Chứng khoán: Nhìn 2007, nghĩ 2008
Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng thị trường chứng khoán sẽ bước vào năm mới 2008 với một tư thế lạc quan hơn, bỏ lại sự trầm lắng đè nặng thị trường trong những tháng cuối cùng của năm qua.
Thị trường chứng khoán Tp.HCM kết thúc phiên cuối cùng của năm 2007 với chỉ số chứng khoán VN-Index dừng lại ở 927,02 điểm. Con số này thực ra cũng đã ghi nhận thị trường có một bước tăng trưởng so với cuối năm 2006 với mức tăng 25%.
Tuy nhiên, những tác động về mặt chính sách, nguồn vốn, cung cầu... và đi kèm theo đó là những cơn "nóng, lạnh" của thị trường đã không khỏi làm những nhà đầu tư lo ngại.
Vui, buồn thị trường năm 2007
Thật vậy, thị trường đã chuyển từ trạng thái phấn khích được cho là quá mức trong những tháng đầu năm 2007 sang trạng thái trầm lắng kéo dài đến gần cả nửa cuối năm vừa qua.
Nhìn lại vào đầu năm 2007, thị trường thật sự đã trở nên quá "nóng". Dồn dập những nhà đầu tư mới đã tham gia gia thị trường với một niềm xác tín rằng sẽ thu được lợi nhuận "khổng lồ", đến mức trên nhiều sàn giao dịch của các công ty chứng khoán - vốn bấy lâu vắng khách - vào lúc đó cũng trở nên quá tải.
Đỉnh điểm của sự "kỳ vọng" là VN-Index đã lên đến 1.170,67 điểm vào ngày ngày 12/3/2007 - mức kỷ lục cho đến tận hôm nay, tăng hơn 55% so với phiên cuối cùng của năm 2006 (VN-Index ở mức 751,77 điểm vào ngày 29/12/2006).
Liệu năm 2008 có lặp lại kịch bản hay không, chứ còn vào thời điểm tràn đầy sự hăm hở của nhà đầu tư vào lúc ấy, 90% công ty niêm yết đã tranh thủ "thời cơ" để huy động vốn. Dễ quá, cứ thông báo phát hành thêm cổ phiếu là nhà đầu tư chen nhau mà mua, bất kể mục đích huy động vốn hiệu quả thế nào. Có công ty dệt may huy động vốn để mở công ty chứng khoán, đầu tư bất động sản; có công ty sản xuất giấy đi mở nhà máy dược phẩm, nhà máy lọc dầu... Tất cả đều được nhà đầu tư ủng hộ, sẵn sàng bỏ tiền.
Theo thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, ở cả hai sàn chứng khoán Hà Nội và Tp.HCM, năm 2007 có khoảng 179 công ty được phép chào bán 2,46 tỉ đơn vị cổ phiếu ra công chúng, tương ứng với khoảng trên 48 ngàn tỉ đồng, gấp 25 lần so với năm 2006, và 3,47 triệu trái phiếu tương ứng với 3.750 tỉ đồng của ba ngân hàng thương mại cổ phần. Tính chung cả hoạt động phát hành, đấu giá trên thị trường chính thức đạt gần 90.000 tỉ đồng, gấp ba lần so với năm 2006.
Và rồi, thị trường... đi xuống. Bên cạnh thị trường tất yếu điều chỉnh sau một thời gian đi lên, việc "nhà nhà" đồng loạt phát hành thêm cổ phiếu đã pha loãng giá. Cùng với diễn biến này, còn có thêm hàng loạt các công ty lần lượt lên sàn, đặc biệt dồn dập vào cuối năm, đã dẫn đến tình trạng cung vượt quá cầu.
Thị trường đã chuyển từ trạng thái phấn khích được cho là quá mức trong những tháng đầu năm 2007 sang trạng thái trầm lắng kéo dài đến gần cả nửa cuối năm vừa qua. |
Tuy nhiên, trong một góc nhìn khác, thị trường chứng khoán đã có sự tăng trưởng về quy mô. Tổng số công ty niêm yết trên cả hai sàn là 253 công ty, tăng 31% so với năm 2006 (193 công ty), tổng giá trị vốn hóa thị trường đạt gần 500.000 tỉ đồng, hơn 43% GDP của cả năm 2007; số vốn mà doanh nghiệp huy động thêm trong năm 2007 hơn 90.000 tỉ đồng.
Điều bất cập ở chỗ, theo một số chuyên gia chứng khoán, thị trường đã tăng cung trong khi chưa thể có những biện pháp để kích cầu. Chỉ thị 03 của Ngân hàng Nhà nước ra đời (trong bối cảnh cần thiết để kiểm soát lạm phát) với nội dung khống chế dư nợ cho vay cầm cố chứng khoán của các ngân hàng thương mại đã chặn đứng luồng vốn từ ngân hàng bơm vào thị trường chứng khoán; thị trường thiếu một kênh hỗ trợ để tăng cầu trong điều kiện lượng cung tăng thêm.
Chưa kể, năm 2007, một loạt các công ty lớn đã thực hiện phát cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) đã thu hút một lượng vốn đáng kể, rút bớt phần nào vốn đầu tư ra khỏi thị trường.
Cung - cầu, bài toán năm 2008?
Thông tin mới nhất vừa loan ra đầu tuần này, Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) sẽ IPO ngay tháng đầu năm mới (ngày 28/1), tiếp nối chuỗi IPO các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam đã diễn ra từ năm ngoái. Việc thực hiện nhanh lộ trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước là cần thiết, nhưng không ít nhà đầu tư băn khoăn liệu thị trường có hấp thu nổi lượng vốn dồn dập từ IPO các doanh nghiệp lớn?
