Cơ hội ở vùng giá thấp
Tháng 4, thị giá của các cổ phiếu đã rơi xuống mặt bằng thấp nhất trong 2-3 năm qua. Thị trường đang định giá cổ phiếu ở mức thấp hơn thời kỳ đáy của cuộc khủng khoảng vào tháng 2/2009.
Tính chung cả 2 sàn, hiện có 330 DN có giá cổ phiếu thấp hơn giá trị sổ sách. Chỉ số P/E toàn thị trường nếu loại bỏ đi các cổ phiếu có mức vốn hoá lớn (VIC, MSN, BHV, SQC…), hiện ở mức 8,7 lần. Đó là những con số mới được CTCK Trí Việt thống kê và công bố đầu tuần.
Trong khi tâm lý chung của nhà đầu tư nhỏ là chán nản, ngừng giao dịch, thì ở một góc nhìn khác, Tổng giám đốc CTCK Dầu khí, ông Phạm Quang Huy cho rằng, TTCK rơi về vùng giá thấp là cơ hội để các tổ chức đầu tư thực hiện thương vụ giao dịch lớn.
Dù hoạt động giao dịch hàng ngày rất buồn tẻ, nhưng bên lề thị trường, việc tìm kiếm những cơ hội hợp tác chiến lược giữa DN có tiền và DN có dự án hoặc có tiềm năng lại diễn ra khá sôi động. Tại CTCK Dầu khí, quá trình chuẩn bị cho hàng chục thương vụ M&A (mua bán, sáp nhập doanh nghiệp) đang cùng lúc được tiến hành.
Trong các thương vụ sắp được công bố này, đối tác mua có một số là tổ chức đầu tư quốc tế, họ mua với giá cao hơn thị giá từ 10-30% vì nhìn thấy cơ hội ở DN Việt Nam không phải trong 1 tuần, 1 tháng, mà là 1 năm hoặc vài năm sau.
Năm 2010, tại Việt Nam có trên 80 thương vụ mua - bán cổ phần chiến lược tại các DN, được xếp như một dạng M&A. Một chuyên gia trong ngành M&A, ông Quan Đức Hoàng, Tổng giám đốc Công ty A.I Capital cho rằng, nếu như các năm trước, người mua có thể dùng tiền để thực hiện việc thâu tóm hay sở hữu lượng lớn cổ phần tại DN, thì năm nay, tính chất hoạt động này có sự thay đổi. Để mua được lượng lớn cổ phần, người mua không chỉ cần có tiền, mà còn phải có cả sự tinh tế trong việc chọn thời điểm và chiến lược mua.
Trên thế giới, hoạt động M&A có thể phân thành các trường phái như thân thiện/thù nghịch; công khai/âm thầm, nhưng tại Việt Nam, đang hình thành một xu hướng mới, đó là xu hướng M&A thuyết phục. Người mua hoặc là phải có khả năng thuyết phục, hoặc là phải thông qua một công ty tư vấn để đạt được sự đồng thuận của cổ đông và lãnh đạo DN, trong mục tiêu chung là làm thế nào để có lợi cho tất cả các bên.
Việc chọn thời điểm mua và vùng giá mua cũng là một yếu tố quan trọng, vì TTCK vốn rất nhạy cảm, nếu không chọn đúng "điểm rơi" của giá và "điểm rơi" của tâm lý thì người mua có thể sẽ phải trả giá đắt mà chưa chắc thương vụ đã thành công.
Giá cổ phiếu suy giảm mạnh, thanh khoản rơi về mức rất thấp (dưới 500 tỷ đồng/phiên) khiến hoạt động môi giới hầu như ngưng trệ, đa số CTCK đang phải cố gắng cầm cự qua ngày. Nhưng phía sau sự buồn tẻ này, hoạt động tư vấn tài chính, dịch vụ ngân hàng đầu tư tại một số CTCK lớn như Bản Việt, SSI, Dầu khí, Thăng Long...…lại đang làm không hết việc, vì nhu cầu từ DN trong việc cấu trúc tài chính, hoặc kết nối các giao dịch lớn.
Bản chất của TTCK là không có quy luật, nhưng diễn biến của TTCK lại luôn theo chu kỳ hình sin. Tại Việt Nam, khi các yếu tố vĩ mô bớt căng thẳng, TTCK sẽ bừng tỉnh và khi đó, thị trường sẽ lại thấy một chân lý rằng, nhà đầu tư lớn có lợi thế về kinh nghiệm và tầm nhìn so với các nhà đầu tư cá nhân.
Theo Phạm Oanh
ĐTCK
Tin đã đăng
- Khối ngoại vọt tăng mua ròng xấp xỉ 100 tỷ đồng trên sàn HO
- 06/04: Hai chỉ số đồng loạt tăng mạnh
- 05/04: Giao dịch ảm đạm, thanh khoản xuống thấp
- Ngày 1/4: Tiền đổ vào TTCK “không nổi” 850 tỷ đồng
- TTCK nghỉ giao dịch 2 ngày dịp Giỗ Tổ Hùng Vương
- VN-Index mất mốc 460 điểm
- Chốt tuần đỏ sàn, thanh khoản vượt nhẹ 1.150 tỷ đồng
- VN-Index đảo chiều ghi gần 3 điểm, thanh khoản tiếp đà giảm
- Không bị tác động bởi tin tiêu cực, hai sàn tăng giảm trái chiều
- Đầu tuần, VN-Index đảo chiều mất mốc 480 điểm