itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Chứng khoán / Trong lạnh, ngoài nóng

Trong lạnh, ngoài nóng

VN-Index đã hồi phục trở lại khi kiểm tra thành công vùng hỗ trợ 470 - 475 điểm. So với tuần èo uột trước đó, chỉ số đã tăng 7,36 điểm (tương đương với 1,52%) và lên sát ngưỡng kháng cự 490 điểm, đồng thời thanh khoản trên HOSE cũng được cải thiện rõ rệt với khối lượng giao dịch tăng 32%. Trong khi thị trường nội còn nguội lạnh thất thường thì các nhà đầu tư (NĐT) lại quan tâm đến thị trường Lào.

Cân nhắc chốt lời thị trường “nội”

Sự trở lại của các cổ phiếu bluechip cũ như: SAM, FPT, KBC... đã làm cho phiên giao dịch cuối tuần qua trở nên khá sôi động. Tâm lý thận trọng của NĐT phần nào cũng được cởi bỏ khi có tín hiệu dòng tiền quay trở lại các mã cổ phiếu lớn một thời, điều này đã được thể hiện qua sự cải thiện về thanh khoản.

NĐT cũng không khỏi ngỡ ngàng khi tuần giao dịch vừa qua cũng chứng kiến việc mua ròng mạnh mẽ của khối NĐT nước ngoài với giá trị mua ròng lên tới 136 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng lớn nhất trong vòng ba tuần trở lại đây.

Lượng mua vào của khối ngoại tập trung vào khoảng 20 mã với khối lượng hơn 100.000 đơn vị/mã. Trong đó, PPC, KBC, ITA, VCB được mua vào hơn 400.000 đơn vị/mã, tiếp theo đó là PVD, DPM, SJS, PVF, OGCHAG.

Có lẽ, sự kiện tác động đến tâm lý mua bán của NĐT nhiều nhất trong thời gian này là chờ đợi những quyết sách kinh tế sẽ được đưa ra trong thời gian tới.

Theo đó, một số mục tiêu cụ thể đã được đề cập trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội năm 2011-2020 là tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 7 - 8%/năm, GDP bình quân đầu người theo giá thực tế đạt khoảng 3.000USD, và giai đoạn 2011-2015 là giai đoạn quan trọng để thực hiện chiến lược này.

Trước tình hình đó, nhiều nhà phân tích cho rằng xu hướng tăng trung và dài hạn vẫn đang được giữ vững, nhưng xu hướng ngắn hạn tạm thời gặp khó khăn tại vùng kháng cự 497 - 500 điểm.

Để vượt được vùng này cần khối lượng giao dịch lên khoảng 60 - 70 triệu đơn vị/phiên quay trở lại. Như vậy, trong bối cảnh nhiều NĐT có tâm lý nghỉ ngơi trước dịp nghỉ lễ dài như hiện nay thì dòng tiền vào thị trường trong các tuần giáp Tết khả năng là không cao.

Trước tình hình đó, giới chuyên gia khuyến nghị NĐT ngắn hạn có thể cân nhắc chốt lời khi VN-Index có dấu hiệu suy yếu khi vào vùng kháng cự nêu trên và duy trì tỷ lệ tiền mặt/cổ phiếu ở mức độ hợp lý. NĐT trung và dài hạn tiếp tục mua và nắm giữ cổ phiếu.

Hướng tới thị trường chứng khoán Lào

Bên cạnh sự èo uột của thị trường chứng khoán (TTCK) nội, thì thời gian gần đây, nhiều NĐT trong nước bắt đầu râm ran và tỏ vẻ quan tâm đến TTCK Lào. Nhiều người cho rằng, chỉ có thể kiếm lợi nhuận tốt khi tham gia vào thị trường ở thời điểm sơ khai, bài học này đã được thực tiễn chứng minh với TTCK Việt Nam trong những năm trước đây.

TTCK Lào là một bức tranh không khác gì TTCK Việt Nam khi mới đi vào hoạt động cách đây 10 năm, cũng chỉ chào các NĐT hoàn toàn non trẻ bằng hai mã niêm yết.

Mặc dù chỉ có hai mã cổ phiếu niêm yết, nhưng TTCK Lào vẫn thu hút các NĐT Việt Nam. Nguyên nhân là do hiện nay TTCK Lào cho khớp lệnh định kỳ, 2 lần/phiên, nhưng có thể triển khai ngay khớp lệnh liên tục và giao dịch trực tuyến dựa trên hệ thống công nghệ được đầu tư đồng bộ ngay từ ban đầu.

Bên cạnh đó, TTCK Lào cũng đang hứa hẹn rất lớn là Lào bắt đầu cổ phần hóa (IPO) từ các doanh nghiệp (DN) lớn nhất như Ngân hàng Ngoại thương (BCEL), các DN viễn thông lớn, DN có ngành nghề hấp dẫn, IPO xong là thực hiện niêm yết ngay.

Đưa DN lớn lên sàn, mục đích của TTCK Lào là để thu hút sự quan tâm của NĐT quốc tế. Dự kiến, trong 1 - 2 năm tới, Lào sẽ đưa khoảng 100 - 200 công ty lên sàn.

Tuy vậy, với những NĐT đang có ý định “xuất ngoại” sang Lào mua/bán chứng khoán thì cũng cần cân nhắc một số yếu tố đại loại như theo quy định, mỗi cá nhân hiện nay được xuất cảnh với 7.000USD, việc đầu tư ra nước ngoài phải được cấp giấy phép.

Điều này sẽ khiến các NĐT Việt Nam mất nhiều cơ hội so với các NĐT đến từ Trung Quốc, Thái Lan và Hàn Quốc. Hơn nữa, trên sàn chỉ có hai mã chứng khoán nên việc tranh mua có thể gây thiệt hại cho NĐT...

Phạm Bảo Hà

DOANH NHÂN SÀI GÒN