itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Chứng khoán / TTCK thế giới - Phập phù

TTCK thế giới - Phập phù

Cuối cùng cuộc họp thường niên của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng diễn ra trong tâm trạng hồi hộp, mong chờ của các NĐT và họ cùng chung hi vọng FED sẽ tiếp tục giảm lãi suất xuống mức 4,5%.

TTCK Mỹ đã có 3 ngày tăng liên tiếp rồi đến ngày giảm không mong chờ do tâm lý của các NĐT lo ngại những ảnh hưởng tồi tệ của cuộc khủng hoảng vừa qua sẽ làm cho nền kinh tế Mỹ đã tụt lùi lại càng tụt lùi. Những bản báo cáo mới nhất đã chỉ ra niềm tin của người dân Mỹ đã giảm đi trông thấy sau khi được hỏi về “viễn cảnh” của nền kinh tế nước này sau đợt khủng hoảng vừa qua.

Bên cạnh đó, nhiều tập đoàn lớn và các công ty đua nhau thông báo lợi nhuận quý III/07 không đạt được như chỉ tiêu đã đặt ra hay như dự đoán của các nhà phân tích càng làm cho nền kinh tế nước này ì ạch, và TTCK cũng ì ạch theo.

Bên cạnh đó, giá dầu tuy đã xuống nhưng vẫn nằm ở mức cao do lo ngại về những cuộc khủng hoảng chính trị có thể xảy ra tại Trung Đông và những tai ương bất ngờ ập đến các khu vực trọng điểm về khai thác chế biến và lọc dầu. Giá vàng leo thang cùng giá dầu cũng là yếu tố tác động mạnh vào tâm lý NĐT so với việc giảm giá của đồng USD bên cạnh các đồng tiền chủ chốt khác.

Giá dầu mỏ tăng đã khiến TTCK châu Á sôi động hơn bao giờ hết trong suốt mấy ngày qua. Tiếp theo đó, hàng loạt công ty thông báo lợi nhuận tăng đã khiến TTCK như nở hoa. Nhưng, TTCK ở đây cũng giảm đầu phiên giao dịch do giá dầu giảm và lo ngại bóng đen của nền kinh tế Mỹ lại bao trùm TTCK châu lục này.

Nhưng cuối phiên giao dịch, TTCK châu lục này đã lật ngược thế cờ do báo cáo lợi nhuận của một số tập đoàn lớn tại Nhật Bản tăng mạnh. Vậy là không chỉ có TTCK “xứ sở mặt trời mọc” đi lên, chỉ số MSCI của châu lục này cũng tiếp tục tiến bước.

TTCK châu Âu cũng đã khiến các NĐT đau đầu trong suốt thời gian qua. Chỉ số niềm tin tại châu lục này cũng giảm mạnh sau đợt khủng hoảng tại Mỹ vừa qua. Các chỉ số chung của châu Âu cũng phập phù theo hơi thở yếu ớt của nền kinh tế Mỹ.

Cả TTCK châu Á và TTCK châu Âu cùng ít nhiều chịu ảnh hưởng của nền kinh tế Mỹ vì đây là châu lục nhập khẩu nhiều nhất của cả 2 châu lục này. Vì vậy, việc FED có tiếp tục giảm lãi suất hay không cũng sẽ có tác động mạnh vào 2 châu lục này. Đồng USD sẽ chịu áp lực lớn nhất, đặc biệt là việc tăng hay giảm giá trị của đồng tiền này so với các đồng tiền khác.