Hiệp ước Schengen
Các nước tham gia Hiệp ước Schengen vừa vui mừng chào đón chín thành viên mới gia nhập Liên hiệp châu Âu (EU) trong đợt mở rộng mới vào sáng 21-12. Như vậy, khu vực tự do đi lại mà không cần dùng thị thực của châu Âu đã tăng từ 15 lên 24 nước với 400 triệu dân, đưa biên giới của khu vực Schengen tiến sát tới các nước Ukraine, Belarus và Nga.
Schengen là tên một ngôi làng nhỏ, nằm ở đông-nam Luxembourg, gần ngã ba biên giới với Ðức và Pháp. Tại đây, vào ngày 14-6-1985, các nước Pháp, Bỉ, Hà Lan, Luxembourg và Ðức đã ký hiệp định Schengen, bãi bỏ việc kiểm soát biên giới lẫn nhau để công dân đi lại tự do, nhằm thúc đẩy thương mại và du lịch.
Tới năm 1990, các nước trên ký thêm một văn bản thay thế gọi là Hiệp ước Schengen và lần lượt có thêm các nước khác gia nhập. Sau đợt mở rộng năm 2001, khu vực Hiệp ước Schengen có 15 thành viên là Áo, Bỉ, Ðan Mạch, Phần Lan, Pháp, Ðức, Iceland, Italy, Hy Lạp, Luxembourg, Hà Lan, Na Uy, Bồ Ðào Nha, Tây Ban Nha và Thụy Ðiển. Công dân các nước tham gia Hiệp ước Schengen có thể đi lại tự do bằng đường hàng không, đường bộ và đường biển giữa các nước mà không cần xin thị thực và không bị kiểm soát ở khu vực biên giới.
Bên cạnh việc tạo ra một biên giới chung, Hiệp ước Schengen còn có quy định chung về chính sách đường biên giới như quy chế chung về tị nạn, thành lập Hệ thống thông tin Schengen giúp cảnh sát và cơ quan lãnh sự truy cập kho dữ liệu chung về tội phạm. Ngoài ra, cảnh sát trong khu vực Schengen có quyền truy bắt nghi can xuyên biên giới trong khối.
Chín thành viên mới của khu vực Schengen là Séc, Estonia, Hungary, Latvia, Lithuania, Malta, Poland, Slovakia và Slovenia đã tổ chức các hoạt động mừng sự kiện lịch sử này. Người dân nâng cốc chúc mừng và đóng dấu kỷ niệm lên hộ chiếu của mình dưới nền trời pháo hoa.
Hiện quy định về khu vực biên giới tự do của các nước này chỉ bao gồm đường bộ và đường biển, sau đó sẽ áp dụng cho đường hàng không vào tháng 3-2008. Ðối với công dân các nước ngoài EU, chỉ cần được cấp thị thực nhập cảnh một trong 24 nước nói trên là có thể đi lại tự do trong toàn khối. Các nhà phân tích đánh giá việc mở rộng khu vựcSchengen của EU là bước đi tượng trưng cuối cùng dỡ bỏ "bức màn sắt" ngăn cách những thành viên thuộc Liên Xô (trước đây) với phương Tây. Khu vực Schengen giờ đây bằng một phần ba diện tích của Mỹ và chỉ với một thị thực duy nhất là Schengen, công dân châu Âu và nước ngoài có thể đi toàn bộ khu vực từ Estonia ở phía bắc đến Bồ Ðào Nha ở phía nam hay sang tận phía đông là Hungary. Tuy nhiên, hiện Anh vẫn đứng ngoài khu vực Schengen, trong khi hai nước không thuộc EU là Na Uy và Iceland lại tham gia hiệp ước. CH Síp sẽ vào khu vực Schengen sau đợt mở rộng này một năm, còn Romania và Bulgary vẫn chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn an ninh để tham gia hiệp ước. Theo kế hoạch, tới năm 2008, Thụy Sĩ sẽ trở thành thành viên thứ 25 của khối Schengen.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) José Manuel Barroso khẳng định, đợt mở rộng Hiệp ước Schengen lần này là một sự kiện quan trọng trong nhiệm kỳ của ông. Việc mở rộng biên giới sẽ thúc đẩy thương mại và du lịch của châu Âu, mang lại sức sống mới cho nền kinh tế khu vực. Du lịch hiện chiếm khoảng 4% kinh tế EU và được dự đoán sẽ tăng lên 11% trong thời gian tới. Ðối với những du khách cần phải có thị thực trước khi vào EU, đây quả là một chuyển biến hết sức tích cực, giúp họ tiết kiệm được thời gian và tiền bạc.
Tuy nhiên, nhiều nước Tây Âu lo ngại rằng, việc mở rộng sẽ làm gia tăng hoạt động tội phạm và nhập cư trái phép, có thể khiến việc đi lại khó khăn hơn cho người ngoài khối, do phí thị thực tăng cao và quá trình xin thị thực sẽ gắt gao hơn. Lãnh đạo nhiều nước châu Âu khẳng định, Hiệp ước Schengen sẽ góp phần bảo đảm tự do, hòa bình, an ninh và đoàn kết trong khu vực.
Theo ND
Tin đã đăng
- 2007 - năm kỷ lục của mua bán và sáp nhập
- Chứng khoán thế giới: Lấy lại niềm tin
- Công nghiệp dầu khí thế giới “đói” nhân lực
- Trung Quốc: thi công chức khó như trúng vé số
- Nga đầu tư vào ngành khí đốt Bolivia
- Tham vọng xuất dương của các công ty Trung Quốc
- Đồng bảng tăng, khách du lịch Mỹ giảm
- Kinh tế Mỹ 2007: Buồn nhiều hơn vui
- Dân Nhật được hỗ trợ vì giá dầu tăng
- Thương mại Hàn Quốc lên hạng 11 thế giới