà ăn, vì không có tủ lạnh để giữ, vừa ăn vừa xót tiền”.
Chị B. trước thuê phòng trọ cùng con hẻm nhà tôi. Khu này khá an ninh và yên tĩnh, có đến ngoài 20 phòng trọ, mỗi phòng vừa đúng 10m2, gồm vợ chồng và một hoặc hai con nhỏ thuê ở. Cùng cảnh với nhau nên mọi người dễ thân và hòa thuận, hễ ai có quà quê lại mang chia khắp các phòng cùng ăn. Năm ngoái, con chó của chủ nhà cắn vào chân thằng bé nhà chị, bà chủ nhà đền cho 100.000 đồng. Chị đưa con đi tiêm phòng, hết 350.000 đồng. Bà chủ nhà biết chuyện, mang thêm 250.000 đồng sang đưa cho chị, nhưng lại không cho vợ chồng chị thuê nhà tiếp, với lý do: “Sợ chó nhà tao lại cắn con mày, không có tiền đền”. Họ cũng có niềm vui là cậu con, một đứa con trai theo ý nguyện sau 9 năm kế họach hóa. Hôm dọn nhà đi, chị sang chào tôi, không giấu nổi ngậm ngùi: “Thân đi ở trọ nhục thế đấy cô. Mình ở mất tiền, chó nhà người ta cắn con mình, mình chẳng dám nói nửa lời. Giờ người ta xót tiền, đuổi mình đi mình cũng đành chịu”. Sau đó, chị thuê phòng cách khu nhà cũ mấy con hẻm, rẻ hơn được 100.000 đồng tiền nhà mỗi tháng nhưng phòng nhỏ hơn, lối đi cũng chật chội hơn. Công việc buôn bán của chị cũng không suôn sẻ, nhất là vào mùa mưa. Đêm mưa lớn, chị thường ngồi nhìn ra cửa thở dài lo cho việc sáng ra không lấy hàng được. Những ngày như thế, chị lại đi quanh quanh mấy nhà cao tầng hỏi xem có nhà nào cần giúp dọn dẹp thì kiếm vài chục ngàn đồng để qua ngày.
Hai cặp vợ chồng với căn phòng 12m2
Cùng cảnh tha phương nhưng chị C.T.H (30 tuổi, quê Thanh Hóa) không được may mắn ở cùng con như chị B. Lấy chồng 6 năm, chị H. đã kịp sinh hai cô con gái. Làng quê của chị vốn nghèo, chồng là con trưởng đời thứ 3 nên áp lực phải có con trai luôn đè nặng trong lòng hai vợ chồng chị. Lúc con gái đầu được một tuổi, chị H. theo chồng vào miền Nam làm ăn. Chẳng mơ ước gì nhiều, chỉ mong mỗi tháng có dư vài trăm ngàn để gửi về cho ông bà nội nuôi cháu. Ngày ngày, chị H. đi thu mua đồ phế liệu, bán ngay trong ngày, lời sang tay cũng được năm, bảy chục ngàn đồng. Chồng chị đi làm phu hồ, khi việc nhiều quá lại đưa vợ đi làm cùng. Đi hàng đến khi gần sinh con thứ hai, chị mới lên xe ô tô về Thanh Hóa sinh con để chồng ở lại tiếp tục kiếm tiền. Con được một năm, chị H. vào lại Sài Gòn. Mỗi khi qua hẻm nhà tôi mua ve chai, gặp lúc tôi ở nhà, chị lại nán ít phút, tâm sự chuyện con cái, vì cùng cảnh xa quê. Có lúc, chị vừa nhắc đến các con, hai hàng nước mắt đã lã chã tuôn rơi, nhất là sau đợt về tết mới đây, cô con gái cả đã năm tuổi cứ níu áo mẹ hỏi: “Bao giờ bố mẹ lại về?”. Nhiều khi lạc quan, chị lại khoe rất vui vẻ: “Hôm bữa em mua được cái xe đạp trẻ con có 30.000 đồng, còn mới lắm, con nhà người ta lớn, người ta bán đi. Em sửa lại mất 20.000 đồng, đem gửi theo xe ôtô về cho con gái, mất thêm 20.000 đồng nữa. Năm sau cháu lớn đi học, có xe đạp để đi cũng đỡ. Xe đó mà mua mới, bèo cũng mất hai, ba trăm ngàn”. Rồi chị lại khoe: “Mấy thứ đồ chơi trẻ con, nước uống, C sủi… chị cho em, em đều gửi theo ô tô về cho các cháu. Chắc chúng nó thích lắm đấy. Ở quê làm gì có những thứ ấy chứ”.
