itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Chứng khoán / Thuốc nào cho niềm tin?

Thuốc nào cho niềm tin?

"Dead Cat Bounce" là tiếng lóng trên TTCK, có nghĩa là "đến con mèo chết cũng sẽ nảy lên nếu được ném xuống từ một độ cao nhất định", hàm ý thị trường luôn có những đợt phục hồi ngắn trong một chu kỳ suy giảm kéo dài liên tục.

Tuy nhiên, TTCKVN lúc này muốn có "mèo chết" e cũng không dễ khi NĐT chán nản quay lưng lại với CK.
Không còn là câu chuyện đắt rẻ
"Kết quả kinh doanh của nhiều DN rất tốt", "giá CP đang quá rẻ để mua vào, "P/E đang rất hợp lý" là những tư vấn thường xuyên được giới phân tích phát đi khi thị trường kể từ đầu năm đến nay liên tục xuất hiện những phiên giảm sâu. Thậm chí GĐ một CTCK còn viết "thư ngỏ" chỉ ra các CP đang rất tốt và khuyên khách hàng nên mua. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều NĐT, vấn đề hiện tại không còn là chuyện đắt rẻ nữa vì ai cũng biết là rẻ, mà quan trọng là NĐT quá chán CK.
Áp lực bán ra rất lớn ngày 24.1 đã cho thấy tâm lý chán nản, bi quan đang lan rộng. Sau phiên giảm rất lớn ngày 23.1, thị trường cũng đã gượng dậy đôi chút khi tăng gần 14 điểm vào đầu ngày 24.1 nhưng làn sóng bán ra ồ ạt ép giá hàng loạt CP xuống khiến chỉ số giá cuối ngày lại giảm 12,55 điểm.
Khác với những phiên trước, không thể "đổ tội" cho NĐTNN khi lượng cung phiên này chủ yếu xuất phát từ NĐTTN. Làn sóng bán ra này chứng tỏ rất nhiều người không dám giữ CK nữa khi chưa biết mức nào là đáy. Mặc dù không phải NĐT nào cũng đang lỗ, thậm chí đại diện Cty quản lý quỹ Dragon Capital, ông Phan Nguyên Tuấn, còn cho biết "thị trường đã thấp hơn giá trị vì vậy quỹ của chúng tôi coi đây là thời điểm tốt để đầu tư", nhưng sự thua thiệt quá lớn của bộ phận NĐT có thể dẫn đến sự sợ hãi đối với CK.
Khi bàn về các giải pháp kích cầu, vẫn có ý kiến cho rằng nguyên nhân khiến thị trường giảm sâu vì trước đó đã tăng quá nóng và giảm như vậy là bình thường. Tuy nhiên khi VN-Index đứng mức 764,13 điểm và khả năng xuống 700 điểm không phải là không có, thì thực tế cả năm 2007 thị trường không tăng trưởng có là hợp lý? Với kết quả kinh doanh khả quan của Cty niêm yết, hầu hết các chuyên gia phân tích đều cho rằng thị trường đã chuyển sang giai đoạn sụt giảm tâm lý.
"Cú sốc" chính sách
Khi thị trường suy giảm liên tục từ mức 900 điểm, đã có rất nhiều "kế" được cả giới đầu tư lẫn chuyên gia "hiến" cho các cơ quan chức năng để giúp vực dậy thị trường và lấy lại niềm tin đối với NĐT. Tuy nhiên, theo bình luận của một NĐT chuyên nghiệp vốn từng trải qua thăng trầm của những năm 2005-2006, giới đầu tư đang mệt mỏi vì... giải pháp và đang mất lòng tin: "Những vấn đề lớn gần đây đều đã được đưa ra: Sửa chỉ thị 03, dãn IPO, mua vào ngoại tệ, lùi đánh thuế đầu tư CK nhưng kết quả ra sao? VN-Index từ 900 điểm rơi thẳng xuống gần 700 điểm. Thiếu cụ thể, không một phát ngôn chính thức, liên tục những thông tin gây "mù" cho NĐT khiến liều thuốc mất tác dụng".
Theo ông Nguyễn Thanh Kỳ - Tổng Thư ký Hiệp hội Kinh doanh CK, liên tiếp các cuộc họp bàn giải pháp được tổ chức nhưng vẫn cứ lặp đi lặp lại những vấn đề chung chung trong khi thị trường đang chờ đợi một động thái cụ thể, chẳng hạn một văn bản chính thức công bố về giải pháp thực hiện.
Dạo quanh một số diễn đàn chuyên về CK có thể thấy đa số NĐT vẫn rất mơ hồ về các quyết định chính sách, như việc hoãn thu thuế đầu tư CK. Câu hỏi lớn mà nhiều người đặt ra là vậy sẽ hoãn đến bao giờ và liệu việc này có tác dụng gì không khi chỉ là hoãn một điều chưa thực hiện?
Rõ ràng không ít NĐT vẫn chưa nắm được tinh thần của chính sách thu thuế từ đầu tư CK khi thị trường sốt cuối 2006 đầu 2007, Chính phủ dự định đánh thuế ngay từ đầu năm 2008, trước khi Luật Thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực. Việc hoãn thu thuế có nghĩa sẽ chỉ thu thuế theo Luật Thuế thu nhập cá nhân vào năm 2009.
Chỉ một việc nhỏ như vậy đã cho thấy tác động của chính sách và thông tin chính sách đến TTCK. Nhiều chính sách là đúng nhưng có thể gây sốc nếu không tạo cho thị trường có một sự chuẩn bị tâm lý.
Đó là chưa kể việc ổn định chính sách là một trong những tiêu chí xem xét hàng đầu của các tổ chức đầu tư khi quyết định tham gia thị trường mà chỉ thị 03 là một ví dụ. Theo đại diện của NH HSBC tại hội thảo bàn các giải pháp kích cầu gần đây, điều tiết bằng chính sách phải không tạo ra cú sốc: "NĐTNN hiểu rất rõ ở các nước đang phát triển, đồng tiền chưa chuyển đổi và NHNN phải có một chính sách điều tiết có lợi nhất cho nền kinh tế. Đương nhiên việc điều tiết sẽ linh hoạt tại các thời điểm khác nhau nhưng NĐTNN chỉ lo ngại chính sách không đồng bộ.
Chẳng hạn, không nên lúc chặt chẽ quá khiến họ không thể đổi ngoại tệ được và thời điểm khác lại dễ dàng hơn. NĐTNN mong muốn có một môi trường ổn định để không vỡ kế hoạch, lỡ cơ hội đầu tư".
Bình luận về giải pháp dãn IPO, đại diện CTCK Thăng Long, ông Lê Đình Ngọc, cho rằng không phải là một chính sách hay vì vấn đề NĐT lo ngại không chỉ là cung hàng mà còn cần một lộ trình rõ ràng. NĐT luôn phải xây dựng kế hoạch phân bổ vốn và những rủi ro đột xuất như vậy có thể làm giảm lòng tin.
Trong khi đó, điểm mấu chốt là vấn đề định giá hợp lý cho các đợt IPO lại không được tính đến. Rõ ràng việc PR cho chính sách là một vấn đề cần tính đến, không chỉ để đảm bảo tính đúng đắn mà còn tạo sự đồng thuận với thị trường.

Nam Nguyễn (Lao Động)