itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Chứng khoán / Ai “cứu” chứng khoán?

Ai “cứu” chứng khoán?

Các nhà đầu tư trên sàn CK.

Tuần qua chứng kiến sự lên điểm TTCK khi Bộ Tài chính, UB Chứng khoán Nhà nước triển khai nhiều giải pháp tích cực trợ giúp thị trường. Bộ Tài chính ngày 7-3-2008 đã công bố 6 biện pháp “cứu nguy” TTCK.

Đặc biệt, khi “siêu” Tổng Cty Quản lí vốn Nhà nước (SCIC) chính thức vào trận bằng việc mua lại một số cổ phiếu tốt trên thị trường đã khiến nhiều nhà đầu tư (NĐT) lấy lại phấn chấn trên sàn CK.
Vấn đề được nhiều NĐT quan tâm và cũng là chủ đề được tranh luận nhiều nhất hiện nay là Nhà nước có nên hay không cứu TTCK, và nếu có thì ở mức độ nào là hợp lý ? Việt Nam đang hướng theo nền kinh tế thị trường, vậy việc can thiệp để cứu thị trường có phù hợp các quy luật của một nền kinh tế thị trường dựa trên quan hệ cung cầu ?

Về hành động của SCIC mua vào cổ phiếu trên thị trường, có thể nói động thái này của SCIC mang ý nghĩa của giải pháp tâm lý nhiều hơn. Về dài hạn, SCIC không phải là người gánh đỡ thị trường. Về cơ bản, thị trường là theo cung cầu và ý chí của NĐT.

Nhìn nhận về các NĐT chứng khoán hiện nay (chúng tôi không nói đến các NĐT tổ chức), có thể nói các NĐT cá nhân đã và đang có cách hành xử chưa thật sự chuyên nghiệp khi tham gia TTCK. Thực tế cho thấy, cùng với sự bùng nổ và phát triển của TTCK, trong khoảng từ cuối năm 2005 trở lại đây, thị trường đã chứng kiến sự vào cuộc đầy hứng khởi của các NĐT cá nhân. Xét về tiềm lực tài chính thì đây không phải là đối tượng mạnh, nhưng họ lại có sự đông đảo về số lượng, với khoảng hơn 300.000 tài khoản được mở trong giai đoạn này.

Thời điểm năm 2006 và cuối năm 2007, đã có nhiều người thu lời nhanh chóng từ việc đầu tư trên sàn. Không ít người được hưởng từ “một vốn, bốn lời” thậm chí tới 10 hoặc hơn 10 lời. Chính vì vậy mà chúng ta đã được chứng kiến sự đa dạng, phong phú đến “kỳ lạ” của các NĐT chứng khoán Việt Nam. Họ là dân tài chính, nhân viên văn phòng đến ông nông dân, bà bán nước, anh xe ôm... Việc tham gia “đầu tư chứng khoán” của họ đơn giản chỉ là mua thấp bán cao thu lời như buôn mớ rau, con cá... Những NĐT theo kiểu này dễ bị ảnh hưởng của các đối tượng bên ngoài như các báo cáo của các tổ chức, các tin đồn...

Trong những ngày “bão lửa” vừa qua, đã có không ít NĐT chứng khoán hoảng loạn và sợ hãi. Trong bối cảnh đó, đã chứng kiến không ít cách hành xử chưa thật đúng mực của một số NĐT: Người phàn nàn, ca thán, thậm chí đổ tội cho các cơ quan chức năng đã bỏ mặc thị trường; thờ ơ, bị động trong việc nâng đỡ, bảo vệ thị trường; một số tập hợp lại thành nhóm để ký tên vào bản kiến nghị gửi Nhà nước khẩn cấp ra tay “cứu” chứng khoán, “đề nghị ngừng giao dịch”, đòi hỏi Nhà nước phải bảo hộ thị trường...

Cần khẳng định rằng, đến thời điểm này cái thời mua gì cũng trúng, đánh kiểu gì cũng thắng trên sàn đã nhanh chóng trôi qua. Đã vĩnh viễn qua rồi những cơ hội ngắn ngủi và các ảo tượng về kinh doanh chứng khoán thật dễ chịu và hấp dẫn: Mua chứng khoán vào, “đắp chiếu”, đợi giá lên một chiều rồi khi cần tiền thì bán ra. Thị trường đang ngày càng sàng lọc kỹ lưỡng hơn và vì vậy nó đòi hỏi các NĐT cá nhân muốn thành công trên thị trường phải có sự chuẩn bị tâm thế kỹ lưỡng hơn và tầm hiểu biết cao hơn.

TTCK Việt Nam hiện nay đang bước vào thời kỳ điều chỉnh sâu, tâm lý các NĐT đang bị đè nặng bởi nhiều thông tin thiếu tích cực đến với chứng khoán. Các cơ quan quản lý đang nỗ lực triển khai các giải pháp tích cực nhằm duy trì và phát triển TTCK hoạt động an toàn và hiệu quả, giữ nhịp cho thị trường phát triển, từ đó tạo ra niềm tin cho các NĐT.

Các chuyên gia khuyến cáo rằng, NĐT cần phải bình tĩnh để nhận thấy rằng chỉ số chứng khoán hiện nay đang xuống là một điều hết sức tự nhiên, hợp lý để tiếp cận giá trị thực của mình, dần dần tạo nên một TTCK lành mạnh, trong đó giá trị của cổ phiếu phản ánh tương đối chính xác giá trị thực của doanh nghiệp và hiệu quả kinh doanh thực sự mà nó đại diện. Đánh giá của các chuyên gia, các tổ chức kinh tế, tài chính ở trong nước và cả ngoài nước vẫn cho rằng TTCK của Việt Nam còn tăng trưởng nóng. Do đó, dự báo trong thời gian tới, TTCK Việt Nam vẫn tiếp tục phải điều chỉnh giảm là điều không thể tránh khỏi, nhiều mã cổ phiếu sẽ giảm giá và dần trở về giá trị thực của nó. Tuy điều này sẽ khiến NĐT bị mất vốn nhưng điều quan trọng là độ an toàn khi đầu tư trên thị trường sẽ tăng lên, nguy cơ bong bóng chứng khoán sẽ giảm đi.

Nhìn về dài hạn, TTCK Việt Nam đang có rất nhiều tiềm năng phát triển. TTCK Việt Nam mới chỉ qua 7 năm trưởng thành, còn rất non trẻ, nhưng đang trở thành một thể chế quan trọng trong nền kinh tế, với mức vốn hóa hơn 41% GDP, trong năm qua riêng mức huy động vốn (cổ phiếu, trái phiếu, đấu giá) đạt 120.000 tỷ đồng. TTCK đang ngày càng trở thành một lĩnh vực kinh tế quan trọng, đóng góp hiệu quả vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế trong những năm tới. Chỉ khi có một TTCK lành mạnh thì nó mới góp phần vào việc phát triển kinh tế đất nước, mới bảo vệ được các cá nhân và doanh nghiệp tham gia TTCK. Làm ngược lại sẽ đẩy các cá nhân và doanh nghiệp này vào chỗ phá sản. Đó là đạo lý trong kinh doanh. Các nhà quản lý và kinh doanh hãy dũng cảm và bình tĩnh nhận ra bản chất vấn đề, đưa TTCK về giá trị thực của nó. Điều này mới mang lại lợi ích cho sự phát triển kinh tế đất nước và cả cộng đồng...

Bình Thu / Hànộimới