Những nhà sáng chế không bằng cấp: Máy bơm nước bằng sức gió
Là một người “tay ngang”, nhưng anh Phạm Mã Nhi, quê ở phường 6, TP Tuy Hòa (Phú Yên) đã biến mớ phế thải thành máy bơm nước bằng sức gió...
“Công trình làm khổ cả nhà”
Trong những năm đi học, anh Phạm Mã Nhi đã nung nấu ước mơ “bắt gió” phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ước mơ đó chưa thành hiện thực do anh sớm rời ghế nhà trường vì nghèo khó. Song, anh vẫn không từ bỏ. Năm 2003, anh làm công nhân ở công trình xây dựng đường hầm Hải Vân. Trong môi trường làm việc này, anh Nhi vẫn nung nấu quyết tâm “phải làm một công trình gì đó cho riêng mình chứ không thể đi làm thuê hoài được”. Những đợt gió thốc vào miệng đường hầm Hải Vân mạnh đến mức xô ngã những công nhân đang làm việc, càng khiến anh nhớ đến những đám ruộng héo hắt vì thiếu nước tưới vào mùa khô. Từ đây, anh Nhi nảy ra ý định chế tạo chiếc máy bơm dựa vào sức gió để nông dân đỡ vất vả.
Khi công trình đường hầm Hải Vân hoàn thành, Nhi được phân công đến một công trình khác, nhưng anh quyết định trở về quê để thực hiện ý tưởng đã ấp ủ lâu nay. Lúc bắt tay vào việc, anh không còn đồng xu “dính túi” nhưng hình ảnh chiếc máy bơm cứ bám riết trong trí óc đã thôi thúc anh bươn chải kiếm tiền với quyết tâm biến ước mơ thành hiện thực. Anh tạm gác công việc nhà qua một bên, rồi lao vào mày mò, nghiên cứu. Kiếm được đồng nào, anh đều “đốt” vào chiếc máy.
Ông Trần Quang Bình - Hội Làm vườn Phú Yên, cho biết: “Máy bơm nước bằng sức gió 2.4.6.8 được sử dụng có hiệu quả ở Bình Kiến (TP Tuy Hòa). Chỉ đầu tư một giếng khoan vài trăm ngàn đồng và giàn đế đặt máy. Máy hoạt động được với mọi nguồn nước như giếng khoan, giếng đào, ao hồ, sông, suối... Người sử dụng có thể tưới trực tiếp từ máy hoặc làm hồ chứa. Loại máy này có thể áp dụng tưới cho các vùng trồng rau, hoa, cây trái khác...”
Công trình dang dở, bế tắc vì thiếu tiền. Anh buộc lòng bán từng vật dụng trong nhà để mua thiết bị. Trong căn nhà ở phường Tây Lộc, TP Huế (quê vợ của anh Nhi), anh cứ mò mẫm với búa, kềm, sắt thép mà anh chỉ đủ tiền tìm mua nó ở những vựa phế liệu. Thất bại liên tiếp, nhưng không làm anh nản chí. Còn vợ anh, dù rất ủng hộ chồng nhưng nhiều khi cũng phát ngán. Vợ hỏi: “Đến bao giờ thì anh dừng lại?”, Nhi quả quyết: “Nếu chưa thành công thì nhất định không bỏ cuộc”. Thế là vợ anh chỉ còn biết chiều theo ý chồng. Tất cả mọi việc từ miếng cơm manh áo, vợ Nhi đều lo toan, “phó mặc cho anh với cái công trình làm khổ cả nhà”.
Máy bơm 2.4.6.8
Thế rồi, máy bơm nước bằng sức gió cũng ra đời, theo nguyên tắc dùng cánh quạt đón lấy gió làm hệ thống truyền động hoạt động để bơm được nước. “Lúc bắt tay vào làm, tôi không hình dung ra chiếc máy hình thù như thế nào. Mất hơn một năm với biết bao mồ hôi công sức, đến tháng 5.2006, chiếc máy hình thành, to bằng cái bàn”. Ở sản phẩm đầu tay này, Nhi chưa tính toán kỹ lưỡng những yếu tố kỹ thuật, chưa biết sử dụng loại vật liệu nào để máy hoạt động hiệu quả, lâu bền. Do vậy, máy chỉ hoạt động với công suất nhỏ, dễ bị hỏng khi gặp gió mạnh từ cấp 6 trở lên. Anh lại bắt tay vào cải tiến để máy vận hành đơn giản và có độ bền cao.
