itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thế giới / Á Âu hội tụ

Á Âu hội tụ

Sự khởi sắc của châu Á trong hai thập kỷ gần đây có sự giúp đỡ to lớn của các mô hình kinh tế phương Tây. Tuy vậy, nếu muốn tiếp tục vận hành tốt trong 20 năm tới, họ sẽ phải tự tìm hướng đi cho riêng mình. Mỗi khu vực có các điều kiện và đặc điểm khác nhau.

Myanmar – một đất nước rộng lớn gặp nhiều khó khăn trong quá khứ đang vực dậy khỏi vũng lầy. Ấn Độ và Indonesia, sau hai thập kỷ đắm chìm trong hỗn loạn chính trị, đang tích cực thu hút đầu tư để xây dựng nhà máy và tạo thêm việc làm tại các khu công nghiệp. Ở Trung Quốc, chính phủ cần phải giảm gánh nặng nợ công lên nền kinh tế. Nhật Bản đang phải đối mặt với một trong những thử thách lớn nhất của xã hội hiện đại: tiếp tục phát triển thịnh vượng hay sụp đổ từ những rạn nứt hiện tại.
Mỗi công ty châu Á có một hướng đi riêng. Việc bán các gói dầu gội ở vùng nông thôn Java khác hoàn toàn việc bán điện thoại di động ở Hàn Quốc hay viết code máy tính ở Bangalore. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng các công ty châu Á không thể tránh khỏi bị ảnh hưởng bởi các xu hướng đương thời như: chi phí lao động tăng cao ở Trung Quốc; xu hướng dân số già ở khu vực Đông Á; thị hiếu khắt khe của người tiêu dùng; sức mạnh đột phá của Internet; các rào cản gia nhập thương mại toàn cầu ngày càng khó khăn bởi quá trình hội nhập đang diễn ra sâu rộng hơn bao giờ hết. Căng thẳng quân sự trong khu vực cũng gây nhiều áp lực vô hình lên nền kinh tế.
Trong cuộc đối đầu với những thử thách trên, giải pháp cho các công ty châu Á có nhiều điểm tương đồng. Họ cần phát triển định hướng chuyên nghiệp, với trọng tâm hội nhập và quốc tế hóa, đẩy mạnh nghiên cứu R&D và xây dựng thương hiệu được phổ biến rộng rãi. Sự thay đổi này đe dọa đến các phương thức sở hữu truyền thống ở châu Á bao gồm các công ty nhà nước, các tập đoàn gia đình hay các công ty mang phong cách quân phiệt Nhật Bản.
Các cuộc cải cách đang được hưởng ứng tích cực và mang lại hiệu quả trong 2 thập kỷ gần đây. Tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề tồn đọng phức tạp. Trong khi nhiều công lớn ở châu Á đã đạt được thành công bước đầu trong quá trình hội nhập; những công ty từ chối mở cửa sẽ dần sụp đổ và rút lui khỏi thị trường
Các tập đoàn châu Á sẽ không trở thành các tập đoàn Mỹ, nhưng các công ty lớn ở châu Á đang có xu hướng phát triển tương tự mô hình các tập đoàn đa quốc gia. Đây là mô hình tối ưu nhất trong thời điểm hiện nay. Trong khi đó, các tập đoàn đa quốc gia của phương Tây lại mang dáng dấp châu Á, phần lớn doanh thu được tạo ra từ các thị trường tiêu dùng lớn trong khu vực và sự gia tăng các thành viên châu Á trong tầng lớp quản lý. Họ cũng cần học tập các giá trị kinh doanh châu Á trong việc quản lý mức lương của ban lãnh đạo hay phát triển tầm nhìn dài hạn.
Tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn cản trở sự phát triển của khu vực. Vấn đề đầu tiên là các cuộc xung đột giữa Trung Quốc và các nước láng giềng. Vấn đề tiếp theo là sự phản đối dữ dội của công chúng với vấn đề bất bình đẳng và tham nhũng trong xã hội. Theo tạp chí The Economist, các quốc gia châu Á đạt được kết quả rất thấp khi so sánh chỉ số Crony – chỉ số đo lường mức độ giàu có của các tài phiệt trong các ngành công nghiệp có liên quan đến chính phủ. Trong 3 năm gần đây, chính phủ các nước Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia liên tục có nhiều chính sách đối phó với các công ty nước ngoài. Nhiều lo ngại cho rằng sự can thiệp chính trị này sẽ tiếp tục lan rộng đến các công ty trong nước. Một trong những tác động tích cực của chính sách phân quyền sở hữu là việc có thêm nhiều người chịu trách nhiệm về tương lai của công ty.
Việc đổi mới công ty cũng cần động lực. Các doanh nhân trẻ châu Á từ lâu đã được biết đến với tiềm năng kinh doanh đáng kinh ngạc. Tuy nhiên, trong phần lớn các tập đoàn châu Á hiện tại, quyền ưu đãi đặc biệt vẫn thường được ưu tiên. Hệ thống tài chính non trẻ đã phải chịu áp lực từ hàng loạt các công ty mới gia nhập thị trường, đặc biệt trong khu vực đầu tư mạo hiểm. Mặc dù có nhiều cơ hội hấp dẫn từ các ngành công nghiệp “mới” như năng lượng xanh, chăm sóc sức khỏe và mạng Internet, số lượng các công ty thực sự đầu tư vốn vào thị trường này còn rất hạn chế.
Sự phát triển của các tập đoàn châu Á trong hai thập kỷ tới sẽ chứng kiến cả thành công cũng như thất bại. Khi các công ty Trung Quốc bành trướng và phát triển trên trường quốc tế, họ cũng đồng thời phải đối mặt với sự canh tranh từ các tập đoàn phương Tây. Sự dịch chuyển ngành sản xuất gia công cơ bản ra khỏi Trung Quốc và các nhà máy sản xuất xe hơi trên toàn khu vực sẽ cắt giảm nhiều việc làm. Nếu Hàn Quốc và Nhật Bản tiếp tục đạt được nhiều bước đột phá trong ngành công nghiệp và dịch vụ sáng tạo, các nhà biên kịch Hollywood, các nhà thiết kế của Pháp hay các ngôi sao nhạc pop Australia sẽ gặp nhiều rắc rối. Tuy nhiên, gia tăng cạnh tranh và đổi mới liên tục sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng. Nếu Trung Quốc thành công kiểm soát nền kinh tế, họ sẽ cung cấp nguồn khách hàng lớn nhất cho các đối tác trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, các công ty châu Á khi gia nhập thị trường quốc tế cũng tạo thêm nhiều việc làm bên ngoài biên giới đất nước của họ.
Nắm bắt cơ hội
Hai mươi năm trước, có lẽ không ai tưởng tượng Hàn Quốc sẽ sở hữu những “người khổng lồ” trong ngành sản xuất ô tô toàn cầu, các công ty công nghệ Ấn Độ sẽ đứng trong top đầu thế giới, hay các tập đoàn Internet Trung Quốc sẽ liên tục gây mưa gió trên sàn chứng khoán Mỹ. Ngày nay, tất cả đều đã trở thành hiện thực. Nếu các công ty châu Á đủ linh hoạt để bắt kịp các xu thế mới họ sẽ còn tiến xa hơn. Biết đâu 20 năm sau, Unilever sẽ được điều hành từ Singapore và báo cáo doanh thu bằng đồng Nhân dân tệ, McDonald’s sẽ bán phiên bản Maharaja Macs ở cả Newyork và Mumbai. Một đế chế giải trí kỹ thuật số toàn cầu mới sẽ được thành lập ở Tokyo. Thậm chí The Economist sẽ trở thành tạp chí châu Á và được in ấn, trang trí đẹp mắt.
Thảo Phương

Theo Trí Thức Trẻ/Economist