Điều này, theo các nhà đầu tư, sẽ trở lại câu chuyện năm cũ là cung đang vượt cầu, và kịch bản thị trường đi xuống sẽ lặp lại.
Theo các nhà đầu tư, ngoài các đợt IPO, hàng loạt công ty đang xếp hàng nộp hồ sơ xin Ủy ban chứng khoán Nhà nước cho phát hành thêm cổ phần. Theo các thông tin về việc cấp giấy phép tại Ủy ban chứng khoán Nhà nước, trong vòng ba tháng tới, các doanh nghiệp tính cả chưa và đã niêm yết sẽ phát hành khoảng 3 tỉ đô la Mỹ mệnh giá cổ phần ra bên ngoài.
Chuyện vẫn còn nóng hổi, đó là việc lượng cung tăng đã gây bội thực cho giới đầu tư chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm của thị trường những tháng cuối năm 2007. Vậy mà, những tín hiệu vào đầu năm mới có vẻ cho thấy điều này vẫn tiếp diễn.
Tuy nhiên, cũng có những quan điểm khác vẫn giữ cái nhìn lạc quan về thị trường trong năm 2008 này.
Ông Andy Ho, Giám đốc đầu tư VinaCapital, cho biết ông không nghĩ thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2008 sẽ gặp vấn đề trong việc hấp thụ lượng hàng hoá mới. Tiềm lực tài chính trong dân Việt Nam còn rất lớn, điều đó được chứng minh qua việc giá bất động sản tăng vọt trong thời gian gần đây. "Tuy nhiên, vấn đề ở đây là liệu người dân có bán bất động sản đi để đầu tư vào chứng khoán hay không", ông Andy nói.
Ông Nguyễn Kim Tùng, Giám đốc điều hành Indochina Capital, cũng đưa ra cái nhìn lạc quan về thị trường khi nói hãy nghĩ đến lượng kiều hối mà Việt kiều chuyển về Việt Nam, ít hay nhiều cũng sẽ được đổ vào thị trường chứng khoán vì tại Việt Nam hiện nay thật sự không có nhiều kênh để đầu tư.
Theo số liệu tổng kết của Ngân hàng Thế giới (World Bank), lượng kiều hối đổ về Việt Nam trong năm 2007 khoảng 5 tỉ đô la Mỹ. Đó là con số thống kê chính thức, ngoài ra lượng kiều hối còn chuyển về theo nhiều đường khác mà khó có cơ quan nào thống kê được.
Ông Tùng cũng cho biết Indochina Capital dự kiến sẽ đầu tư khoảng 1 tỉ đô la Mỹ vào thị trường chứng khoán Việt Nam vào năm sau. Thêm vào đó, các nhà đầu tư nước ngoài hiện đang nắm giữ một lượng tiền để chuẩn bị đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo ước đoán, số vốn này khoảng từ 6 đến 8 tỉ đô la Mỹ.
Bên cạnh đó, một khối lượng lớn các quỹ thành viên tư nhân của người Việt Nam cũng đã được thành lập, và khá nhiều công ty quản lý quỹ đã được cấp phép và sẽ huy động vốn trong năm sau. Tuy nhiên số vốn tổng cộng của các tổ chức trong nước này vẫn chưa được thống kê chính xác.
Liên quan đến vấn đề lượng cung tăng mạnh, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà Nước Vũ Bằng, trong cuộc trao đổi với báo giới dịp cuối năm, đã cho biết sẽ kiến nghị lên Chính phủ các biện pháp kích cầu cho thị trường vào năm tới bao gồm việc khuyến khích đầu tư của nước ngoài.
Tuy chưa có thông tin chính xác, nhưng giới đầu tư đang nghe ngóng và hy vọng vào việc sẽ mở “room” cho nhà đầu tư nước ngoài trong năm sau.
* Hiện thị trường đang có 7.500 nhà đầu tư nước ngoài bao gồm 300 tổ chức mở tài khoản giao dịch chứng khoán, tăng gấp ba lần so với năm 2006. Nước ngoài hiện đang nắm giữ 25-30% cổ phần của công ty niêm yết và doanh số giao dịch chiếm khoảng 18% giao dịch toàn thị trường. Giá trị danh mục đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chính thức đạt 7,6 tỉ đô la Mỹ, nếu tính cả thị trường không chính thức thì ước khoảng 20 tỉ đô la, tăng gấp ba lần so với năm ngoái. Cho đến nay Ủy ban Chứng khoán đã cấp phép cho 74 công ty chứng khoán và 24 công ty quản lý quỹ đầu tư hoạt động tại Việt Nam.
Theo TBKTSG
Tin đã đăng
- Lần đầu tiên phát hành trái phiếu ngành Y tế
- Xây dựng TPHCM là trung tâm chứng khoán của cả nước
- Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khai trương phiên giao dịch đầu năm tại sàn Hà Nội
- Thị trường chứng khoán 2008: “Hứa hẹn tăng trưởng gấp đôi”
- Cổ phiếu ACB: Thử tìm giá trong ngày chốt quyền
- Khi hối lộ núp bóng “đối ngoại” bằng cổ phiếu
- TTCK Việt Nam 2007: "Cuộc chơi" bất thường
- Chứng khoán thế giới: Một năm sóng gió
- Chứng khoán phiên cuối tuần khởi sắc
- Hậu IPO Vietcombank: Thấp thỏm đợi chờ