Giờ đây, anh Nhi cho biết: “Không chỉ bơm từ giếng, máy bơm nước bằng sức gió có thể đặt ở những nơi có nguồn nước như: sông, suối, kênh mương. Và chỉ cần dùng tay là có thể tháo cánh, xoay hướng máy một cách dễ dàng. Việc di chuyển, lắp ráp máy bơm cũng rất dễ. Vì thế, nhiều hộ dân có thể sử dụng một máy bơm cũng được”.
Máy bơm nước bằng sức gió đang hoạt động - Ảnh: Huy - Nguyệt |
Chiếc máy bơm dựa vào sức gió giúp nông dân vùng núi, vùng ven biển có thể yên tâm canh tác trong mùa khô. “Ở miền Trung, vào mùa hè nắng nóng, nguồn nước cạn kiệt nên nhiều cánh đồng bị cháy. Nhưng thời điểm này, gió Lào thổi mạnh nên việc dùng máy bơm sức gió rất thuận tiện, công suất cao. Loại máy này rất phù hợp với điều kiện khí hậu ở miền Trung”, anh Nhi bày tỏ.
Nhưng thực tế, đơn thương độc mã trong cuộc hành trình sáng tạo, chưa hề nhận được một sự hỗ trợ nào nên anh Nhi vẫn gặp nhiều khó khăn về tài chính. Nhiều người biết Nhi chế tạo ra máy bơm bèn gửi cho anh tài liệu liên quan. Sau khi tham khảo, anh tự hào nhận ra bộ phận bơm do mình sáng tạo chưa hề có trong một tài liệu nào! Anh Nhi đã đăng ký bảo hộ độc quyền cho sản phẩm của mình, được cấp Bằng độc quyền sáng chế số 296/SC - 1- 2006 - 01301SC.
Anh cũng đã thành lập doanh nghiệp tư nhân đặt tại 40/23 Hùng Vương, TP Tuy Hòa. Doanh nghiệp có cái tên rất ngộ “2.4.6.8”, hóa ra đó là ngày tháng năm sinh của “ông” giám đốc hay chuyện, dáng dấp phong trần. Phương châm của doanh nghiệp là “cùng nông dân tạo nên bước đột phá”.
Anh Nhi bộc bạch: “Tuy xuất phát thấp nhưng tôi muốn làm một cách bài bản, tổ chức sản xuất và phân phối sản phẩm rộng rãi đến người nông dân”. Máy bơm bằng sức gió 2.4.6.8 đang được khách hàng trong và ngoài nước quan tâm.
Niềm vui hôm nay phần nào giúp Nhi vơi đi nỗi buồn vì phải sớm chia tay với việc đèn sách. Anh không sao quên được giây phút nhận giấy báo trúng tuyển vào đại học (năm 1987). Khi ấy, cảm giác vui mừng đan xen một nỗi lo canh cánh: lấy đâu ra tiền để đi học? Gia đình quá nghèo, anh đành xếp bút và ở nhà làm “thợ đụng” (đụng gì làm nấy) để phụ giúp cha mẹ và 8 anh em. Vượt qua bao thăng trầm và tự lực vươn lên, nay anh tự tin khi nói về ý tưởng mới, về việc nghiên cứu, chế tạo thêm nhiều loại máy để nhà nông vơi bớt nhọc nhằn.
Đức Huy - Minh Nguyệt (Thanh niên online)
Tin đã đăng
- Sản xuất sorbitol từ tinh bột sắn
- Tiếp nhận phòng thí nghiệm thực hành khí nén
- Hào Dương phải ngưng sản xuất để hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải
- Ngày hội tôn vinh các nhà khoa học Thành phố Hồ Chí Minh
- Trao 47 Giải thưởng Sao Khuê năm 2008
- Ra mắt Uỷ ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu
- Kính thiên văn tự chế lớn nhất Việt Nam
- Reuterin - giải pháp mới thay thế kháng sinh
- Phát hiện quần thể rừng Bách xanh quý hiếm ở tỉnh Quảng Bình
- Giải Eureka lần 9: Nhiều đề tài có giá trị thực tế