itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Chứng khoán / Lạnh nhạt thị trường

Lạnh nhạt thị trường

Từ nay đến cuối năm, những thay đổi lớn sẽ khó xuất hiện, nên sự đổi chiều của dòng vốn ngoại khó diễn ra.

TTCK đang trong giai đoạn cực kỳ khó khăn khi phần lớn NĐT chọn cách đứng ngoài thị trường để bảo toàn vốn. Dù giá CP đã giảm khá sâu, nhưng tín hiệu về sự trở lại của dòng tiền vẫn còn khá mù mịt trong bối cảnh hoạt động doanh nghiệp niêm yết tiếp tục ảm đạm.

NĐT lãnh cảm

Trong phiên giao dịch ngày 27-11, trên sàn HOSE chỉ có 18,7 triệu CP được khớp lệnh, với tổng giá trị giao dịch tương đương 300 tỷ đồng (giảm 26% so với phiên giao dịch đầu tuần). Tuy nhiên, nếu không tính giao dịch thỏa thuận hơn 2,5 triệu CP KDC, giá trị giao dịch chính thức của sàn HOSE chỉ hơn 160 tỷ đồng.

Trong khi đó, thanh khoản trên sàn HNX thậm chí chưa đầy 100 tỷ đồng trong cả 2 phiên giao dịch sáng và chiều. Cụ thể, theo thống kê trong phiên giao dịch ngày 27-11, toàn sàn HNX chỉ có 16 triệu CP được khớp lệnh, tương đương giá trị giao dịch 95 tỷ đồng. Đây được xem là một trong những phiên giao dịch có thanh khoản thấp nhất từ trước đến nay.

Điểm chung của cả 2 sàn trong những phiên gần đây là không khí giao dịch rất tẻ nhạt khi luôn có hàng trăm mã CP không có giao dịch trong sự vô cảm của NĐT. Bên mua thận trọng chỉ đặt lệnh nhỏ giọt ở mức giá thấp, trong khi bên bán rỉ rả đẩy hàng với giá trên tham chiếu.

Thậm chí, nhiều mã blue chip và mã có tính chất đầu cơ cũng trong tình trạng đóng băng. Không có tình trạng bán tháo nên thị trường không chịu áp lực giảm sâu, nhưng trạng thái lạnh lẽo này đã khiến cả những NĐT còn đang phân vân trở nên dứt khoát… rời thị trường.

Trên các sàn giao dịch CK, không khí hết sức u ám khi số lượng NĐT giảm đi rõ rệt. Giao dịch của NĐTNN cũng tụt giảm mạnh so với trước. Dù giá trị giao dịch tăng nhẹ trong phiên 27-11, nhưng theo thống kê trong cả tháng 10 vừa qua, tổng KLGD của khối ngoại chỉ đạt xấp xỉ 250 tỷ đồng trên cả 2 sàn. Trong khi đó, kể từ đầu tháng 11 đến nay, tổng giá trị giao dịch của khối ngoại chỉ đạt hơn 200 tỷ đồng.

Sự thận trọng còn được thể hiện qua đánh giá phân tích của các CTCK. Hiện đa phần các CTCK đều có chung khuyến cáo với NĐT: “Tâm lý thị trường chưa ổn định khiến việc nắm giữ tỷ trọng CP cao vẫn có thể gặp nhiều rủi ro. Do vậy, tỷ trọng tiền mặt cao sẽ an toàn hơn trước nguy cơ giảm điểm vẫn còn”.

Những năm trước, dòng tiền thường có xu hướng gia tăng vào những tháng cuối năm, nhưng tình cảnh của TTCK trong năm nay trái ngược hoàn toàn. Dòng tiền càng về thời điểm cuối năm càng teo tóp khi NĐT lần lượt rời bỏ thị trường. Cụ thể, trong tháng 10, khối lượng khớp lệnh trung bình mỗi phiên của HOSE là 29,6 triệu đơn vị, của HNX là 25,6 triệu đơn vị, thì đến cuối tháng 11 đã suy giảm gần 50%.

Chưa thấy “ánh sáng cuối đường hầm”

Theo giới phân tích, nền kinh tế vẫn đang trong giai đoạn khó khăn khiến đa số NĐT thận trọng và hạn chế gia nhập thị trường. Bức tranh toàn cảnh kinh tế vĩ mô trong năm 2012 gần như an bài. Theo đó, ngoại trừ sự thành công trên phương diện lạm phát và tỷ giá, các dữ liệu kinh tế chưa có bước đột phá đáng kể sau hàng loạt giải pháp được cơ quan điều hành thực thi.

Trong đó, 2 vấn đề lớn nhất của nền kinh tế là nợ xấu ngành ngân hàng và hàng tồn kho của doanh nghiệp vẫn chưa có giải pháp xử lý khả thi. Theo công bố mới nhất từ Bộ Kế hoạch - Đầu tư, hàng tồn kho tại thời điểm 1-11 tăng trở lại từ mức 20,3% trong tháng trước lên 20,9%.

Ngoài ra, biến động của chỉ số PMI (thể hiện triển vọng hoạt động sản xuất) cho thấy điều kiện kinh doanh chưa ổn định, doanh nghiệp vẫn phải đối diện với nhiều thách thức trong thời gian tới. Thực tế, theo kết quả kinh doanh quý III-2012 đang được các doanh nghiệp công bố, rất nhiều doanh nghiệp đứng trước khả năng không hoàn thành kế hoạch. Vì vậy, theo các chuyên gia, xu hướng ảm đạm của TTCK sẽ tiếp diễn cho đến khi 2 vấn đề nổi cộm trên có tín hiệu khả quan hơn.

Phía NĐTNN, áp lực thoái vốn trong ngắn hạn đã bắt đầu giảm, nhưng dòng tiền ngoại khó được huy động thêm trong bối cảnh hiện nay. Trong khi chính sách tái cấu trúc nền kinh tế chưa được định hình rõ, TTCK Việt Nam sẽ khó có sức hấp dẫn, ngay cả khi dòng vốn trên thế giới đang tìm đến khu vực châu Á.

Từ nay đến cuối năm, những thay đổi lớn sẽ khó xuất hiện, nên sự đổi chiều của dòng vốn ngoại khó diễn ra. Nếu có biến động trong động thái mua-bán của NĐTNN, đó có thể chỉ là các hành động với mục tiêu cơ cấu lại danh mục và đánh lên NAV ở thời điểm chốt năm.

Theo Hải Hồ
Sài gòn đầu tư