Bán hết xe chuối, người phụ nữ này thu được 60.000 - 70.000 đồng tiền lời. |
Vợ chồng chị H. và vợ chồng cậu em trai chồng thuê chung một phòng trọ 12m2 với giá 400.000 đồng/tháng, tiền điện tự trả. Đợt trượt giá vừa rồi, chủ nhà quyết định tăng giá phòng lên 500.000 đồng/tháng, tiền điện cũng leo theo. Mấy năm trước, ngoài tiền gửi hàng tháng về cho ông bà nội chăm hai con nhỏ ở quê hết 800.000 đồng/tháng, hai vợ chồng chị cũng để dành được mươi triệu đồng, trừ tiền tàu xe về quê ăn tết, cũng dư được tám triệu gửi ngân hàng làm vốn, phòng khi cha mẹ, hay các con ở quê có đau ốm thì đã có khoản tiền để chi tiêu. Mơ ước của vợ chồng chị là sau vài năm tha phương có được mấy chục triệu bỏ túi, về quê kiếm việc gì đó làm. Mơ ước đó giúp họ yên tâm sống cảnh xa quê, xa cha mẹ, con cái, sống phận nhà trọ cực trăm bề. Cái nền nhà 12m2, để 2 cái xe đạp, 2 cái xe máy đã hết phân nửa. Chỉ còn đủ chổ kê chiếc giường nhỏ để đặt lưng vào ban đêm sau một ngày lăn lộn kiếm sống và nuôi ước mơ.
Mỗi người mỗi cảnh
Cuối dãy nhà trọ là căn phòng thuê của hai mẹ con cô T.T.Y, người Thái Bình. Cô Y. mới ngoài 50 nhưng có lẽ do vất vả nên trông hom hem như cụ bà ngoài 60. Khi con gái đỗ vào một trường đại học tại đây, cũng là lúc hai mẹ con vào thành phố này, tính tròn đã 7 năm. Chống mất khi con gái chưa đầy tuổi, cô Y vất vả vật lộn với cuộc mưu sinh với ước mong nuôi con khôn lớn, học hành tử tế để bớt phần vất vả. Bù lại, con gái cô học giỏi và ngoan, sau khi tốt nghiệp, đã xin về làm giảng viên một trường trung cấp du lịch. Sáng, 7h, hai mẹ con mỗi người một hướng, đến chiều tối mới về sum họp. Khi rời nhà, mỗi người mang theo một cái cà mèn đựng cơm và đồ ăn nấu từ sáng sớm để đảm bảo cho bữa trưa ngon, rẻ, chất lượng. Một lần nói chuyện, cô Y. tâm sự: “Ở đâu sống được thì sống thôi cô ạ. Giờ ở quê không còn ai, mẹ chồng mất, các em chồng thì đông nhưng bao nhiêu năm nay chẳng ai ngó gì tới hai mẹ con tôi cả”. Vào những buổi tăng ca, cô chỉ kịp về nhà ăn bữa qua quýt, để 6 giờ rưỡi tối lại tất bật xách giỏ đi, đến 9-10 giờ khuya mới trở về, rồi hôm sau lại xách giỏ đi từ 7 giờ sáng…
Cạnh phòng của mẹ con cô Y. là phòng hai người đàn bà, một góa chồng, một bỏ chồng mới đến ở trọ chưa được nửa năm, giờ lại đang rục rịch chuyển đi chỗ trọ khác, rẻ hơn, chi phí ít hơn. Hai người kẻ miền bắc, người miền trung, tuổi mới xấp xỉ 30, do khó khăn nên vào Sài Gòn kiếm sống. Rồi cũng lại do cái nghèo khó mà quen nhau và thuê cùng phòng trọ. Cuộc sống xa quê vất vả trăm bề, đồng lương công nhân bèo bọt nên cả hai đều phải để cô con gái còn nhỏ cho cha mẹ trông giùm, đi biệt đến tết mới dám về thăm con, thăm cha mẹ. Cả hai vào TP.HCM mới ba năm, nhưng đã chuyển không biết bao nhiêu phòng trọ do giá phòng cứ tăng theo từng đợt tăng lương, tăng giá xăng dầu…
Những phận người ở trọ mãi mãi là những câu chuyện không có hồi kết. Hơn lúc nào hết, họ đang phải đối mặt với đợt lạm phát và trượt giá kéo dài khiến cuộc sống vốn đã khó khăn giờ lại càng khó khăn hơn. Có cách gì để giúp những con người ấy giải bài toán khó này không?
Hải Ninh
Tin đã đăng
- Người mắc nợ những kiếp nghèo
- Mới từ đất cũ
- Gạo hết “sốt”
- Tò he ngày càng “vắng bóng”
- Thân phận của "những chiếc bóng"
- Nguyễn Duy và nghệ thuật “tranh lá”
- Giá gạo leo chót vót, nguy cơ công nhân bị đói ăn
- Tấm lòng người lính Cụ Hồ
- Hai mẹ con với lớp học tình thương…“Liên hiệp quốc”
- Thung lũng trăm tuổi